Nhà Đoan, Thuế Muối, Rượu Cồn không phải là câu chuyện mới nhưng là tuyển tập được viết bởi các tác giả là các nhà báo, nhà văn người Pháp mà không phải ai cũng từng được tiếp cận. Bên cạnh chất “du ký” nổi bật, cuốn sách mang lại những trang tư liệu quý về một thời kỳ đầy biến động, với cái nhìn công tâm và không bị ảnh hưởng bởi chính trị.
Mặc dù là người Pháp, nhưng khi ấy, các tác giả đã không nhìn Việt Nam với con mắt miệt thị là “dân tộc cần khai hóa”. Ngược lại, các trang viết của họ thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên và con người Việt Nam. Đó là một cái nhìn đầy trìu mến, cụ thể và chính xác về xứ thuộc địa, hoàn toàn khác với những gì mà chính quyền Pháp tuyên truyền lúc bấy giờ. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng cho rằng: “Trong các tác phẩm của họ, chúng ta luôn thấy được vẻ đẹp chân thực của Vịnh Hạ Long, sự ồn ào của vùng buôn bán sầm uất Chợ Lớn hay cái mênh mang sông nước, thiên nhiên hoang dại của Đồng bằng sông Cửu Long...”.
Được dịch giả kỳ cựu Lê Trọng Sâm biên dịch, “Nhà đoan, thuế muối, rượu cồn” với khoảng 23 bài viết sẽ ra mắt độc giả Việt Nam trong thời gian tới. Theo PGS Nguyễn Thừa Hỉ, những trang du ký này mang giá trị đặc biệt trong nghiên cứu lịch sử, bởi đây là nguồn thông tin được các nhà du ký quan sát trực tiếp. Ông cũng cho rằng, với cách nhìn từ bên ngoài, nhiều vấn đề đã được họ khai thông với sự nhìn nhận rõ hơn so với người trong nước.
Nếu như Louis Roubaud mang đến cho độc giả bức tranh hiện thực sinh động với “Đêm cầu kinh ở Yên Bái”, “1.500 người im lặng xung quanh cuộc nổi dậy của Xô Viết - Nghệ Tĩnh”, “Cuộc tranh luận bên bờ sông Hương”..., thì Roland Dorgeles lại đưa độc giả dừng lại ở “Chân đỉnh Hạ Long” hay “Cát Bà - Hòn Gai - xứ than”... Trong khi Léon Werth gây hứng thú với những trang viết về Sài Gòn, Phan Thiết, Bạc Liêu..., thì Michel Đức Chaigneau lại có thể làm rung động trái tim người đọc khi viết về quê mẹ bằng Hồi kí Huế, từng xuất bản ở Pháp năm 1867.