Là nạn nhân của một âm mưu thấp hèn, Jacques Deprat trải lòng trong cuốn tiểu thuyết "Chó cứ sủa...". Hàng chục năm sau đó ông mới được phục hồi danh dự.
Hơn cả một lời tường thuật về âm mưu đạp đổ uy tín của một nhà khoa học địa chất, tiểu thuyết Chó cứ sủa… vẽ nên cuộc sống người Pháp tại Việt Nam, vẽ nên núi rừng Đông Dương và những hy vọng, ước ao cống hiến.
Vẻ đẹp địa chất và sự hoang sơ của thiên nhiên Đông Dương
Diễn ra trước thềm Chiến tranh thế giới thứ nhất, câu chuyện bắt đầu với nhà khoa học Derpat tài năng, trẻ tuổi đang dẫn đầu một chuyến nghiên cứu thực địa để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Vân Nam. Ở nơi cao nguyên Trung Hoa này, Deprat đắm mình vào những điểm hóa thạch và nếp uốn địa chất, vào công tác thu thập mẫu vật cũng như những sắc màu hoang sơ của núi rừng nhiệt đới.
Jacques Deprat thời trẻ.
Có lẽ vẻ đẹp thiên nhiên ở Vân Nam, sự bình yên của cuộc sống gia đình tại Hà Nội, hay nói cách khác là tâm hồn nghệ sĩ trái ngược với tư duy logic khoa học của Derpat đã ngăn trước mắt anh sự thật về bản chất vụ lợi của con người, không phải người thuộc địa với ngoại hình và ngôn ngữ xa lạ, mà chính đồng hương, đồng nghiệp của anh từ nước Pháp.
Đằng sau những lúc tay bắt mặt mừng hay những lời tâm sự về quá khứ và tương lai là một mưu đồ hạ thấp anh trước toàn thế giới, đến từ những người anh đã hết lòng tin tưởng.
Cuốn tiểu thuyết Chó cứ sủa... gần như là một hồi ký, kể lại thời gian Jacques Deprat, hay chúng ta biết dưới cái tên Herbert Wild, sống và làm việc tại Hà Nội, Vân Nam. Đây cũng là những nơi lưu giữ niềm vui và nỗi buồn lớn nhất cuộc đời ông.
Ấn tượng của một nhà khoa học phương Tây trước cảnh sắc thiên nhiên nhiệt đới nổi bật lên trên tình tiết câu chuyện. Hoàng hôn trên hồ Tây, đường mòn lượn vòng giữa những cây sồi hay thác nước đổ xuống vực thẳm, tiếng khóm tre rì rào hay tiếng tàu lá cọ quanh nhà đều được tác giả thích thú phác họa, trở thành nguồn cảm hứng cho những vần thơ, bài nhạc của ông - những kỷ niệm vui thú mà đêm đêm ông vẫn hay mường tượng lại.
Khi nhắc đến nỗi đau ê chề của Deprat, ngoài sự kiện bê bối làm trung tâm, tiểu thuyết đề cập đến sự đồi bại của người chính quốc tại thuộc địa, hay cụ thể là tư tưởng bè phái và thói quen xu nịnh của giới cổ cồn trắng Pháp ở Đông Dương - những thành phần tạo nên sự bại hoại của bộ máy cầm quyền, vùi dập những người có năng lực và đánh bóng những kẻ hèn nhát.
Jacques Deprat (đội mũ). Khi viết văn, ông lấy bút danh là Herbert Wild.
Trong hoàn cảnh nước Pháp đang phải gồng mình chịu tổn thất nặng nề từ cuộc Đệ nhất thế chiến, ông đã cảm thán: “Sự phản phúc của đồng bào mình còn nặng nề gấp nghìn lần bởi bạo lực của kẻ ngoại bang". Có cảm giác nhân vật rất nhỏ bé và bất lực khi đứng trước sức mạnh khổng lồ của các cấp chính quyền móc nối với nhau cùng dã tâm xé nát bất cứ ai dám đi trước chúng, giống như một đàn chó hoang hung tợn, hễ phát hiện chút mùi ưu tú sẽ muốn người ta phải nản lòng bỏ cuộc mà cứ sủa không ngưng…
Sự dung hòa giữa khoa học và nghệ thuật
So với cốt truyện khá đơn giản chỉ xoay quanh cuộc sống và công việc của nhân vật, cách tác giả Herbert Wild xây dựng Dorpat (hay chính bản thân mình) có chút độc đáo. Ở nhân vật Dorpat ta nhìn thấy sự dung hòa đặc biệt giữa khoa học và nghệ thuật. Hiếm có nhà địa chất nào đang đào bới nơi thực địa trong thời tiết khắc nghiệt, khi ngẩng đầu lên thấy rừng thiêng nước độc lại đem lòng yêu thích đến nỗi xuất khẩu thành thơ hay sáng tác một bản giao hưởng dành tặng riêng cho vùng sơn cước.
Và cũng hiếm thấy ai đam mê khoa học đến mức từ bỏ sức khỏe và đời sống an nhàn ở chính quốc để lặn lội chốn rừng núi Tây Bắc Việt Nam, Tây Nam Trung Quốc chỉ với mong muốn được cống hiến cho ngành địa chất.
Do được lấy hình mẫu từ bản thân, việc tác giả có thể vẽ nên Deprat thật hoàn hảo và lý tưởng như vậy tình cờ tạo ra một bức tường hoài nghi giữa độc giả và nhân vật. Một con người tự đề cao bản thân như vậy thật sự có đáng tin hay không? Thế giới này mà cũng có người chẳng phạm sai lầm gì sao?
Tuy vậy, Deprat có một lỗi lầm tuy rất khó để trách cứ: Sự ngây thơ. Anh thích tin tưởng vào người khác, thích nhìn vào những điều tốt đẹp ở mỗi người. Khi đã nhận thấy chút tình thương, không thèm phân biệt thật hay giả, anh đều sẵn sàng ngó lơ mọi sai phạm của người ta. Khiếm khuyết duy nhất này khiến hết thảy mọi người, bao gồm cả độc giả cảm thấy lo lắng (một cách bực dọc) cho số phận của anh, để rồi tự hỏi từ khi nào mình đã bắt đầu quan tâm và ủng hộ cho nhân vật này đến thế.
Giúp đỡ, cổ vũ cho Deprat là cả một đoàn người. Và cùng họ anh cứ đi…
Chó cứ sủa… là tác phẩm đầu tay của nhà văn Herbert Wild. Tuy không gây nên nhiều tiếng vang như các tiểu thuyết sau này nhưng có lẽ tác giả chỉ đơn giản muốn sử dụng văn chương để trải lòng sau sự kiện chấn động đến danh tiếng bản thân trong ngành địa chất mà mình đã dành hơn 20 năm để theo đuổi.
Vào năm 1991 - 56 năm sau cái chết của nhà văn và nhà khoa học này - Hiệp hội Địa chất Pháp nhận thấy nhiều nghiên cứu chứng minh sự trong sạch của ông và cuối cùng đã phục hồi tư cách thành viên cho Deprat. Một câu hỏi được dấy lên, nếu có thể dung hòa nghệ thuật và khoa học, liệu có tồn tại điều tương tự cho khoa học và công lý?
Jacques Deprat (1880 1935) là nhà địa chất, cổ sinh vật học, nhà văn Pháp. Ông làm việc ở Sở Địa chất Đông Dương những năm 1904-1917. Những nghiên cứu ở Đông Dương của ông sau này trở thành tư liệu tham khảo quan trọng trong quá trình lập Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam với tỷ lệ 1:500.000 những năm 1960. Khi viết văn, ông lấy bút danh Herbert Wild.
Nguồn: Zing