Đỗ Long Vân (1934 – 1997)
Sinh ra ở Hải Dương, sống thời thơ ấu ở Hà Nội, du học và tốt nghiệp cử nhân văn khoa ở Đại học Sorbonne, Paris, trở về quê hương sau Hiệp định genève 1954, Đỗ Long Vân đã dạy ở Đại học Huế, viết văn ở Sài Gòn, và sống giữa chúng ta nhưng như ở một cảnh giới khác, như một ẩn sĩ hoặc đúng hơn như một hiền nhân.
Những văn bản của Đỗ Long Vân nằm ở giao điểm của phê bình văn học và suy tư triết học. Mạch nguồn gần gũi nhất là những tên tuổi như Georg Lukács, Walter Benjamin thuộc dòng chủ nghĩa xã hội; Alain, Gaston Bachelard, Roland Barthes thuộc giới phê bình Pháp; Christopher Marlowe, T. S. Eliot, Jorge-Luis Borges… trong các tác gia văn học.
…
Đỗ Long Vân đã chứng tỏ khả năng kì diệu của tiếng Việt nhuần nhuyễn và đa tầng khi cùng giao lưu và tiếp thu thế giới để mở ra chào đón những chân trời mĩ học của thiên niên mới.
…
Là một người tha thiết với tiếng Việt và đã hấp thụ cả truyền thống phương Đông qua chữ Nho và chữ Nhật, cũng như văn hoá phương Tây từ Hi Lạp và La Mã cổ đại đến Âu Mĩ đương thời, Đỗ Long Vân đã mang rất ung dung nhẹ nhàng cái hành trang tri thức đó để tiếp cận với các vấn đề văn học theo một cung cách riêng. Cung cách đó là hoàn toàn độc lập, như người tự do đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm, không vướng mắc vào vòng tranh biện cũng như tầm chương trích cú - thực sự như một trẻ thơ, hoặc đúng hơn như một người không có tuổi và ngoài không gian đến với trái đất. Đó là cái độc đáo và cái gần nửa thế kỉ sau văn Đỗ Long Vân vẫn còn hoàn toàn mới đối với chúng ta.
Cung cách đó cũng là thế đứng không phân biệt văn, triết, và sử, khiến cho trong giai đoạn 1954-1975 sự cống hiến của Đỗ Long Vân có thể xem là tinh hoa của văn phê bình nghị luận ở Miền Nam.