Giới thiệu sách
Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Văn Hóa Của Các Địa Danh Việt Nam
Cung cấp những kiến thức cơ bản về mối quan hệ giữa địa danh và văn hóa, về cách thức phát hiện nội dung văn hóa trong địa danh, và về những thông điệp văn hóa tàng chứa rong một số địa danh Việt Nam. Về bố cục, cuốn sách gồm có bảy chương và chia làm hai phần: Cơ sở lý luận nghiên cứu văn hóa trong địa danh và Đặc trưng văn hóa trong địa danh Việt Nam.
"Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá,
Đò từ Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình.
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh,
Tiếng hò xa vọng, nhắn tình nước non.
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền,
Anh thương em thì cho bạc cho tiền,
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê..."
Mỗi người Việt Nam chúng ta có lẽ đều đã nghe qua những câu ca dao đó và nhiều câu ca dao khác, hay những bài thơ, bản nhạc với những tên quê, tên đất, tên sông, tên núi làm xao động lòng người... Phải chăng ta xao động trước những âm thanh, con chữ ấy, chính bởi nó đã chạm tới một góc tâm hồn nơi ta lưu giữ tình cảm thân yêu với quê cha đất tổ!
Địa danh không chỉ là những cái tên. Đối với một số người, địa danh giúp họ định vị không gian. Đối với một số người khác, địa danh nhắc nhở họ về một thời đoạn trong quá khứ. Đối với một số người khác nữa, địa danh là tất cả những gì tốt đẹp nhất của tâm hồn cô đọng lại. Trong địa danh, có một phần văn hóa của đất nước ta, của dân tộc ta, của quê hương ta và của bản thân ta. Địa danh là những dấu chỉ về không gian, về lịch sử và về văn hóa.
Cuốn sách này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về mối quan hệ giữa địa danh và văn hóa, về cách thức phát hiện nội dung văn hóa trong địa danh, và về những thông điệp văn hóa tàng chứa trong một số địa danh Việt Nam. Về bố cục, cuốn sách gồm có bảy chương và chia làm hai phần: Cơ sở lý luận nghiên cứu văn hóa trong địa danh và Đặc trưng văn hóa trong địa danh Việt Nam.
Trong sách, các thuật ngữ quan trọng trong tiếng Việt được ghi chú thêm thuật ngữ tiếng Anh tương đương. Ngữ liệu tiếng Việt được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Ngữ liệu tiếng Hán được ghi bằng chữ Hán phồn thể. Ngữ liệu tiếng Chăm được ghi bằng chữ La tinh của Viện Viễn Đông Bác cổ phiên chuyển chữ Chăm akhar Thrah, kèm theo ký hiệu phiên âm La tinh của Từ điển Việt - Chăm do Bùi Khánh Thế chủ biên (1996). Ngữ liệu của các ngôn ngữ thiểu số đã có chữ viết La tinh hóa được ghi bằng thứ chữ này. Ngữ liệu của các ngôn ngữ thiểu số chưa có chữ viết được ghi bằng ký hiệu phiên âm quốc tế (IPA). Ngữ liệu của các ngôn ngữ thiểu số được đánh dấu bằng chữ nghiêng, kèm theo phần chú nghĩa tiếng Việt đặt trong ngoặc kép.
Cách thức trích dẫn, chú nguồn và sắp xếp tài liệu tham khảo được thực hiện theo chuẩn APA phiên bản thứ 6. Nội dung trích dẫn giữ đúng nguyên văn, kể cả chính tả, cách viết hoa. Người chủ biên, chủ nhiệm được viết tắt là “cb”, “cn”. Các cộng sự được viết tắt là “et al.”. Trước và sau Công nguyên được viết tắt là “BC”, và “AD”.
Nhân dịp cuốn sách được hoàn thành, tác giả xin trân trọng cảm ơn các nhà dìu dắt đã tận tâm trợ giúp cho tác giả về tri thức và các tư liệu văn hóa học, ngôn ngữ học, địa danh học: GS.TS. Phạm Đức Dương, GS.TS. Bùi Khánh Thế và PGS.TS. Lê Trung Hoa. Tác giả cũng trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, ngoài bài báo viết chung còn đóng góp những ý kiến qúy báu về bố cục cuốn sách này.
Tác giả mong bạn đọc đón nhận cuốn sách như một kết quả của nhiệt tâm khoa học, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc trong quá trình tra cứu, tìm hiểu về các địa danh của Việt Nam. Cùng với đó, xin quý bạn đọc vui lòng góp ý cho những hạn chế không thể tránh khỏi của cuốn sách.
TS. LÝ TÙNG HIẾU
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
Sách Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Văn Hóa Của Các Địa Danh Việt Nam của tác giả Lý Tùng Hiếu, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark