Người Thợ Mộc Và Tấm Ván Thiên
Mười chín tuổi, thầy Quang Tình người miền xuôi xung phong lên dạy học ở một tỉnh miền núi. Ra đi như “cờ bay trong gió, như lửa thốc trong lò”, người thanh niên nọ đã đem hết niềm say mê lý tưởng, cuộc đời để làm công việc mang đến ánh sáng văn hóa cho con em các dân tộc. Sau một thời gian dạy học ở các làng bản, do đã tích lũy được nhiều kinh nghiêm và có uy tín trong nghề nghiệp, thầy Quang Tình được điều về dạy học ở trường Bổ túc Văn hóa Công Nông, nơi chuyên dạy văn hóa cho các cán bộ xã cơ sở nông thôn miền núi của tỉnh. Đứng đầu cơ sở giáo dục này là một người thô bạo, có thiên kiến nặng nề với những ai xuất thân từ các tầng lớp khác không phải là công nông. Giữa hai người bất đồng nối tiếp bất đồng, và kết quả là thầy Quang Tình bị sa thải, phải ra khỏi ngành. Vợ thầy cũng bị liên lụy.
Ra khỏi ngành, nghề nghiệp không, tiền bạc không, đất đai không, lại vợ dại con thơ, sống thế nào đây? Thầy Quang Tình, sẵn ý chí bất khuất, bắt tay vào công cuộc mưu sinh vô cùng gian khó. Sau một thời gian phải làm cả những công việc nguy hiểm và bẩn thỉu, thầy quyết định học nghề mộc. Sẵn ý chí không chịu thua hoàn cảnh và tố chất khéo léo, cùng với lòng kiên trì, ham học hỏi, lần lần thầy đã nắm vững được kỹ thuật nghề mộc, vượt qua được tình trạng bị dồn vào bước đường cùng, nuôi được vợ con.
Tuy nhiên quan trọng ở đây là thầy đã tìm ra con người mình. Tìm ra ở chính cái cuộc sống mà thầy đã rơi xuống. Sau những gì qua đi, còn lại là cốt cách thanh tao, nhân cách cao cả của thầy.
Tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cuộc sống với những mảng màu sắc thái khác nhau, sinh động và hấp dẫn, mà còn phát ngôn một thái độ, một triết học nhân sinh, một quan niệm thẩm mỹ về cuộc đời, con người. Sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời cũng như khả năng quan sát thấu đáo của Ma Văn Kháng đã làm nên những trang văn tỉ mỉ, tinh tế, công phu.
Thông tin tác giả Ma Văn Kháng
Nhà văn Ma Văn Kháng, sinh ngày 01.12.1936, có tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn. Quê gốc: phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ma Văn Kháng tham gia quân đội từ tuổi thiếu nhi, được cử đi học ở Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ông lên dạy học ở Tây Bắc, từng là Hiệu trưởng trường trung học. Về sau, ông chuyển sang làm báo, là Phó tổng biên tập tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Suốt 20 năm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc, Ma Văn Kháng khá am hiểu lối sống, phong tục văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bút danh Ma Văn Kháng phần nào đã nói lên tình yêu mà ông dành cho vùng đất giàu tình nghĩa ấy, đồng thời, từ trong tâm khảm, nhà văn đã coi Tây Bắc là quê hương thứ hai của mình. Từ năm 1976 chuyển về Hà Nội, nhà văn từng là Phó giám đốc -Tổng biên tập NXB Lao động. Từ tháng 3.1995, là Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Đảng đoàn Hội nhà văn Việt Nam khóa V, Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài Ông được nhận Giải thưởng loại B của Hội nhà văn 1986 (dành cho tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn), tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội nhà văn 1995, Giải thưởng văn học Đông Nam Á 1998 (tập Trăng soi sân nhỏ).