Góp mặt trong danh sách 100 cuốn sách phi hư cấu bằng tiếng Anh có sức ảnh hưởng nhất từ năm 1923 của Tạp chí Time, "Người hùng mang ngàn gương mặt" khám phá những biểu tượng ngầm nâng đỡ cộng đồng, cả thế giới, từng con người bằng lối văn đầy chất thơ và những nhận định sắc bén nhưng rất nhân văn và thấp thoáng nét hài hước...
Sách "Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt" của tác giả Joseph Campbell. Ảnh NetaBooks.vn
Người hùng mang ngàn gương mặt là tác phẩm nổi tiếng nhất của Joseph Campbell, nhà văn và nhà thần thoại học nổi tiếng người Mỹ, người chuyên chú khám phá nội tâm con người thông qua hành trình của các anh hùng thần thoại. Thông qua cuốn sách này, Joseph Campbell đã thể hiện sự uyên bác và kiến thức đáng kinh ngạc của cá nhân ông về thần thoại, văn học thông qua các tác phẩm nổi bật từ nhiều nền văn hóa kim cổ ở khắp nơi trên thế giới.
Joseph Campbell xem xét nhiều biểu tượng chủng tộc, tôn giáo và thần thoại, và bằng cách đặt chúng cạnh nhau để so sánh, ông tìm ra những điểm tương đồng song song được tìm thấy trong tất cả hoặc hầu hết các thần thoại.
Đi từng bước một và sử dụng rất nhiều hình ảnh thực tế, Campbell xây dựng mô hình đơn nguyên, một cấu trúc cơ bản và phổ quát được tìm thấy trong các chuyện thần thoại, chuyện dân gian hay chuyện cổ tích. Những nguyên mẫu chung này, tại bất kỳ thời điểm và địa điểm nào, đều lặp lại chính nó trong một hình thức mới, để đưa con người dấn thân vào cuộc hành trình nội tại mới. Chúng tương ứng với hầu hết vấn đề tâm lý mà con người hiện đại đang phải đối mặt.
Campbell gọi môtíp này là “Cuộc phiêu lưu của những người hùng”. Đó là cuộc phiêu lưu của con người đi từ thế giới ngày thường, băng qua những thế giới siêu nhiên, chạm trán những lực lượng thần bí, đến một cấp độ tồn tại khác để mang về ân huệ cho đồng loại.
Nhưng điều kỳ lạ là không chỉ liên quan đến anh hùng, nguyên mẫu đó còn liên quan đến xã hội nơi anh hùng tồn tại. Nó vừa phổ quát vừa vô hạn, được áp dụng trong mọi nền văn hóa thuộc mọi thời đại. Nó liên tục giống nhau và thể hiện qua rất nhiều hình thức: trong nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ, khoa học, công nghệ, văn học... và tất nhiên là cả tôn giáo.
"Tôn giáo, triết học, nghệ thuật, các hình thức xã hội của người nguyên thủy và con người khi có sử, những phát kiến sơ khai trong khoa học và công nghệ, và ngay chính những giấc mơ quấy rầy giấc ngủ, đều trào dâng lên từ chiếc nhẫn thần cơ bản là thần thoại", Campbell viết.
Trên tất cả, cuốn sách này cho thấy bất cứ ai hay bất cứ điều gì cũng đều có thể trở nên rộng lớn hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng.
Con người là những người hùng trong câu chuyện của chính mình, nếu chúng ta sẵn sàng nhìn nhận chuyện đó một cách nghiêm túc. Cuối cùng, Campbell cho rằng, để thực hiện cuộc hành trình ấy, ta phải bước ra khỏi những lối sống và lối suy nghĩ thông thường, tìm kiếm sự hiểu biết mới - sự hiểu biết sâu sắc hơn, chân thực hơn về ý nghĩa của việc trở thành con người.
Nguồn doanhnhansaigon