Người Canh Giữ Phù Dung
Trong văn chương, lịch sử là một đề tài khó, kén cả người viết và người đọc. Khó bởi người viết, người đọc cần dung nạp một kiến thức nhất định mới có thể viết được, hiểu được; khó bởi lịch sử là cái đã đi qua, những dấu vết lưu lại đôi khi rất mù mờ, bất tín, cả một không gian, thời gian vời vợi phải vượt qua để tái hiện người xưa cảnh cũ. Đi trên còn đường khó và chênh vênh ấy, chủ yếu là những cây bút nam, những người thành danh gần đây có thể kể đến Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Trần Vũ, Nguyễn Xuân Khánh… xa hơn nữa là những Nguyễn Triệu Luật, Hà Ân, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên… Đàn bà viết lịch sử rất ít, gọi có thể là của hiếm cũng được, có thể kể đến một hiện tượng thành công nhất của thể loại này gần đây là Võ Thị Hảo với Giàn thiêu.
Thế mà một cô giáo dạy Văn mới vừa tròn ba mươi tuổi đã hăm hở đi trên con đường này. Nguyệt Chu đến với truyện ngắn lịch sử không phải bước chân đầu tiên của mình nhưng có lẽ là bước đi hợp với mình nhất. Tuy rằng bước chân ấy đôi lúc còn rụt rè, e lệ nhưng đã thể hiện một con mắt tinh tế, mới mẻ khi nhìn về lịch sử.
Nguyệt Chu viết văn theo cái tạng của mình, người đàn bà nhìn lịch sử theo con mắt của riêng mình. Không quá khắc nghiệt cay độc mà lãng đãng mơ hồ, những trang viết gần như một bài thơ, như mối tình của nàng Điểm Bích với thiền sư Huyền Quang hoặc cái sợi tơ vò khó nói của mối tình giang san Lý Chiêu Hoàng - Trần Cảnh hay người con gái Sơn Tây tên Cầm đã hiến thân một đêm đầy mộng mị khoái lạc để ngày mai tướng quân Lưu Vĩnh Phúc yên tâm lên đường giết giặc Phú Lang Sa…
Văn của Nguyệt Chu là thứ văn ngọt và mềm, vì thế lịch sử qua đôi mắt và cảm quan nữ tính của người viết cũng mênh mang mơ hồ như một niềm bất tín vừa đủ về lịch sử. Có thể như thế, có thể không phải; những thân phận đàn bà ẩn sau những cuộc chuyển giao định mệnh, trong những nước cờ bạo liệt của các đấng nam nhi vẫn toát lên một cái gì rất đàn bà, khao khát, mê mị, ngu ngơ, cả những đam mê khoái lạc, sống với con người bản năng của mình cũng không phải ngại ngùng.
Có thể nói, Nguyệt Chu trong tập truyện ngắn đầu tay này của mình đã không phải quá e lệ trước các đấng nam nhi bề thế đầy cơ bắp trên văn đàn. Người đàn bà có đủ tự tin để bước vào trường văn trận bút với cảm quan của riêng mình và buông ra một cái nhìn đầy nữ tính chiếu lên một khung vòm lịch sử dường như luôn thống trị bởi cánh đàn ông…
Nhà văn Uông Triều