Giới thiệu sách
Người Ai Cập Quyền Lực Và Tình Yêu - Tập 2
Cuốn tiểu thuyết lịch sử được yêu thích nhất mọi thời đại, nguyên tác của tác phẩm Dấu chân trên cát do Nguyên Phong phóng tác.
Trong Tập 1, Sinuhe đau đớn vì bị lừa dối tình yêu, mất đi của cải và gia đình khiến anh phiêu bạt ở nhiều vùng đất xa lạ. Nối tiếp câu chuyện này ở phần hai, cuộc đời của danh y tài hoa này còn khốn khổ hơn khi một lần nữa chứng kiến sự ra đi của tất cả người thân yêu bên cạnh và bị chính người bạn của mình, Pharaon đang tại vị, lưu đày nơi xứ người.
“Tôi đã bị đày khỏi Thebes vào năm trị vì thứ sáu của Pharaon Horemheb, và nếu rời khỏi vùng đất được phép ở và quay trở lại Thebes, tôi sẽ bị đập chết như một con chó, hay sẽ bị bẹp dí như con ngóe giữa các tảng đá. Đó là lệnh của Hoàng đế, Pharaon, người từng là bạn của tôi.”, Sinuhe đau đớn kể lại.
Trước khi dẫn đến kết cục đau khổ này, Sinuhe đã gặp lại Horemheb - người được mệnh danh là con trai diều hâu. Nhờ tài chữa bệnh của mình và sự giúp đỡ của Horemheb, Sinuhe được bổ dụng làm danh y khoan sọ hoàng gia và ngự y tin cậy của Pharaoh Ekhnaton (Amenhotep IV). Trong thời gian đó, Sinuhe là người được Pharaon tin cậy, trao đổi về những trăn trở, những đường hướng cải cách tôn giáo và trật tự xã hội của vị quốc vương này.
Chiến tranh nổ ra, cuộc chiến giữa thần Aton và Amon ngày càng gay gắt. Dưới sự ép buộc của Horemheb, Sinuhe đã hạ độc giết Ekhnaton. Quốc vương băng hà, Horemheb trở thành người cai trị thực sự của Ai Cập và chấm dứt chiến tranh. Trong lúc đó, Sinuhe không còn muốn dùng tài năng của mình chữa bệnh cho mọi người, bởi thấy đôi tay mình là đôi tay tội lỗi, chỉ gieo rắc cái chết.
Anh đến gặp người nghèo và những người quyền quý nói về cái ác và cái thiện, về công lý và bất công. Anh nói với họ về những điều bất công trong xã hội Ai Cập, nói lên những sự tàn bạo của chiến tranh: “Trái tim con người là thước đo duy nhất giữa người với người. Không thể đo con người bằng màu da hoặc ngôn ngữ của họ, cũng không thể đo con người theo quần áo hoặc đồ trang sức, và không thể đo con người theo sự giàu có hay nghèo khó của họ mà chỉ bằng trái tim. Vì vậy, người lương thiện tốt hơn kẻ ác độc, công lý tốt hơn bạo lực.”
Kết thúc chiến tranh, anh về lại Thebes và cầu xin Horemheb khôi phục lại thần Aton. Nhưng không nhận được sự đồng ý. Nắm trong tay quyền lực nhưng không có tình yêu đích thực từ Công chúa Baketamon, Horemheb càng trở nên đa nghi hơn. Cuối cùng hắn sai quân lính trục xuất Sinuhe ra khỏi Ai Cập và lưu đày ông nơi xứ lạ vĩnh viễn.
Thất vọng trước số phận, Sinuhe viết 15 chương sách kể lại những trải nghiệm và những sự kiện lịch sử mà mình chứng kiến, với đủ tất cả các gia vị của cuộc đời từ hạnh phúc, vinh quang đến khốn khổ, cô đơn.
“Tôi, Sinuhe, viết cuốn sách này và biết rõ rằng những việc tôi đã làm là tồi tệ và những con đường tôi đã đi là sai lầm, nhưng tôi cũng biết rõ rằng sẽ không ai lấy đó để làm gương dù cho họ có bị buộc phải đọc những điều này. Vì vậy tôi viết cuốn sách này chỉ để cho mình tôi. Hãy để những người khác gột rửa tội lỗi của họ bằng nước thánh của thần Amon, còn tôi, Sinuhe, gột rửa mình bằng việc viết lại những việc làm của chính tôi. Hãy để những người khác cân đo sự giả dối của họ bằng cán cân của thần Osiris, còn tôi, Sinuhe, cân đo lòng mình bằng cây bút sậy.”
Khép lại những trang sách, bên cạnh những cảm xúc, suy tư lắng đọng về tình yêu, tình bạn, tình người, mỗi người đọc chiêm nghiệm ra những quan điểm nhân sinh cho riêng mình. Chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng bản chất con người vẫn luôn không-hoàn-hảo dù ở bất kỳ thời đại nào. Là tiểu thuyết lịch sử có tính chính xác cao, “Người Ai Cập - Quyền lực và tình yêu” qua ngôn ngữ sống động của Mika Waltari giúp độc giả trải nghiệm những phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng tôn giác, kỹ thuật y tế, chính trị và xã hội của Ai Cập cổ đại và các vùng lân cận.
Qua lời kể hấp dẫn, văn phong tả thực với những mô tả nhân vật hài hước nhưng đầy tinh tế và thâm thúy, tác giả Mika Waltari đã khiến cho tác phẩm trở thành một nguồn tư liệu lịch sử quý giá và đồng thời chứa đựng những quan điểm nhân sinh sâu sắc đúng với mọi thời đại.
- Cuốn tiểu thuyết Phần Lan duy nhất được chuyển thể thành phim Hollywood;
- Bán được một triệu bản ở châu Âu trong vòng 5 năm kể từ khi xuất bản;
- Bình chọn là cuốn sách thế kỷ của Phần Lan 2017;
- Được dịch sang 41 ngôn ngữ;
- Nhận được gần 23.000 lượt đánh giá trên Goodreads;
Báo chí và người nổi tiếng nói gì về tác phẩm Người Ai Cập Quyền lực và Tình yêu - Tập 1
“‘Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu’ là một cuốn tiểu thuyết lịch sử… đầy tham vọng đã thành công lớn ở Hoa Kỳ vào thời đó (nó là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất cả năm 1948 và 1949!. ” - The Guardian
“Một bức tranh toàn cảnh sống động, thú vị về thời cổ đại của một người kể chuyện tài ba.” - Thời báo New York
“‘Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu’ chứa đựng tất cả những yếu tố mà người Mỹ thích: chiến tranh, quyền lực, mưu mô, tình yêu, lãng mạn, bạo lực, mê đắm, đau khổ và chết chóc. Waltari đã kết hợp thành công giữa tư liệu lịch sử với trí tưởng tượng phong phú và sự tài hoa của một nhà văn… ” - New York Herald Tribune
“Một cuốn tiểu thuyết cuốn hút với sự uyên bác đầy ấn tượng… một bức tranh có một không hai về Ai Cập cổ đại.” - Library Journal
“Mika Waltari kết hợp nhuần nhuyễn việc tái hiện lịch sử với trí tưởng tượng phong phú và tài năng của một người kể chuyện tuyệt vời.” - Thomas Sugrue, Tạp chí Time
Thông tin tác giả Mika Waltari
Sinh (1908-1979) là nhà văn Phần Lan nổi tiếng nhất thế kỷ 20, với kiệt tác “Người Ai Cập - Quyền lực và Tình yêu”. Trong đời văn kéo dài gần năm thập kỷ của mình, Waltari đã xuất bản hơn 100 tác phẩm, bao gồm ít nhất 30 tiểu thuyết, 20 vở kịch và 15 truyện dài. Các tác phẩm của ông đã được dịch sang 42 ngôn ngữ và có 430 bản dịch. Năm 1957, ông được bầu vào Viện Hàn lâm Phần Lan. Ông đã năm lần được trao giải thưởng văn học nhà nước của Phần Lan.
Sách Người Ai Cập Quyền Lực Và Tình Yêu - Tập 2 của tác giả Mika Waltari, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark