Giới thiệu sách
Ngụ Ngôn La Fontaine
Nhà ngôn ngữ học, Nam tước Silvestre de Sacy đã nhận xét: “Ngụ ngôn La Fontaine mang đến niềm hứng khởi cho ba lứa độc giả khác nhau: các em nhỏ hân hoan với sự tươi mới và sinh động của câu chuyện, các sinh viên khoa văn háo hức với nghệ thuật thơ tuyệt diệu, còn người từng trải chìm đắm trong mạch chiêm nghiệm sâu sắc về tính cách và cuộc sống mà ngụ ngôn truyền tải.” Mượn điển tích từ thần thoại Hy Lạp, La Mã và ngụ ngôn của hai nhà hiền triết Ésope và Pilpay, đặt lời thơ vào miệng của những loài vật gần gũi, bằng giọng thơ hóm hỉnh, đôi khi pha chút giọng điệu châm biếm và khéo léo lồng ghép những bài học luân lý, ngụ ngôn La Fontaine đã trở thành món ăn tinh thần cho nhiều thế hệ độc giả.
Tại Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ XX, khi chữ quốc ngữ mới được phổ biến, độc giả đã được thưởng thức ngụ ngôn La Fontaine qua các bản dịch thơ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh được đăng báo từ năm 1907 và in thành sách lần đầu vào năm 1916. Từ đó về sau, có không ít các tuyển tập thơ dịch ngụ ngôn La Fontaine ra đời nhờ công chuyển ngữ của nhiều dịch giả. Tuy nhiên, trải qua hơn một thế kỷ, bạn đọc trong nước vẫn chưa được tiếp cận bản dịch toàn tập ngụ ngôn La Fontaine, gồm 12 quyển với 240 ngụ ngôn, với cơ man kiến thức, giá trị nghệ thuật và luân lý được gói ghém trong những vần thơ tinh tế và trang nhã.
Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của thi hào Pháp, Đông A trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ấn bản ngụ ngôn La Fontaine đầy đủ nhất từ trước đến nay. Ấn bản mới được thực hiện theo bản in năm 1868 của nhà Hachette, gồm 12 quyển với 240 ngụ ngôn từng được xuất bản trong sinh thời của La Fontaine và lời nói đầu của chính tác giả, kèm bài khảo cứu chi tiết về tiểu sử nhà thơ của Géruzez, với các bức minh họa sống động của họa sĩ bậc thầy Gustave Doré. Trong ấn bản này, Doré thực hiện 85 bức minh họa khổ lớn và gần 500 minh họa nhỏ, với hàng trăm hình tượng con người, thần thánh và các loài vật. Trong mỗi bức minh họa, người họa sĩ bậc thầy mở ra một không gian hữu hình và lôi cuốn độc giả bước vào thế giới ngụ ngôn sống động của La Fontaine.
Về bản dịch thơ, bên cạnh các bài dịch quen thuộc của các dịch giả kỳ cựu như Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Mỡ, Huỳnh Lý, Nguyễn Đình, bạn đọc sẽ được làm quen với các bản dịch của các cây bút mới. Sự hòa thanh của các dịch giả đời trước và các dịch giả đời nay trong ấn bản toàn tập La Fontaine đầu tiên ở Việt Nam sẽ phần nào mở ngỏ cho thấy sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Việt trong suốt một thế kỷ qua.
Thông tin tác giả La Fontaine
Jean de La Fontaine (1621–1695) chào đời tại Château-Thierry, miền Champagne, nước Pháp. Cha của La Fontaine vốn là một người quản lý rừng, nên từ thuở bé nhà ngụ ngôn tương lai đã sớm làm quen với cảnh núi rừng thiên nhiên và các loài sinh vật hoang dã. Năm 1641, lúc 20 tuổi, La Fontaine gia nhập chủng viện Saint-Magloire, nhưng nhanh chóng rời bỏ đời tu vào năm 1642.
Sau đó, ông có thời gian theo học ngành luật, nhưng cuối cùng văn chương lại trở thành sự nghiệp vững chắc của La Fontaine. Tác phẩm đầu tay của ông trên văn đàn là một vở hài kịch, phỏng theo nội dung vở Eunuchus của nhà viết kịch La Mã Térence, ra mắt vào năm 1654. Vở kịch tuy chưa thực sự tạo nên tiếng vang lớn nhưng đủ tiếp thêm động lực để La Fontaine dấn sâu hơn vào văn nghiệp và tiếp tục sáng tác các vở Giấc mộng ở Vaux, Khúc bi ca của các nữ thủy thần Vaux, truyện luân lý Joconde, tiểu thuyết Psyché và nổi tiếng nhất là tập Ngụ ngôn La Fontaine. Từ đó, tên tuổi La Fontaine dần đứng vào hàng các văn sĩ Pháp tài danh bậc nhất ở thế kỷ XVII, bên cạnh Molière và Racine.
Năm 1683, La Fontaine trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp.
Sách Ngụ Ngôn La Fontaine của tác giả La Fontaine, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark