Ngọc Lê Hồn
"Vậy nên khách đa tình say chuyện phong lưu, trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão;
người chép sách tiếc vì tài sắc, nghìn thu sau nhặt lấy phấn hương thừa."
Câu chuyện của Ngọc Lê Hồn, có thể tóm lại bằng sáu chữ: Tài tử, Giai nhân, Mệnh bạc. Một chàng tú tài giang hồ lạc phách ngẫu nhiên tạo ngộ với một nàng góa phụ tài sắc vẹn toàn. Cả hai yêu nhau, nhưng chỉ biết tuyệt vọng vẫy vùng trong vòng vây lễ giáo mà không đến được với nhau. Cái tên mong manh của họ - Mộng Hà - ráng chiều trong mộng và Lê Ảnh - hình bóng hoa lê, sớm báo hiệu một kết cục bi thảm cho cuộc tình ngang trái ấy. Và tác giả trong trường hợp này chính là "người chép sách tiếc vì tài sắc, nghìn thu sau nhặt lấy phấn hương thừa."
Thiên hạ chỉ có những người chí tình mới có thể hốt nhiên vong tình mà thôi! Không có tình nhi nữ, lấy đâu chân anh hùng!
Ngọc Lê Hồn - một câu chuyện bi tình nhưng lại là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, kể từ khi xuất bản thánh sách năm 1912 cho đến nay đã được tái bản tới vài chục lần với hơn triệu bản in, một số lượng tiêu thụ khổng lồ chưa từng có trong lịch sử văn học cận - hiện đại Trung Quốc.
Khi bản dịch của Nhượng Tống ra mắt năm 1928, Ngọc lê hồn đã có mười bảy năm làm mưa làm gió trên văn đàn Trung Hoa, và cùng hậu thân của nó, Tuyết hồng lệ sử, xác lập vị thế chưởng môn Uyên ương hồ điệp phái của Từ Chẩm Á. Nếu họ Từ là tổ sư khai sáng thì Ngọc lê hồn cũng được coi như tuyệt kĩ trấn sơn của phái Uyên hồ, được hậu nhân ghi nhận là Ngôn tình tị tổ (ông tổ của truyện ngôn tình). Từ Trương Ái Linh đến Quỳnh Dao, từ Cố Mạn tới Đồng Hoa, mạch nguồn văn chương của họ có lẽ thảy đều khởi tự một Rong Hồ.