Câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ Việt lai Pháp mang đến sức mạnh, nghị lực sống tích cực cho độc giả.
“Từ mỗi hòn đá họ ném xuống trước chân chúng ta, chúng ta sẽ xây nên một con đường” là câu nói đầy đanh thép của người phụ nữ gặp biết bao chông gai, áp bức nhưng nhất quyết không chịu khuất phục. Ngọn lửa làm chủ cuộc đời chưa bao giờ ngừng tắt trong trái tim bé nhỏ ấy.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những câu chuyện đằng sau nó vẫn luôn gây bồi hồi, xúc động bởi năm tháng ấy, có những con người dù mang thân phận phái yếu, bị phân biệt đối xử, vẫn kiên cường đứng dậy tìm đường đến hạnh phúc.
Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi kể về cuộc đời đầy chông gai của người mẹ Đậu Thị Cúc và con gái út - nhà văn Isabelle Müller.
Sách Con Gái Của Chim Phượng Hoàng - Hy Vọng Là Con Đường Của Tôi. Tác giả Isabelle Müller
Người phụ nữ kiên cường
Câu chuyện của Isabelle Müller không chỉ nói về việc tìm kiếm hạnh phúc, mà còn kể lại hành trình tìm ra đường sáng cho những phụ nữ.
Nhân vật chính trong truyện là bà Cúc (tự Loan - tên gọi có ý nghĩa chim phượng hoàng). Với sự quyết đoán, bản lĩnh, không gì có thể ngăn cản bà Cúc làm chủ cuộc sống của mình.
Bà đã dám phá vỡ khuôn mẫu truyền thống dù nhiều lần bị tra tấn. Đặc biệt, bà còn tự quyết định vị hôn phu của mình, trong khi hầu hết phụ nữ thời kỳ đó phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”.
Trải qua nhiều biến cố, bà Cúc đi theo tiếng gọi con tim cùng vị hôn phu sang Pháp. Họ kết hôn và có với nhau 4 người con.
Suốt những năm tháng sống ở Pháp, bà chịu cảnh “thân cô thế cô”, không nơi nương tựa khi bị gia đình chồng khinh miệt, ghẻ lạnh.
Nhưng lạ thay, những điều ấy lại nhen nhóm trong bà một ngọn lửa, để rồi thổi bùng lên sự mạnh mẽ, quật cường không chỉ trong chính con người bà, mà còn truyền lại cho con gái út Isabelle Müller.
Isabelle Müller cũng phải trải qua nhiều điều tồi tệ, bao gồm xâm hại tình dục, khủng bố tâm lý, phân biệt đối xử. Đổi lại, cô luôn tự nhủ: “Tôi cũng trải qua tình yêu đích thực, sự ấm áp, tình cảm, động viên, sẵn sàng giúp đỡ, sự đồng cảm, tình bạn, may mắn và hạnh phúc. Tôi được phép sống khỏe mạnh ở đây, trên Trái Đất và tận hưởng cuộc sống này”.
Nhà văn Isabelle Müller. Ảnh: NVCC.
Vượt qua cơn ác mộng lạm dụng
Trong tất cả người con, Isabelle Müller gần gũi mẹ Cúc hơn cả. Cô chứng kiến và thấu hiểu được những gì bà trải qua nên càng thêm trân trọng và kính phục mẹ.
Một điểm tương đồng giữa hai người phụ nữ này đó là họ đều bị phản bội, hàng xóm xung quanh ghẻ lạnh, bạn bè xa lánh. Tuổi thơ Isabelle lớn lên trong sự khinh miệt, bạo lực gia đình và những trận cãi vã không hồi kết của bố mẹ.
Nụ hôn đầu đời đến với Isabelle khi cô còn chưa hiểu tình yêu thật sự là gì. Sự tò mò đã thôi thúc cô bé ngây thơ lên 10 tuổi hỏi chính người bố đã cắm sừng mẹ cô không biết bao nhiêu lần về cách hôn của người lớn.
Cũng từ đây, chuỗi ngày bị lạm dụng của Isabelle bắt đầu. Sau mỗi lần như thế, những lời đe dọa được đưa ra, cô bé dù tổn thương, nhục nhã, cũng không dám nói với ai.
Khi ấy, mẹ chính là nguồn động viên lớn nhất, giúp cô mạnh mẽ vượt qua khủng hoảng đầu đời. Bà khiến cô hiểu được rằng sự khác biệt của gia đình đã mang đến cho cô sự trưởng thành, trải đời và nhanh nhạy. Cô bắt đầu học võ để kháng cự lại sự xâm hại của chính người thân.
Không đầu hàng nghịch cảnh, cố gắng vươn lên và truyền cảm hứng cho mọi người là những điều Isabelle muốn nhắn nhủ tới độc giả, đặc biệt là phái yếu. Cô bắt đầu đi diễn thuyết, khuyến khích các nạn nhân bị xâm hại tình dục và bạo lực gia đình phá bỏ sự im lặng của mình để trừng trị kẻ có tội.
Đó không chỉ là tác phẩm kể về cuộc đời của hai người phụ nữ phi thường vươn lên từ đống tro tàn, mà còn là minh chứng chân thật về thời kỳ đáng nhớ của dân tộc.
Cuốn sách mang đến cho người đọc sự yêu mến, cảm phục đối với hai người phụ nữ. Bên cạnh đó, sách còn đưa ra thông điệp về nghị lực sống tích cực cho phái yếu, để họ biết dũng cảm cất lên tiếng nói bản thân, chấm dứt sự im lặng trước vấn đề bị lạm dụng.
Bằng ngòi bút dung dị, chân thực, nhà văn Isabelle Müller đã khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo, biết hy sinh nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ.
Nghị lực vươn lên khỏi nghịch cảnh từ bà cũng là kim chỉ nam khiến Isabelle không đầu hàng trước bao giông tố của cuộc đời.
Có lẽ, chính dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản và bản lĩnh của mẹ đã giúp Isabelle tìm thấy hy vọng trong những lần tuyệt vọng sâu sắc, đưa cô trở thành một phụ nữ thành đạt.
Nguồn https://zingnews.vn/nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-mang-trong-minh-dong-mau-viet-post1300854.html
Tủ sách “Văn Học Nước Ngoài“ cực kỳ đa dạng về thể loại, từ văn học kinh điển, các tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế đến văn học hiện đại, trinh thám, viễn tưởng… Xem tại đây
Theo Thanh Nga (zing)