Tập truyện ngắn và bút ký của nhà báo Từ Nguyên Thạch vừa ra mắt trong dịp 30-4 năm nay trình hiện một mảng đề tài riêng độc đáo về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Từ Nguyên Thạch trong những năm làm báo làm văn, có lẽ khởi đi từ hoàn cảnh gia đình mà anh đã để ý, lưu giữ và dành nhiều cảm xúc cho các câu chuyện có điểm chung là sự va chạm lòng người giữa hai bên chiến tuyến.
Chính đặc điểm này làm cho các truyện về đề tài chiến tranh ở đây không có những mô típ ta thắng địch thua và lên án sự tàn ác của đối phương như thể tính chất hung hiểm của chiến tranh dường như chỉ được tồn tại ở một phía.
Tập truyện ngắn và bút ký của nhà báo Từ Nguyên Thạch - Ảnh: L.ĐIỀN
Chiến tranh trong Hai bên chiến tuyến (NXB Tổng Hợp TP.HCM) hiện ra từ những gia đình do hoàn cảnh - đa phần là hoàn cảnh nghiệt ngã đến khốc liệt - đưa đẩy để đồng thời có những người anh em, bà con ruột thịt rơi vào hai bên ta địch đối đầu nhau...
Đọc truyện ký của Từ Nguyên Thạch, thấy thật mừng khi những câu chuyện chiến tranh được cảm nhận và thuật tả ở chiều sâu. Ở đó có người sĩ quan trong ngày cuối cùng của chiến tranh đã vì lòng nhân mà cãi lệnh chỉ huy dùng xe nhà binh để cứu sản phụ chuyển dạ khi đang chạy loạn lạc đường.
Ở đó có hai anh em ruột cùng đi lính ở hai bên đối đầu nhau nhưng số phận oái oăm là cùng bám chung một địa bàn, tình cảm anh em hiện diện trong các tình huống mạng người bị dồn đến góc chết không chỉ một lần là một mặt khác rất lạ của chiến tranh.
Nhưng đau đớn và ám ảnh nhất là những gia đình bị tan nát, xáo trộn do cái lằn ranh chiến tuyến xẻ ngang vào giữa cha mẹ anh em, xới tung họ hàng nội ngoại và đẩy bật những người con chân chất ra khỏi quê hương bản quán nhiều đời.
Như câu chuyện gia đình của O The với những mất mát từ hai bên chiến tuyến đến nỗi khi chiến tranh lùi xa mà câu chữ nhắc lại còn đủ nặng khiến lòng người chùng xuống. Bởi ít ai hình dung số phận cay đắng giáng xuống liên tục trên mấy anh em, riêng O The vừa chịu nỗi đau chồng bị sát hại vừa đau đớn mất đứa con trai khi đã xuất gia làm sư nhưng lại quyết định tự thiêu để phản đối chiến tranh.
Từ Nguyên Thạch cho biết những câu chuyện trong tập này đều xây dựng từ những nguyên mẫu có thật ngoài đời, và chiến tranh Việt Nam ẩn chứa trong lòng nó những tình tiết kỳ lạ.
Như câu chuyện về một sĩ quan Việt Nam Cộng hòa dẫn lính đi càn phát hiện hầm Việt cộng. Anh ta bước xuống hầm, đối diện với người lính đang đơn độc trong một góc hầm, nhưng không hiểu sao, vị chỉ huy ấy trở ra nói với tốp lính "căn hầm không, không có ai hết".
Quyết định trong tích tắc đó chỉ là một đốm lóe của chiến tranh, nhưng nó gieo vào lòng người lính nằm hầm ngày ấy nỗi ám ảnh về vị ân nhân kéo dài đến nhiều năm sau chiến tranh...
Chiến tranh qua đi, nếu có chăng những gì thuộc về bài học ngoài kinh nghiệm quân sự chính trị thì đó chính là những câu chuyện như Hai bên chiến tuyến.
Đó là từng mảng đời sống trong cuộc chiến được lột trần ra cho người đọc chiêm nghiệm. Không hàm ý tố cáo, không dụng ý tuyên truyền, nhưng câu chữ động đến tầng sâu rung cảm của lòng nhân và sẽ góp phần định hình những vấn đề lâu xa trong tương lai, bắt đầu cũng chính từ lòng người - những người đã từng thấy lòng mình rung lên khi đọc về chiến tranh ở góc độ nhân cảm.
Cái ác sẽ không được cổ xúy, những ý niệm phi nhân tính sẽ bớt cơ hội khởi lên nhờ sức mạnh của loại văn chương như vậy.
Nguồn https://tuoitre.vn/nghi-le-30-4-doc-hai-ben-chien-tuyen-20220428092135123.htm
Những cuốn sách “Văn Học Việt Nam” giàu ý nghĩa nhân văn mang đến cho bạn một cái nhìn sâu sắc về thế giới hiện thực, của cuộc sống. Xem tại đây
Theo Lam Điền (Tuổi Trẻ)