Show your work - “nói về công việc của bạn” là cái tên chính xác gắn với nội dung cuốn sách, còn insight (nghĩa ẩn dụ) của sách mới là “Nghệ thuật PR bản thân”.
Theo Business Insider, ngày càng nhiều người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ về chủ đề công việc, sự nghiệp và hình thành nhóm KOL chất lượng với tên gọi “workfluencer”. Trong đó, có những người mà sự phát triển mạnh mẽ thương hiệu cá nhân giúp việc phụ dần trở thành việc chính. Ngay cả các chính trị gia, các nhà hoạt động xã hội cũng coi mạng xã hội là một kênh truyền thông chủ động hiệu quả.
Tuy nhiên, tính hai mặt của hoạt động truyền thông khiến cho bất cứ ai tham gia sân chơi này cũng cần có kiến thức, không chỉ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn mà còn để vươn lên vị trí dẫn dắt cộng đồng theo lộ trình ngắn nhất. Cuốn sách Show your work có tên Nghệ thuật PR bản thân sẽ cung cấp cho bạn đọc 10 bí kíp căn bản, đáp ứng cả hai nhu cầu trên.
Sách "Nghệ Thuật PR Bản Thân". Tác giả Austin Kleon. Ảnh NetaNooks.vn
Show your work - “nói về công việc của bạn” là cái tên chính xác gắn với nội dung cuốn sách, còn insight (nghĩa ẩn dụ) của sách mới là Nghệ thuật PR bản thân - mục đích của việc giới thiệu công việc bạn đang làm, chính là để giới thiệu về con người bạn đang sống.
Có ba lý do chứng tỏ đây là một cuốn sách hữu ích với bất cứ ai đang muốn xây dựng hình ảnh cá nhân trên không gian mạng.
- Cuốn sách dễ đọc với cấu trúc nội dung mạch lạc thu hút ngay từ cách đặt vấn đề. Tác giả cũng ưa thích việc đưa ra các trích dẫn và câu chuyện từ trải nghiệm thực tế khiến cho người đọc cảm giác rất thuyết phục
- Cuốn sách được thiết kế sinh động không chỉ với trang bìa mà còn có nhiều trang minh họa ấn tượng, thông minh và giàu EQ. Tôi thường dừng lại rất lâu trước sơ đồ, hình vẽ, hoặc những phần tích note thú vị.
- Đặc biệt, đây là cuốn sách có tính thực tế cao, việc áp dụng không quá khó, chỉ là bạn có kiên trì hay không?!
Phần mở đầu tác giả đặt câu hỏi: “làm sao để giới thiệu sản phẩm của tôi cho xã hội? Làm sao để mọi người biết đến? Làm sao tìm được người ủng hộ?” Và câu trả lời là: để được tìm thấy bạn phải nằm trong vùng tìm kiếm được. Thay vì tỏ ra bí mật và giấu diếm về công việc, bạn nên cởi mở về những dự án đang làm, đều đặn đưa sản phẩm ý tưởng và những gì học được lên mạng xã hội.
Bằng cách hào phóng chia sẻ kiến thức bạn sẽ giành được sự ủng hộ từ những người sau này có thể cần nhờ tới. Hãy tưởng tượng ông sếp tương lai chẳng cần đọc CV bởi ông ta đã đọc blog của bạn rồi. Tất cả những gì bạn phải làm là bày sản phẩm của mình ra. Đề làm được điều này cần trọn bộ 10 bí kíp, tương ứng 10 chương sách.
Chương 1: bạn không cần là một thiên tài, hãy tìm một cộng đồng tài năng và đóng góp thứ gì đó tạo ra hệ “hệ sinh thái tài năng”. Hãy là một mắt xích trong một tổng thể những người giúp đỡ lẫn nhau, quan sát sản phẩm của nhau, sao chép của nhau, và đóng góp ý tưởng với nhau. Hãy là kẻ nghiệp dư, chính các “a-ma-tơ” là những người nhiệt huyết sẵn sàng theo đuổi công việc vì tình yêu, chẳng cần quan tâm đến tiếng tiếng tăm, tiền bạc, hay địa vị và có lợi hơn nhiều kẻ chuyên nghiệp. Những kẻ a-ma-tơ không sợ mắc sai lầm cũng không sợ bị cho là lố bịch trước công chúng. Thế giới đang thay đổi chóng mặt nó biến tất cả chúng ta thành những kẻ a-ma-tơ. Ngay cả với những kẻ nhà nghề, cách tốt nhất để sự nghiệp phát triển là giữ lại tinh thần a-ma-tơ và sẵn sàng chấp nhận sự vô danh, sự bất ổn.
Chương 2: tư duy quá trình đừng tư duy sản phẩm. Lời khuyên của Austin Kleon là “hãy nhìn vào phía sau sân khấu” tức là toàn bộ quá trình làm ra sản phẩm cần được hiện hữu trong sản phẩm bằng cách chia sẻ mỗi ngày. Khán giả không chỉ muốn vội bước qua những sản phẩm tốt, họ còn muốn được sáng tạo và là một phần của quy trình sáng tạo. Khi dẹp cái tôi sang một bên và chia sẻ quá trình làm việc của bản thân, chúng ta tạo điều kiện cho chúng ta phát triển mối quan hệ với mọi người và bán được nhiều sản phẩm hơn.
Để hình thành “quá trình” bạn phải chia sẻ vài điều nho nhỏ mỗi ngày (chương 3) có thể là một bài blog, một email, một câu trên Twitter, video trên YouTube hoặc bất cứ thứ gì mang tính truyền thông đại chúng. Nhưng nên nhớ: hãy viết bài nghiêm túc như thể tất cả người đọc nó đều có quyền sa thải bạn.
Hãy áp dụng bài kiểm tra “thế thì có gì đặc biệt?” trước khi chia sẻ bất cứ thứ gì. Từ đó, “mở cửa căn phòng của những kỳ quan” (chương 4) với bộ sưu tập của riêng mình giống như một người quét rác ở thành phố New York đã bắt đầu thu thập những “vật kỳ lạ” mà người ta vứt đi, biến nó thành Bảo tàng rác “Báu vật trong thùng rác của Nelson Molina”. Sản phẩm không bao giờ tự lên tiếng, hãy kể câu chuyện thật hay và trung thực (chương 5) về sản phẩm khi đem nó tiếp cận công chúng.
Nửa sau của cuốn sách Austin Kleon hướng bạn đọc tới mặt trái của việc trưng bày bản thân trên mạng xã hội với nhiều lời khuyên.
Đừng biến mình thành cỗ máy spam, hãy chính chắn và thận trọng trước mỗi bài post. Đừng quá chú trọng đến số lượng người theo dõi bạn mà hãy để ý đến chất lượng. Tránh xa những người tiêu cực được gọi với thuật ngữ “ma cà rồng”, họ sẽ hút cạn năng lượng của bạn. Đồng thời, xích lại với những người cùng đam mê.
Bạn cũng nên sớm học cách chịu đòn. Đưa sản phẩm của mình ra trước toàn thế giới có nghĩa là bạn phải sẵn sàng đối mặt với mọi sự xấu tốt.
Và chắc chắn rồi, bạn cần thu được thành quả từ việc bán sản phẩm của mình. Chúng ta vượt qua chủ nghĩa lãng mạn. Nghệ sĩ cũng cần tiền. Đừng ngại “chìa mũ” trước tất cả mọi người: Khi khán giả bắt đầu tụ tập trước sản phẩm miễn phí của bạn, cách đơn giản nhất là yêu cầu ủng hộ bằng một nút quyên góp trên website của bạn, hoặc câu nói “nếu thích trang web này thích bài viết này hãy ủng hộ tôi nhé”.
Mặc dù đọc xong 9 chương đầu có thể đem đến cho bạn đầy hứng khởi. Bạn muốn bắt tay ngay vào thực hành. Nhưng điều đó thực ra không quan trọng bằng việc đừng bỏ cuộc (chương 10). Mọi nghề nghiệp đều có thăng trầm. Bạn không thể chắc chắn mình sẽ thành công. Bạn chỉ có thể coi đó là một khả năng và chuẩn bị sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Hãy làm việc liên tục. Dùng cái kết của dự án này để nhen nhóm cho dự án kia. Nhưng sẽ có lúc bạn cần đổi hướng và tìm thứ gì đó mới mẻ để đưa bạn tiếp tục tiến lên. Hãy can đảm vứt bỏ hoàn toàn những điều cũ kỹ để làm lại từ đầu.
Hãy trở lại chương 1 và trở thành một kẻ nghiệp dư, tìm tòi, học hỏi, quan sát mọi người, ghi lại tiến trình của bạn, chia sẻ nó để những người khác cùng học, công khai sản phẩm của mình và khi những người bạn chờ đợi xuất hiện hãy chú ý đến họ.
Nghệ thuật PR bản thân là cuốn sách đặc biệt tốt với những bạn trẻ đang cần tìm nguồn cảm hứng và một lộ trình rõ ràng, mạch lạc, dễ đi trong tương lai. Đó là hành trình dấn thân, lăn xả vào công việc, được khuyến khích thể hiện bản thân tối đa, kết nối rộng khắp trên không gian mạng, dễ dàng chia sẻ.
Nguồn https://vietnamnet.vn/nghe-thuat-pr-ban-than-2089958.html
Những cuốn sách “Kinh Tế - Kỹ Năng” hay là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những doanh nhân, nhà khởi nghiệp hay những bạn trẻ có hoài bão, khát vọng lớn. Xem tại đây
Theo Hương Hà (vietnamnet)