Tất cả danh mục

Đại Bàng Tái Sinh: Truyện dài đồng thoại mang đậm màu sắc văn hóa dân gian

"Đại Bàng tái sinh" là câu chuyện cảm động về hành trình trưởng thành của Đại Bàng Trắng. Tác giả đã khéo léo lồng ghép vào trong trang viết nhiều tri thức dân gian thú vị.

Đại bàng tái sinh là truyện dài đầu tiên nhà biên kịch Phạm Thị Thanh Hà viết cho thiếu nhi. Trước đó, các khán giả nhỏ tuổi yêu hoạt hình Việt Nam đã khá quen với chị trong vài trò một biên kịch phim hoạt hình, người cho ra đời nhiều kịch bản thú vị, mang đậm âm hưởng văn hóa Việt.

Nhân vật chính của truyện dài này là Đại Bàng Trắng kiêu hùng, dũng mãnh. Là một con đại bàng choai còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, Đại Bàng Trắng không may bị thương nặng trong một cơn bão lớn.

Nhờ sự chăm sóc nhiệt tình của những người bạn tốt bụng là Sẻ Nâu, Rùa Núi và Ốc Sên, đại bàng choai dần bình phục. Vượt qua mặc cảm rằng bản thân là kẻ thất bại, Đại Bàng Trắng đã lấy lại tinh thần, nỗ lực tập luyện để một lần nữa sải cánh tự tin trên bầu trời, xứng đáng với dòng dõi cao quý của loài đại bàng, ông vua của bầu trời.


Truyện dài Đại bàng tái sinh của tác giả Phạm Thị Thanh Hà. Ảnh: T.H.B.

Hệ thống nhân vật sinh động và dí dỏm

Kinh nghiệm nhiều năm của một biên kịch hoạt hình đã giúp tác giả Phạm Thanh Hà xây dựng được một hệ thống nhân vật sống động, hấp dẫn trong tác phẩm. Dựa vào đặc điểm sinh học của các loài chim muông, thú vật trong tự nhiên, người viết đã tạo nên hệ thống nhân vật đa dạng, với những nét tính cách riêng, tạo nên nét đặc sắc cho câu chuyện.

Bên cạnh một Đại Bàng Trắng to lớn, oai hùng là một chú sẻ nâu nhỏ bé, nhanh nhẹn, hiếu khách và hết lòng vì bạn bè. Trong thế giới tự nhiên, đại bàng là loài thích sống riêng lẻ, còn chim sẻ thường sống theo bầy đàn, tác giả đã khéo léo vận dụng những kiến thức tự nhiên này để xây dựng tính cách cho nhân vật và tạo dựng các tình tiết hợp lý cho câu chuyện.

Tác phẩm dày chưa tới 200 trang, nhưng có hệ thống nhân vật khá đa dạng, gồm nhiều loài chim và muông thú. Mỗi nhân vật đều được tác giả chăm chút kỹ lưỡng, để trong lời văn lộ rõ được những nét đặc trưng của giống loài.Từng chi tiết nhỏ như cách xây tổ của các loài chim bông lau, đặc tính săn mồi của trăn gấm, môi trường sống của loài rùa núi… đã được tác giả Phạm Thị Thanh Hà đưa vào tác phẩm một cách khá hợp lý, để bạn đọc nhỏ tuổi hình dung được đời sống của các muông thú trong rừng.

Để viết nên một tác phẩm đồng thoại cho thiếu nhi tự nhiên, mượt mà và mang nhiều bài học ý nghĩa, tác giả phải kết hợp hài hòa giữa hai yêu tố: Suy nghĩ của con người và đặc trưng của loài vật trong môi trường tự nhiên.

Khi đọc về nhân vật đại bàng hay báo đốm, độc giả nhí sẽ phải cảm nhận được sự dũng mãnh, nhanh nhẹn. Miêu tả về một chú thỏ con phải làm nổi bật lên sự nhút nhát của loài vật này. Từ đó, các độc giả nhí cảm nhận được dường như các loài vật đang tự kể câu chuyện cả chính mình. Lần đầu viết một tác phẩm văn chương cho thiếu nhi, Phạm Thanh Hà thể hiện được điểm mạnh trong nghệ thuật kể chuyện, miêu tả và xây dựng nhân vật.

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực hoạt hình đã giúp tác giả nắm rõ tâm lý trẻ thơ, cách kể chuyện của chị trong tác phẩm này khá dí dỏm, ngộ nghĩnh và gần gũi với trẻ nhỏ, đúng chất của một đứa trẻ đang kể chuyện. Góc nhìn và cách giải quyết vấn đề của các nhân vật trong tác phẩm cũng mang nét hồn nhiên của trẻ nhỏ.

Một câu chuyện mang đầy hồn Việt

Dù là sáng tạo bằng chất liệu văn chương hay điện ảnh, Phạm Thanh Hà vẫn cố gắng đưa những nét văn hóa Việt vào tác phẩm, để độc giả nhỏ tuổi cảm nhận được hồn cốt của quê hương, xứ sở qua các tình tiết dí dỏm, ngộ nghĩnh. Trong truyện dài Đại bàng tái sinh, độc giả nhí sẽ bắt gặp rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc dự báo các hiện tượng thời tiết.


Tác phẩm có hệ thống nhân vật đa dạng và sinh động. Ảnh: T.H.B.

Từ xa xưa, nhìn vào sự thay đổi màu sắc, hướng di chuyển của những đám mây, người ta biết được sắp tới cơn mưa, hay chỉ là một đám mây đen thoáng qua, kèm theo những cơn gió mạnh. Công dụng trị bệnh của các cây thuốc quen thuộc trong vườn nhà như: Hương nhu, tía tô, cỏ mực… cũng được đúc kết khá nhiều trong ca dao, tục ngữ.

Tác giả Phạm Thị Thanh Hà đã khéo léo đưa các tri thức dân gian này vào các tình huống cụ thể, để tác phẩm mang đậm nét văn hóa Việt. Điều này thể hiện nỗ lực bảo tồn và tôn vinh văn hóa, mong muốn lưu giữ những điều tốt đẹp mà người xưa để lại. Không chỉ có vậy, nó còn mang lại cho tác phẩm sức hấp dẫn riêng.

Là một biên kịch phim hoạt hình, nên tính điện ảnh cũng được thể hiện rõ trong truyện dài của tác giả. Nó thể hiện ở các yếu tố như: Mạch truyện nhanh gọn, kịch tính, có chi tiết thắt nút mở nút rõ ràng. Điều này mang lại sức hấp dẫn và lôi cuốn cho câu chuyện.

Nguồn https://znews.vn/truyen-dai-dong-thoai-mang-dam-mau-sac-van-hoa-dan-gian-post1514269.html

Những cuốn sách “Văn Học Việt Nam” giàu ý nghĩa nhân văn mang đến cho bạn một cái nhìn sâu sắc về thế giới hiện thực, của cuộc sống. Xem tại đây

Theo Thụy Oanh (znews)

Đại Bàng Tái Sinh

  • Giá bìa: 79.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 67.150 ₫
Mua ngay