Tất cả danh mục

“Đừng trở nên xấu xa” và lời cảnh báo trước “kẻ xấu” mang tên Big Tech

Được viết bởi nhà báo Rana Foroohar, với kiến thức lĩnh vực chuyên sâu, dày dạn kinh nghiệm, Đừng trở nên xấu xa khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về “thế giới” Big Tech, nhất là những “mặt tối” khủng khiếp trong việc thao túng từ con người cho đến nền kinh tế, chính trị…

Đừng trở nên xấu xa là câu mở đầu nổi tiếng trong Quy tắc ứng xử nguyên bản của Google, một trong năm “gã khổng lồ” lĩnh vực công nghệ đang nắm giữ số tài sản cực kỳ lớn, được gọi là FAANG (gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google). Đó cũng là triết lý những ngày đầu thành lập công ty. Nó thể hiện tinh thần lạc quan và chất lý tưởng đáng nể phục vì một tương lai phát triển thế giới bằng ứng dụng công nghệ mới.

Tuy nhiên, theo tác giả Rana Foroohar, các Big Tech (những tập đoàn công nghệ lớn) ngày càng xa rời mục tiêu, lý tưởng của mình. Sự “ngây thơ” dấn thân cho lý tưởng ban đầu đã không còn nữa. Các nền tảng của nhiều công ty công nghệ đã trở thành những công cụ để thao túng chính trị, xoay chuyển vận mệnh các quốc gia, làm giàu cho các giám đốc điều hành, các cổ đông của công ty.


Cuốn sách khiến người đọc bất ngờ với những thông tin ngồn ngộn về “thế giới” Big Tech

Thông qua cuốn sách của mình, Rana Foroohar giúp người đọc hình dung một bức tranh tương đối toàn cảnh về Big Tech: Chúng ta đang chứng kiến một ngành công nghiệp mới to lớn đến mức không thể sụp đổ và phức tạp đến mức không thể quản lý. Nó tái định hình nền kinh tế và lực lượng lao động theo những cách sâu sắc, biến mọi người thành sản phẩm thông qua việc thu thập và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của họ, nhưng lại không bị ai kiểm soát… Nó vận dụng sức mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị để đảm bảo mọi thứ được giữ nguyên theo cách nó muốn.

Mô hình kinh doanh của ngành công nghệ chủ yếu là giữ cho mọi người “sống” trên không gian mạng càng lâu càng tốt, để thu thập dữ liệu cá nhân và kiếm tiền từ sự chú ý của người dùng. Chúng ta không phải trả tiền cho hầu hết dịch vụ kỹ thuật số, nhưng chúng ta phải trả giá đắt bằng các dữ liệu và sự chú ý của mình. Con người trở thành tài nguyên để nhóm Big Tech kinh doanh. Chúng ta nghĩ mình là người tiêu dùng nhưng trên thực tế, chúng ta là hàng hóa.

Theo tác giả, Big Tech không chỉ muốn trở thành người dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, mà còn muốn trở thành nền tảng cho mọi thứ và trở thành “hệ điều hành” cho cuộc sống của chúng ta. Các công ty Big Tech không cần phải tăng giá. Họ có một mô hình kinh doanh không được trả bằng tiền. Họ được thanh toán bằng dữ liệu, thông qua một hệ thống “đổi chác”

Cuốn sách là lời cảnh báo chưa bao giờ muộn với mọi người. Điều đáng trân trọng, là không chỉ đề cập đến thực trạng, Rana Foroohar đã cố gắng đề xuất nhiều giải pháp để Big Tech “không trở thành kẻ xấu”. Cuốn sách là một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan Big Tech đã khiến chúng ta lo lắng, cũng như những gì chúng ta có thể làm để giải quyết những vấn đề đó.

Trong phần kết, tác giả cũng thể hiện khao khát về một tương lai tươi sáng hơn với những con người trách nhiệm hơn: “Con người tạo ra những cỗ máy và dù có những tưởng tượng bi quan về việc AI thâu tóm thế giới, con người vẫn là chủ nhân của chúng. Đi kèm với quyền làm chủ là khả năng - hay nói đúng hơn là trách nhiệm - lựa chọn và tạo ra tương lai mà chúng ta muốn từ Big Tech, cho chính chúng ta và cho thế hệ sau này”.

Nguồn https://www.sggp.org.vn/dung-tro-nen-xau-xa-va-loi-canh-bao-truoc-ke-xau-mang-ten-big-tech-post682851.html

Những cuốn sách “Kinh Tế - Kỹ Năng” hay là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những doanh nhân, nhà khởi nghiệp hay những bạn trẻ có hoài bão, khát vọng lớn. Xem tại đây

Theo Viên Thi (sggp)

Đừng Trở Nên Xấu Xa

  • Giá bìa: 228.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 182.400 ₫
Mua ngay