Di sản kiến trúc vừa là hiện thân của những gì đã lùi vào lịch sử, vừa là thực tại trong đời sống, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
Bìa quyển sách. Ảnh: Hoàng Oanh
Tìm về các di sản kiến trúc là hành trình khám phá bản sắc dân tộc trong một thế giới đang nhân lên vô hạn những mô hình bê tông, cốt thép.
Tản Mạn Kiến Trúc Nam Bộ là nghiên cứu có tính dẫn nhập về các công trình kiến trúc Nam Bộ được xây dựng trong phạm vi từ nửa cuối TK 19 đến nửa cuối TK 20. Đây là công trình của một nhóm bạn trẻ nhằm nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh toàn diện về kiến trúc miền Nam, thay vì đưa ra những kết luận đóng đinh và khô cứng, muốn truyền tải và gợi mở cảm hứng yêu mến, trân trọng của người trẻ hôm nay dành cho di sản kiến trúc.
Cuốn sách được chia thành 4 phần, kèm hình ảnh minh họa nổi bật từ các công trình kiến trúc thực tế. Đáng tiếc sách in khổ nhỏ và chất lượng giấy phổ thông nên không truyền tải hết được nét đẹp của các công trình.
Kiến trúc dân dụng - kết tinh trong cách ứng xử với thiên nhiên
Thiên nhiên phương Nam và cảnh sắc núi non, sông ngòi riêng biệt đã góp phần quan trọng tạo nên một lối kiến trúc đặc trưng của vùng miền. Để thấy được những không gian sống đã hình thành trên vùng đất này, nhóm tác giả lần lượt dựng lại trước mắt người đọc những yếu tố nổi bật của môi trường thiên nhiên Nam Bộ, như địa hình, khí hậu, thủy văn cũng như sự phân bố của thảm thực vật.
Điểm đáng lưu ý hơn cả là sự hình thành chằng chịt mạng lưới sông ngòi của xứ Nam Bộ. Điều này có ý nghĩa đáng kể trong việc “quy hoạch” nên hệ thống nhà cửa trải dài và mở rộng dọc theo các tuyến đường thủy, khác với kiểu không gian co cụm thành làng xóm khép kín như nhiều nơi khác.
Sự phân bố của thảm thực vật kéo theo sự lựa chọn và sử dụng vật liệu trong xây dựng. Những cây gỗ lớn trong các cánh rừng miền Đông Nam Bộ hay những loại cây gỗ quen chịu nước ở vùng miền Tây được con người khéo léo tận dụng cho các mục đích khác nhau.
Một số hình ảnh kiến trúc minh họa cho các bài viết trong sách
Cấu trúc các tầng đất được quan tâm trong quá trình làm nền móng, làm sân, bờ tường, hay làm vữa xây dựng. Người ta cũng chú ý đến việc xây dựng các lò sản xuất gạch, ngói và các đồ gia dụng, tập trung ở Chợ Lớn, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long,… dựa trên lớp trầm tích sét phong phú ở các tỉnh này.
Gắn kết những yếu tố tự nhiên với sự lựa chọn một cách có chủ đích của những con người nơi đây, cuốn sách muốn nhấn mạnh đến ý hướng chủ động kiến tạo nên nơi chốn sinh sống của người miền Nam, và từ đây hé mở cái nhìn về một vùng không gian kiến trúc vốn đã thấm đẫm những câu chuyện, những suy tư và ước mơ của con người ngay từ những buổi sơ khởi.
Nhà gỗ truyền thống và những “đường biên giới mềm mại”
Nhà gỗ, hay nhà rường, là một loại hình kiến trúc đạt được mức độ hoàn thiện cao mà những chủ nhân miền Nam đã sáng tạo và xây dựng nên. Là sản phẩm kết tinh những kỹ thuật và quan niệm xây dựng của người phương Nam, ngôi nhà gỗ mang trong nó những đặc điểm quan trọng của kiến trúc và văn hóa nơi đây.
Hầu hết những ngôi nhà gỗ còn tồn tại đến nay chủ yếu được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu TK 20. Các ngôi nhà này được xây dựng với quy mô to lớn, nhiều trong số chúng là những dinh thự sang trọng của giới quan lại và phú hộ. Một số nhà nghiên cứu trong quá trình đối chiếu các dinh thự giữa ba miền đã kết luận rằng các dinh thự tại miền Nam thuộc loại sớm và đặc sắc nhất trên bình diện cả nước.
Điểm độc đáo trong quan niệm cũng như thực tiễn xây dựng các ngôi nhà gỗ phương Nam mà nhóm tác giả muốn nhấn mạnh với bạn đọc là tính liền mạch trong chỉnh thể của ngôi nhà. Cuốn sách đưa ra một phát hiện thú vị về sự khác biệt giữa ngôi nhà gỗ truyền thống với nhà ở hiện đại ngày nay. Trong khi nhà ở đô thị hiện đại có xu hướng gia tăng sự phân ly và ngăn trở, tạo thành các không gian khép kín, tách biệt, thì ngồi nhà gỗ trong quan niệm của người phương Nam xưa lại cố gắng tạo ra sự liền lạc, liên thông giữa các thành phần, cố gắng “làm mềm” những đường ranh giới phân chia ngôi nhà với bên ngoài, “làm mềm” đường phân chia giữa các khu vực trong nhà. Những mái ngói đôi khi được dỡ bỏ một vài viên gạch và thay bằng miếng thủy tinh để lấy áng sáng mặt trời, cho đến những bức vách ngăn, nhưng ô cửa được để hở cho ánh sáng đổ ngập vào nội thất, hay những tấm rèm cửa linh hoạt cho phép một sự liền lạc từ phòng này sang phòng kia,…
Nhóm tác giả cũng đặc biệt chú ý đến trang trí trong nhà với những ô hộc, bao lam,… được chạm trổ tỉ mỉ, cầu kỳ. Những yếu tố này làm nên vẻ đẹp sang trọng, quyền quý nhưng không kém phần tinh tế cho ngôi nhà. Trên tất cả, toàn bộ những nét trang trí, bày biện trong nhà với gian thờ tự trang nghiêm, bộ bàn ghế lịch sự hay những tấm ảnh, tấm hoành phi được treo ở một vài vị trí dễ thấy nhất,… đều góp phần thể hiện một suy tư, quan niệm và ước mơ của gia chủ về đời sống.
Kiến trúc phương Tây - sự chiết trung các phong cách và các nguồn văn hóa
Bước vào nửa sau TK 19, văn hóa Việt Nam đón nhận và ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây. Người Pháp sau khi chiếm được Nam Kỳ đã tiến hành thiết lập và xây dựng những thành phố mới theo hướng hiện đại, tạo nên những xu hướng xây dựng nhà ở mới. Trong quá trình đó, người Việt đã tiếp thu, học hỏi và lai ghép kiến trúc mới với kiến trúc bản địa để tạo nên một lối chiết trung đầy cuốn hút và độc đáo.
Nhóm tác giả chỉ ra ba xu hướng kiến trúc chính thời kỳ này: một là ngôi nhà gỗ truyền thống được bao phủ bằng một mặt tiền tân thời; hai là ngôi nhà được xây mới theo khuynh hướng tân thời nhưng mang kết cấu nhà truyền thống; ba là ngôi nhà hoàn toàn mới theo kiểu phương Tây, nhưng vẫn còn đó những trang trí, nội thất đậm đặc cảm thức địa phương.
Thiên nhiên và các yếu tố văn hóa phương Tây có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến trúc Nam Bộ
Những đặc điểm về kỹ thuật xây dựng của ngôi nhà được các chủ nhân tận dụng tối đa những nét mới mà thế giới phương Tây đem đến và truyền cảm hứng, song họ vẫn không quên điểm tô, hòa trộn những nét riêng mà truyền thống bản địa hàng trăm năm đã in dấu trong họ. Chẳng hạn như những đồ nội thất có kiểu dáng và công năng thời Louis hay Đệ nhị đế chế của Pháp được kết hợp với trang trí bằng xà cừ và gỗ chạm của Việt Nam.
Họa tiết trang trí - một thế giới biểu tượng phong phú
Trong căn nhà của người Việt, dù là nhà gỗ truyền thống hay các kiểu nhà chịu ảnh hưởng phương Tây, các họa tiết trang trí có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó diễn tả và gợi mở những ao ước, cảm nghĩ, quan niệm về cái đẹp của tiền nhân. Nhóm tác giả Tản Mạn Kiến Trúc đã làm công việc tổng kết, lên danh mục một cách tương đối toàn diện các loại hình họa tiết trang trí, bước đầu phân loại và giải thích ý nghĩa của các họa tiết đó. Điều này giúp những người trẻ hôm nay, sau hàng trăm năm, có thể hình dung được tổng thể các kiểu thức trang trí truyền thống ở Việt Nam, qua đó làm cơ sở để tiếp cận, cảm nhận và thấu hiểu ngôi nhà cổ, kết nối hiện tại với truyền thống xa xăm của cha ông.
Các họa tiết cơ bản được chia làm 5 nhóm, gồm: họa tiết có tính hình học, họa tiết thực vật, họa tiết động vật, họa tiết biến hóa và họa tiết tích truyện. Mỗi loại họa tiết có một ý nghĩa, công năng và mục đích sử dụng khác nhau, nhưng tất cả cho thấy sự trau chuốt, dụng công trong từng đường nét của ngôi nhà, đưa ngôi nhà trở thành một công trình nghệ thuật đầy sức sống.
Nguồn https://nhipcaudautu.vn/phong-cach-song/sach-hay/dao-buoc-duoi-mai-nha-co-3350176/
Thế giới “Văn Hóa - Nghệ Thuật ” vô cùng đa dạng, phức tạp với vô vàn khái niệm mơ hô, trừu tượng. Những cuốn sách trong chủ đề này sẽ giúp bạn khám phá những bí mật và tiếp cận nó mặc dù không hề dễ dù là đối tượng hàn lâm hay bình dân. Xem tại đây
Theo Hoàng Oanh (nhipcaudautu)