Với Kỉ nguyên khô hạn (NXB Tri thức, bản dịch của Trần Nguyên), tác giả Alex Prud’homme đã mang đến những lý giải xung quanh thực trạng của nguồn nước ngọt trên thế giới hiện nay, khi đã trở thành một loại hàng hóa đắt đỏ chẳng kém gì dầu khí, đang ở đỉnh điểm của tranh chấp.
Có một sự thật đơn giản và hiển nhiên: Trái đất chứa một lượng nước như từ trước đến giờ vẫn vậy: khoảng 332,5 triệu dặm khối. Tuy nhiên, số người sử dụng nó, cách họ sử dụng, và nơi họ sử dụng đang thay đổi một cách kinh hoàng. Dù nước là dạng vật chất phổ biến nhất trên hành tinh (chiếm 71% Trái đất), 97% lượng nước lại quá mặn để tiêu thụ. Chỉ 3% lượng nước trên thế giới là nước ngọt, và hầu hết bị đóng băng, chỉ còn 0,3% có thể tiếp cận và đủ sạch cho con người sử dụng.
Sách "Kỉ Nguyên Khô Hạn" tác giả Alex Prud’homme. Ảnh NetaBooks.vn
Trong khi vi khuẩn có thể sống hàng thế kỷ mà không cần nước, các loại rùa sa mạc có thể sống hàng năm với lượng nước tối thiểu, những con lạc đà có thể đi trên sa mạc suốt 6 tháng với số nước dự trữ chỉ vài lít, thì tất cả các thể sinh vật khác lại cần nước để hình thành dinh dưỡng, sinh đẻ và di chuyển. Con người là sinh vật lệ thuộc đặc biệt vào nước; thậm chí, có thể nói nước là thứ định hình chúng ta.
Bào thai người phát triển trong dịch màng ối. Trọng lượng cơ thể người trưởng thành có khoảng 70% là nước. Xương người có 22% là nước. Lượng nước trong não là 75%, trong máu là 82%, và phổi là 90%. Nước đưa ôxy đến các tế bào, cho phép chúng ta thở, bôi trơn các khớp, giúp hạ nhiệt bằng cách đổ mồ hôi, hỗ trợ tiêu hóa, và thải chất độc. Con người có thể sống một tháng mà không cần thức ăn, nhưng chỉ có thể tồn tại vài ngày nếu không uống nước.
Ấy thế mà con người lại đang có xu hướng không để tâm đến nước. Chúng ta vô tình làm ô nhiễm nước, định giá nước quá rẻ, và lấy nước quá nhiều, quá nhanh từ môi trường - thường vì các lợi ích ngắn hạn. Hậu quả là nước ngọt đã trở thành nguồn tài nguyên bị đánh giá thấp nhất trên Trái đất. Kể từ Copernicus, các nhà kinh tế và triết học đã nhận thấy rằng, dù không vật chất nào quý hơn nước, nhưng nước lại miễn phí.
Trong cuốn Tài sản của các quốc gia, Adam Smith đã gọi đây là “nghịch lý kim cương - nước” (hay còn gọi là “nghịch lý giá trị”): trong khi nước là yếu tố căn bản của sự sống, thì kim cương vốn chỉ có giá trị thẩm mỹ lại đắt hơn bội phần. Và đến khi nguồn nước cạn kiệt, tất cả bắt đầu hoảng loạn, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có nước. Như Benjamin Franklin ghi nhận: “Khi giếng cạn, chúng ta mới biết giá trị của nước”.
Dù chưa cạn kiệt nguồn nước nhưng chúng ta cũng đang lãng phí, gây ô nhiễm, và quản lý nước một cách sai lệch. Tình trạng ấy không thể kéo dài. Tuy vậy, không phải tất cả mọi tin tức đều xấu. Chúng ta đang học cách sử dụng nước hiệu quả hơn. Chúng ta đã bắt đầu làm sạch các vùng đất trũng, các con lạch và các hồ nước lớn bị ô nhiễm. Chúng ta đã tháo các con đập khỏi sông, giúp khôi phục lại lượng cá suy giảm và làm khô cạn các vùng đồng bằng ngập lụt do nước lũ tạo thành. Bị thúc giục bởi tính tất yếu, chúng ta đã học cách trữ nước dưới lòng đất, và biến nước biển, hay thậm chí là nước thải của người, thành nước uống.
Mỗi động thái là một bước tiến đáng kể để cùng nhau đi đúng hướng, cho thấy sự nhận thức ngày càng tăng, rằng nước có thể uống sẽ là một trong những vấn đề cốt lõi của thế kỷ 21. Cuốn sách này miêu tả một vài thử thách đáng kể nhất về tình trạng nước hiện nay, và đề cập đến những nhận định được cho là những thử thách phải đối mặt trong vài thập niên tới.
Nguồn https://www.sggp.org.vn/ky-nguyen-kho-han-di-tim-so-phan-cua-nguon-nuoc-ngot-trong-the-ky-21-post662427.html
Những cuốn sách “Kinh Tế - Kỹ Năng” hay là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những doanh nhân, nhà khởi nghiệp hay những bạn trẻ có hoài bão, khát vọng lớn. Xem tại đây
Theo Quỳnh Yên (sggp)