Tất cả danh mục

Rắc Rối Giới: Sách nghiên cứu về giới - rắc rối nhưng quan trọng

Cuốn sách "Rắc rối giới" mất tới 4 năm để đội ngũ hoàn thiện bản dịch và giới thiệu đến độc giả. Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, để có được nữ quyền thì phải có được nữ học.

Theo chia sẻ của nhóm dịch giả Tiên Phong, Rắc rối giới mất một năm để dịch và 3 năm để hiệu đính. Nhưng nhận thấy đây là một tác phẩm thú vị, có thể gợi ra những cuộc tranh luận quan trọng về giới ở Việt Nam, nhóm dịch giả và đội ngũ Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vẫn kiên trì hoàn thiện cuốn sách.

Được giới thiệu là “một trong những công trình nghiên cứu về nữ quyền và lệch pha được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử”, các vấn đề được nêu lên trong Rắc rối giới đáng được bàn đến. Judith Butler đã thách thức các quan niệm về chuẩn mực giới và phát triển thuyết biểu hiện giới.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, thừa nhận rằng đây là một tác phẩm không dễ đọc và rằng tác phẩm cũng “rắc rối” đúng như cái tên của nó. Nhưng bà cũng đồng tình với quan điểm của Judith Butler, cho rằng rắc rối là tất yếu và chúng ta không nên né tránh rắc rối mà hãy bàn luận.

Một phần của nữ quyền luận

Judith Butler chia sẻ trong lời tựa năm 1999 rằng cuốn sách được viết theo truyền thống phê bình nội tại (immanent critique). Đây là phương pháp phê bình đối tượng dựa trên các bình diện của chính nó thay vì các tiêu chuẩn bên ngoài để làm sáng tỏ sự không nhất quán của đối tượng.

Với Rắc rối giới, Judith Butler bóc tách từng hạn chế trong lý thuyết nữ quyền, cho rằng một sự bó hẹp về ý nghĩa giới như vậy tạo ra những quy chuẩn dị tính mang tính loại trừ, dễ gây ra tình trạng kỳ thị đồng tính. Là một người thuộc nhóm thiểu số về tính dục, Judith Butler cố gắng đấu tranh mở rộng phạm vi giới, phá bỏ những khuôn khổ lý tưởng của biểu hiện giới.

“Điều khiến tôi lo lắng nhất là các thực hành giới thiểu số khiến người ta hoảng sợ rồi bài bác chúng là không tưởng. Sự sụp đổ hệ nhị nguyên giới có khủng khiếp và đáng sợ đến mức ta phải coi nó là bất khả trên lý thuyết và phải hoàn toàn loại trừ trên thực tế không?”, tác giả viết.

Trong Rắc rối giới, Judith Butler bày tỏ quan điểm cho rằng khái niệm giới vừa bị coi là sự thật hiển nhiên, vừa bị điều hướng thô bạo. Butler cương quyết phá bỏ các quan niệm định chuẩn dị tính trong xã hội, tập trung tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Điều gì sẽ và sẽ không cấu thành một đời sống khả niệm? Những giả định về giới và tính dục quy chuẩn quyết định trước cái sẽ đạt tiêu chuẩn ‘người’‘đáng sống’ như thế nào? Chúng ta có thể nhận ra quyền lực giới hạn này và biến đổi nó bằng những phương tiện kiểu gì?gười’và ‘đáng sống’ như thế nào? Chúng ta có thể nhận ra quyền lực giới hạn này và biến đổi nó bằng những phương tiện kiểu gì?

Bằng việc chất vấn các phạm trù về giới, thực tại giới rơi vào khủng hoảng: cái thật và không thật trở nên nhập nhằng, khó phân biệt. Tác giả tin rằng đây là cơ hội để con người nhận ra điều được cho là “thật” vẫn có thể thay đổi và chỉnh sửa.

Một cuốn sách gợi nhiều tranh luận

Tại buổi ra mắt sách chiều 19/10 tại Hà Nội, nhóm dịch giả cùng biên tập viên đã chia sẻ về khó khăn trong việc thống nhất thuật ngữ. Phần đông cho rằng ngôn từ của Judith Butler quá khó đọc và khó dịch.

Cuốn sách đã mất đến 4 năm và qua tay hơn 10 dịch giả, trong đó chỉ có 4 dịch giả trụ lại với tác phẩm. Vì những vấn đề bàn tới trong Rắc rối giới quá sâu rộng và “rắc rối”, bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ trong quá trình hoàn thiện bản dịch, đội ngũ thậm chí đã có những tranh luận “nảy lửa” mới thống nhất được.

Đầu tiên là khó khăn chuyển dịch những thuật ngữ chuyên môn. Trao đổi với biên tập viên của cuốn sách - bà Lê Thị Thu Ngọc - cho biết bà đã cố liên hệ với những tổ chức về giới để đưa ra những góp ý về cách dịch cũng như tham gia hiệu đính cuốn sách. Quá trình biên tập và hiệu đính mất tới 3 năm, nhưng vẫn còn đó những thuật ngữ mà nhóm dịch cho rằng cũng chưa thể làm hài lòng hết độc giả, đơn cử như từ "Queer theory" được dịch là "Lý thuyết lệch pha".

Giải thích cho lựa chọn này, nhóm dịch giả cho rằng từ “queer” là một từ Mỹ, xuất hiện từ những năm 1950 và từ này mang nghĩa là kỳ lạ, quái đản, lệch pha. Vì lẽ này, nhóm dịch tạm thời tôn trọng ngữ cảnh ấy. Ngoài ra, lựa chọn dịch như vậy còn liên quan đến tư tưởng nội hàm của Butler. Trong đó, tác giả sử dụng sự dị biệt như một phép ẩn dụ. Dịch giả cho rằng cảm xúc của chính trị đương đại nhìn nhận như thế nào thì sẽ còn phải tranh luận, nhưng đó cũng chính là thông điệp của tác giả.

Đội ngũ dịch thuật, xuất bản còn tranh luận về nhiều khái niệm, quan điểm mà Judith Butler nêu trong sách. Bà Lê Thị Thu Ngọc cho rằng cuốn sách có thể gợi lên nhiều cuộc tranh luận, nhưng để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tranh luận là cần thiết.

Đặt trong bối cảnh các vấn đề về giới được quan tâm nhiều như hiện nay, chúng ta đang dần có cái nhìn cởi mở hơn về các nhóm thiểu số. Những cuốn sách viết về chủ đề này không chỉ có sức hút đặc biệt mà còn có ý nghĩa quan trọng, mang tính thời đại.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng để có được nữ quyền thì phải có được nữ học, để có được bình đẳng giới thì phải có các nghiên cứu về giới. Rắc rối giới được viết với mong muốn thuần khiết là xóa bỏ bạo lực quy chuẩn giới, để con người được sống mà không bị đè nén trong khuôn khổ cái "chuẩn", không bị tước đi quyền được sống.

"Khi trưởng thành, tôi đã chứng kiến ít nhiều bạo lực quy chuẩn giới. Chỉ vì cơ thể dị thường, một người chú của tôi bị tước đi gia đình bè bạn rồi bị nhốt vào 'trại' ngoài thảo nguyên Kansas. Một số anh chị em họ đồng tính của tôi phải bỏ nhà ra đi vì tính dục có thật hay tưởng tượng của họ. Vào năm 16 tuổi, tôi cũng công khai xu hướng tính dục của mình rồi sau đó phải chịu nhiều sóng gió, mất mát trong công việc, tình yêu và mái ấm. Tất cả những ký ức thời niên thiếu ấy khiến tôi phải chịu những đau khổ giày vò sâu sắc, nhưng may thay, chúng không thể ngăn cản tôi mưu cầu hạnh phúc, đồng thời kiên quyết đòi hỏi xã hội công nhận và hợp pháp hóa đời sống tình dục của tôi", Judith Butler bộc bạch trong sách.

Nguồn https://zingnews.vn/sach-nghien-cuu-ve-gioi-rac-roi-nhung-quan-trong-post1367086.html

Triết học có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển của khoa học cụ thể. Và ngược lại, với mỗi giai đoạn phát triển của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên thì triết học cũng có một bước phát triển. Tìm hiểu những kiến thức về “Triết Học - Khoa Học” để hiểu mình và thế giới này. Xem tại đây

Theo Minh Hùng (zing)

Rắc Rối Giới (Bìa Cứng)

  • Giá bán tại NETA: 330.000 ₫
Mua ngay

Rắc Rối Giới

  • Giá bìa: 198.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 158.400 ₫
Mua ngay