Tất cả danh mục

Đằng sau mặt báo: Chân dung báo chí Việt Nam trước năm 1945

Báo chí Việt Nam từ thuở ban đầu đến trước Cách mạng Tháng Tám là bức tranh rộng về không gian và dài về thời gian. Mỗi tờ báo có một dấu ấn riêng biệt.

Báo chí Việt Nam từ thuở ban đầu đến trước Cách mạng Tháng Tám là bức tranh rộng về không gian và dài về thời gian. Mỗi tờ báo có một dấu ấn riêng biệt. Ấn phẩm Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến năm 1945 của tác giả Trần Đình Ba ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022). Cuốn sách tái hiện đời sống báo chí thuở ban đầu đến năm 1945 mà ở đó, báo chí được phân theo khu vực Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.


Sách Đằng Sau Mặt Báo - Hồi Ký Chân Dung Báo Chí Việt Buổi Ban Đầu Đến 1945. Tác giả Trần Đình Ba. Ảnh: Q.M.

Những mảnh ký ức về báo chí xưa

Gom góp những mảnh ký ức của người đương thời và bài viết trên báo chí trước năm 1945 về các vấn đề liên quan trực tiếp tới báo chí, tác giả Trần Đình Ba biên soạn nên cuốn sách này.

Điểm qua những tờ báo nổi tiếng một thời, tác giả không quên liệt kê tên tuổi của các ký giả như Trương Vĩnh Ký (Gia Định báo, Thông loại khóa trình); Diệp Văn Kỳ (Chế độ báo giới Nam Kỳ năm mươi sáu năm nay) hay Tản Đà (Giấc mộng lớn, An Nam tạp chí); Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (Phong hóa, Ngày nay); Thế Lữ, Anh Thơ (Từ bến sông Thương)...

Không chỉ tập hợp, nghiên cứu những tư liệu đời trước để lại, tác giả còn được trực tiếp làm việc với “nhân chứng sống” từng viết báo những năm 1940 như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (nay đã hơn 100 tuổi), từng viết bài trên báo Truyền bá.

Trải dài hơn 500 trang sách là thông tin cơ bản về tiến trình phát triển báo chí với sự ra đời của những tờ báo viết bằng chữ Pháp, chữ Hán. Tiếp đến là sự xuất hiện của tờ Gia Định báo (năm 1865), tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở nước ta.

Theo đó, mục đích ban đầu của báo chí là phục vụ nhu cầu đưa tin tức tới các địa phương, đăng các thông tư, nghị định, tin thời sự liên quan đến giá cả, mùa màng...

Giai đoạn sau đó, báo chí tư nhân ra đời, có vị trí quan trọng trong làng báo với nhiều tờ báo chất lượng như Ngọ báo, Sài thành nhật báo, Trung lập, Đông Pháp thời báo

Theo tác giả, báo chí trước năm 1945 được chia thành nhiều loại khác nhau: Kỷ yếu, tạp chí, nhật báo, tuần báo, nguyệt san… Xét về nội dung, có loại báo chỉ đơn thuần mang thông tin văn nghệ, lại có một số báo mang tính thời sự cập nhật.

Trong giai đoạn đó, có báo được thiết kế như một tập sách mỏng (Thông loại khóa trình, Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san…), có báo lại được viết tay (Suối reo, Ý kiến chung) do chính những người làm cách mạng thực hiện bí mật trong nhà tù ở Côn Đảo, Sơn La.


Từ trái qua: Tờ Gia Định báo (tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta) số 9, tháng 10/1866; tờ Công binh tạp chí số Tết Giáp Thân (tờ báo được xuất bản tại Pháp); tờ nhật báo Hà thành ngọ báo. Ảnh: T.L.

Chân dung báo chí một thời

Phần I - Đi tìm manchette tờ báo qua ghi chép của người đương thời - điểm qua các tờ báo khắp cả nước, chia thành 3 tiểu mục: Những tờ báo ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Chẳng hạn, Đại Nam đồng văn nhật báo (1891) xuất bản mỗi tháng 4 kỳ, phát giao cho các bộ nha ở kinh và phủ tỉnh ở ngoài. Đại Việt tân báo xuất bản năm 1905, có tòa soạn nằm ở phố Hàng Mã, là một tờ tuần báo.

Trong số các tờ báo ở Bắc Kỳ, Trung Bắc Tân văn là tờ nổi tiếng, phổ biến và có ảnh hưởng lớn đầu thế kỷ XX. Đây là tờ nhật báo được in nhiều nhất lúc bấy giờ.

Trung tâm tuần báo ra số đầu ngày 17/10/1934, nhưng lại “im hơi” từ số 6, ra ngày 23/5/1935. Tòa soạn nằm ở số 97 đường Coton (tức phố Hàng Bông ngày nay). Ban đầu, nó là tuần báo ra ngày thứ tư hàng tuần và đến số 5, nó tự giới thiệu là “tuần báo văn chương và trào phúng”, đưa nhiều tin, bài, thậm chí là biếm họa, đả kích.

Trong ký ức của Nguyễn Công Hoan, báo Cậu ấm để lại trong ông ấn tượng sâu sắc vì đây là tờ báo mà ông nhận được nhuận bút là một chiếc bút máy cho bài viết của mình.

Với 20 trang mỗi số, Cậu ấm có giá bán 5 xu/tờ. Báo cũng niêm yết rõ giá bán cho độc giả đặt dài hạn. Cụ thể, với độc giả trong nước là 2,5 đồng/năm; 1,3 đồng/6 tháng; 7 hào/3 tháng. Còn với nước ngoài là 4 đồng/năm; 2,2 đồng/6 tháng; 1,2 đồng/3 tháng.

Tờ báo này có trụ sở ở Hà Nội, nhưng được phát hành vào tận Sài thành với hệ thống đại lý rộng khắp. Theo Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Nguyễn Thành), Cậu ấm ra số cuối vào tháng 11/1937. Đúng như tiêu chí là báo cho trẻ em trai, nội dung các số của Cậu ấm phản ánh thông điệp “muốn cho trẻ khỏi nghịch nhảm và bẩn trong những giờ rỗi, không gì bằng cho trẻ đọc Cậu ấm”.

Trong số những tờ báo ở Trung Kỳ, Bulletin des Amis du Vieux Hué, tức tập san Đô thành hiếu cổ của Association des amis du vieux Hué (Những người bạn Cố đô Huế), hoạt động dưới sự điều khiển của chủ bút Léopold Cadière (1869-1955).

Trong khi đó, nhân vật chủ bút của báo Tiếng dân là Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng. Tham gia viết bài cho Tiếng dân là những tên tuổi lớn đương thời và cả sau này như Phan Bội Châu, Đào Duy Anh…

“Sinh sau đẻ muộn” trong làng báo, nhưng Cười cũng được xem là tờ báo trào phúng của đất Trung Kỳ, có trụ sở ở đường Gia Long (Huế). Ngay từ số đầu tiên (1/10/1937), Cười đã tự nhận là “tuần báo trào phúng về văn chương”. Tờ báo này nhận được sự hợp tác viết bài của giới văn sĩ như Tú Mỡ, Hàn Mặc Tử, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh…

Xét cho cùng, báo chí thời xưa và nay đều có chức năng thông tin, truyền thông; là diễn đàn ngôn luận, cầu nối giữa độc giả với các cơ quan cấp cao. Điểm khác biệt ở đây là trước năm 1945, có tờ báo đơn thuần chỉ là văn nghệ, giá thành rẻ mạt, cũng có loại là sách nhưng lại được gọi là báo.

Có những tên báo nghe rất lạ tai như Trong khuê phòng, Suối reo, Trung hòa nhật báo... Mỗi cách đặt tên cũng gắn với nhiều câu chuyện thú vị, có thể theo địa danh, quốc hiệu, giới tính, ngành nghề hoặc mục đích hoạt động.

Bên cạnh đó, tác giả Trần Đình Ba cũng đề cập nhiều câu chuyện về hậu trường nghề báo trong phần II - Chuyện sau mặt báo qua ký ức người đương thời - nhằm tạo sự hấp dẫn, chân thực về nghề báo với kỹ thuật lấy tin, bài; nhuận bút viết báo; cách thức cộng tác báo...

Những câu chuyện về khó khăn của nghề báo còn thể hiện ở chế độ kiểm duyệt báo chí; kinh phí xuất bản, số lượng bản in và vòng đời ngắn ngủi của một số tờ báo do bị đình bản hoặc thiếu vốn.

Nguồn https://zingnews.vn/chan-dung-bao-chi-viet-nam-truoc-nam-1945-post1328256.html

Những cuốn sách “Lịch Sử” mang đến lượng kiến thức to lớn cho người đọc góc nhìn phổ quát về những sự kiện, hiện tượng từng diễn ra trong quá khứ cho đến tác động của nó đến ngày nay. Xem tại đây

Theo (zing)