Độc giả Việt Nam chủ yếu biết đến Ray Bradbury với tư cách một nhà văn viết truyện science fiction (khoa học viễn tưởng), nhưng kho tàng tác phẩm của ông còn đồ sộ và rộng lớn hơn thế, gồm cả những truyện ngắn mang hơi hướm kinh dị. Ở mảng sáng tác này, ông là nguồn cảm hứng cho những cây bút kinh dị đương đại hàng đầu như Stephen King hay Neil Gaiman.
Sách Xứ Tháng Mười. Tác giả Ray Bradbury
Xứ tháng Mười là tập truyện cho ta thấy một khía cạnh rất khác của nhà văn từng gây tiếng vang với các truyện sci-fi như Fahrenheit 451 hay The Martian Chronicles, khi ông phớt lờ logic khoa học và thỏa sức phô diễn tài năng kể chuyện bằng cách mời gọi những hồn ma bóng quế, những tạo vật kỳ dị từ thế giới bên kia bước vào câu chuyện của mình.
19 truyện ngắn trong tập sách đưa người đọc khám phá xứ sở tràn ngập những nỗi kinh hoàng và ma quái; nơi ấy có chiếc bình thủy tinh chứa những kí ức và cơn ác mộng; đứa trẻ sơ sinh âm mưu giết chết mẹ mình; và bộ xương của một người có thể chiến đấu chống lại “chủ nhân”…
Chất kinh dị Mỹ
Có rất nhiều thuật ngữ để mô tả phong cách truyện kinh dị của Bradbury. Margaret Atwood (tác giả The Handmaid’s Tale) gọi ông là người chạm vào “cốt lõi Gothic Mỹ”. Các nhà nghiên cứu nhận định truyện rùng rợn của ông phảng phất cảm hứng carnival (lễ hội hóa trang). Nhưng không cần hiểu các thuật ngữ, người đọc vẫn có thể thấy rõ những câu chuyện trong tập Xứ tháng Mười vẽ ra trước mắt ta cảnh trí ảm đạm của những thị trấn thập niên 1950, lấy cảm hứng từ ký ức thời thơ bé ở Waukegan, bang Illinois (Mỹ) nơi nhà văn chào đời.
Trong những thị trấn buồn tẻ ấy, người dân tìm niềm vui chóng vánh ở những gánh xiếc tàn tạ, những hội chợ ngổn ngang. Họ sẵn sàng bỏ ra vài đồng lẻ để trầm trồ trước một tạo vật bí hiểm trôi nổi trong lọ thủy tinh, giải khuây bằng cách ngắm nghía hình bóng phản chiếu méo mó của bản thân trong nhà gương, dù rằng tạo vật được làm bằng giấy bồi và tấm gương ma thuật chỉ là những thủ thuật rẻ tiền…
Đằng sau mỗi câu chuyện rùng rợn là tiếng cười trào lộng, là cảnh tượng bi hài về những phận người tỉnh lẻ sống một cuộc đời nhợt nhạt bên rìa thế giới, nơi giáp ranh giữa thực và ảo, giữa tỉnh táo và điên rồ, mà ông gọi họ là “người mùa thu” (cũng là tên một tập truyện ngắn khác của Bradbury). Mùa thu, tháng Mười là những cảnh trí thường xuất hiện trên sân khấu truyện kể kinh dị của Ray Bradbury và sẽ còn trở lại trong những sáng tác sau này.
Giọng văn giàu suy tưởng
Bị ảnh hưởng bởi truyền thống thi ca, văn phong của tác giả Fahrenheit 451 là dòng chảy ngồn ngộn những liên tưởng sắc sảo và phức tạp, giàu chất thơ. Vậy nên những câu chuyện của ông không chỉ dừng lại ở việc gây sốc mà còn khiến độc giả tự đặt cho mình những câu hỏi về bản thể người. Hãy thử đọc một vài trích đoạn từ tác phẩm để cảm nhận điều này:
… xứ ấy nơi thời gian luôn vào mùa cuối năm. Xứ ấy nơi đồi mù sương và sông mờ mịt; nơi buổi trưa đi nhanh; chiều tà và xẩm tối nhẩn nha, còn canh khuya ở lại. Xứ ấy hình thành trong lòng những tầng hầm chính, hầm phụ, thùng than, tủ kín, gác xép, và buồng kho khuất bóng mặt trời. Xứ ấy nơi những con người là người mùa thu, chỉ nghiền ngẫm những ý nghĩ mùa thu. Nơi những con người đêm đêm băng qua hè vắng xao xác như mưa..
Cũng giọng văn ấy nói thay tiếng kêu phẫn uất và xé lòng của một người lùn khốn khổ:
Tội nghiệp mẹ cha! Họ chỉ muốn những gì tốt đẹp nhất cho tôi. Họ giữ riết tôi như chiếc lọ sứ, nhỏ bé và quý báu, trong thế giới của kiến, trong những căn phòng tổ ong, trong thư viện li ti, trong mảnh đất có những cửa cái to bằng con bọ hung và cửa sổ to bằng con bướm mối. Mãi tới bây giờ tôi mới thấy được tầm vóc loạn tâm thần kỳ vĩ của cha mẹ tôi! Họ hẳn đã mơ tưởng sẽ sống đời đời, luôn giữ gìn tôi như con bướm khô trong hộp kính. Nhưng cha tôi chết trước, rồi một đám cháy nuốt chửng ngôi nhà tí hon, cái tổ ong bầu ấy, cùng mọi tấm gương soi bé bằng con tem và căn phòng bằng lọ muối bên trong. Mẹ cũng chết luôn! Và còn lại tôi một mình, nhìn tàn lửa rơi, bị quẳng ra ngoài thế giới của Quái Vật và Người Khổng Lồ, bị thực tế như trận đất lở cuốn phăng, quăng quật, lăn lóc, và nát bấy dưới chân vách núi!
Mời bạn ghé thăm Xứ tháng Mười để cùng trầm trồ, bất ngờ, sợ hãi, phấn khích trước những câu chuyện huyền bí, những cảnh tượng ma quái do “bậc thầy viết truyện giả tưởng có một không hai của thời đại” tạo nên.
Nhận xét
“Đừng để sức quyến rũ bay bổng của ngôn từ Bradbury lừa gạt: con người này quyết lòng quấy rối ta, phiền nhiễu ta, hủy hoại ta.” – The Guardian
“Một tác giả với trí tưởng tượng lạ thường, với văn xuôi tràn ngập tiết tấu thơ và nhạc cũng như sự hiểu biết thuần thục về bản tính con người là những điều đã đưa tên tuổi Bradbury vang danh văn đàn quốc tế.” – The New York Times
Về tác giả
Ray Bradbury (1920 – 2012) là nhà văn chuyên sáng tác các tác phẩm kinh dị, khoa học viễn tưởng, kỳ ảo của Mỹ. Ông được vinh danh là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XX và XXI và gây tiếng vang với Fahrenheit 451 (1953), The Martian Chronicles (1950), The Illustrated Man (1951) và nhiều tác phẩm khác.
Nguồn https://bookish.vn/review-sach-xu-thang-muoi-mien-dat-ma-quai-cua-ray-bradbury/
Tủ sách “Văn Học Nước Ngoài“ cực kỳ đa dạng về thể loại, từ văn học kinh điển, các tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế đến văn học hiện đại, trinh thám, viễn tưởng… Xem tại đây
Theo Duyên (bookish)