Tất cả danh mục

Trưởng thành từ căn bếp của mẹ

Tác giả dẫn dắt người đọc lên núi, xuống biển, để rồi “chiêu đãi” độc giả của mình nhiều bữa tiệc thịnh soạn, ấm áp hương vị thôn quê qua 31 bài viết.

Nhà thơ Lê Giang được biết đến là cây bút vừa sáng tác thơ, vừa viết tạp văn, bút ký đậm chất Nam Bộ. Những tác phẩm của bà mang nặng tình cảm, chất chứa hồn quê mộc mạc, giản dị.

Tập tản văn Khói bếp không tan không phải ngoại lệ. Tiếp nối mạch cảm xúc về quê nhà là những trang văn đầy ắp kỷ niệm thuở 15 của một cô gái lớn lên bên mâm cơm gia đình đầm ấm, chân quê.

“Sau mấy mươi năm xa cách, tôi trở về thăm cha mẹ. Cũng là để thăm lại tuổi thơ bên dòng sông quê Gành Hào - nơi có bao nhiêu buồn vui biến động để cho tôi mang theo trên đường đời tuổi 15, bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy may mắn, luôn gợi nhớ quê nhà nơi cha mẹ sinh tôi. Càng trôi qua bao nhiêu tháng ngày càng thắm sâu từng thớ thịt làn da trong thân thể mình”, nhà thơ Lê Giang viết.


Tập tản văn Khói bếp không tan gồm 31 bài viết. Ảnh: Thu Huệ.

“Mùi bếp núc” của mẹ

Mở đầu tập tản văn của mình, tác giả chia sẻ hành trang mà bà luôn mang theo bên mình là “mùi bếp núc” của mẹ: “Cái mùi của người đàn bà đảm đang quán xuyến. Mùi của mẹ từ trong thơm tho mà má tôi - như một dược sĩ tài ba của rau đồng, cá ruộng, của tôm tép trên bến sông quê, của mùa rắn, cua ốc, của dưa, bắp má trồng hái vô còn vướng vít mùi đất nồng mốc thít phấn trắng bắp chuối non, lún phún lông tơ bầu bí cuốn tươi xanh”.

Tác giả lấy Khói bếp không tan làm tựa đề tập tản văn này vì đây chính là điểm khởi đầu cuộc du hành trở lại với miền ký ức.

Cuốn sách chứa 31 bài viết. Mỗi bài đều chất chứa kỷ niệm, dấu ấn không phai trong đời cô gái Cà Mau 15 tuổi lúc bấy giờ với những món ngon gắn liền tuổi trẻ và những cung đường bà đã đi qua.

Các bữa ăn là chủ điểm của mọi câu chuyện, nhưng đó cũng là cái cớ để bà gợi nhắc về tình cảm gia đình. Điều này được thể hiện qua một số bài viết như: Cái ơ kho quẹt nổi tiếng, Miếng ăn - Nhớ cảnh mến người, Mùa cá chốt giấy, Mít non hầm, Ăn là nhớ

Với phong cách hóm hỉnh, lời văn hồn nhiên, hào sảng, tập tản văn mang đến cho bạn đọc những giây phút mỉm cười nhưng cũng lắng đọng, lặng nghe tiếng lòng dịu lại với biết bao hoài niệm về tuổi thơ bên gia đình.

Trưởng thành từ ký ức

Những món ăn dân dã, đậm chất miền Tây sông nước như kho quẹt, cá chốt giấy, cá chẽm, rau đắng mở ra trước mắt người đọc khung trời kỷ niệm do tác giả - người “đầu bếp chính” - miêu tả một cách đầy sáng tạo.

Trong ký ức của bà, gian bếp gia đình chưa bao giờ tan mùi khói, bởi ở đó có những món ăn thơm lành mà người mẹ quê luôn để dành cho đàn con nhỏ. Mỗi món ăn của đồng ruộng đều có thể gọi tên một mảnh ký ức thân thương, khiến người ta càng đi xa càng nhớ.

“Nếu sinh ra ở nhà quê, nếu từng tắm truồng dưới dòng sông đầy phù sa đỏ lặng hai bờ, nếu từng sải tay bơi qua dòng sông rộng, thì ai cũng có mùi khói ấy vướng trên tóc, ủ trong lòng, đi thì mang theo, ngủ thì gói lại”, tác giả viết.

Từ những ngày ngồi hít hà “khói bếp không tan” đó, nhà thơ Lê giang đã mang kinh nghiệm làm bếp ra chiến trường. Đối với bà, gia tài được gói gọn trong căn bếp.

Xuyên suốt tập tản văn, còn rất nhiều nỗi nhớ mà bà đã tái hiện. Bà trải lòng về hành trang mang theo bằng những con chữ da diết, chứa đầy nỗi nhớ đi dọc cả một đời người, hệt như mùi khói không tan trên chái bếp năm nào.

Đó còn là nỗi nhớ về lần ăn Tết ở chiến khu, có thiếu thốn nhưng lại “thương nhau chết đi được”. Cũng có khi giản dị hơn là nhớ món kho quẹt mà sau này, trong những ngày ở rừng đã giúp bà “nổi tiếng”.

Tác giả không lấn sân kể về thời kỳ khó khăn, vất vả ấy mà chỉ tập trung xây dựng một không gian thật bình yên bên gia đình với những món ăn đầy dư vị.

Ẩm thực miền “đất Mũi” từ những ngày ra sông câu cá chốt giấy của cô bé Lê Giang thuở ấy đã theo chân bà suốt hành trình trưởng thành và cầm bút cho đến bây giờ.

Tác giả chia sẻ trong bài giới thiệu cuốn tạp văn của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói bà viết gì cũng đều nhắc tới việc ăn uống trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Nhưng ông đã “thanh minh cho tôi không phải người phàm ăn”, bởi ông cũng giống bà, “ăn để thỏa mãn tình quê”.

Đối với tác giả, thứ tài sản vô giá trong hành trình trưởng thành chính là những món ăn của mẹ bên gia đình đầm ấm để rồi sau này, tuy “làm dâu trăm họ mắm muối rau rừng, đọt vừng, đọt choại”, bà vẫn thường nhớ tới mẹ.

Những yêu thương ấy giống như làn khói tỏa trong gian bếp. Nó sẽ không tan mà tiếp tục được lan tỏa.

Khói bếp không tan viết về những điều rất riêng của tác giả nhưng lại vô tình chạm đến nỗi nhớ chung trong tâm tư mỗi người đọc.

Nguồn https://zingnews.vn/truong-thanh-tu-can-bep-cua-me-post1300279.html

Những cuốn sách “Văn Học Việt Nam” giàu ý nghĩa nhân văn mang đến cho bạn một cái nhìn sâu sắc về thế giới hiện thực, của cuộc sống. Xem tại đây

Theo Thu Huệ (zing)

Khói Bếp Không Tan

  • Giá bìa: 85.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 68.000 ₫
Mua ngay