Liệu đứa trẻ luôn ngoan ngoãn làm theo đúng ý cha mẹ muốn, có phải là ngoan? Và ngược lại, quá hiếu động liệu có phải là một cái cớ hợp lý để kết luận đó là một đứa trẻ hư?
Phụ huynh thường tấm tắc khen "con nhà người ta" khi thấy những đứa trẻ nghe lời cha mẹ vanh vách, không chạy nhảy lung tung, cũng không táy máy cái này cái kia, rồi quay qua than phiền sao con mình quậy phá. Thế nhưng, liệu đứa trẻ luôn ngoan ngoãn làm theo đúng ý cha mẹ muốn, có phải là ngoan? Và ngược lại, quá hiếu động liệu có phải là một cái cớ hợp lý để kết luận đó là một đứa trẻ hư?
Trẻ ngoan - trẻ hư: tiêu chuẩn cần được xem xét lại
Nobuyoshi Hirai - hội trưởng Hội nghiên cứu Nhi đồng học tại Nhật Bản - đưa ra một nhận định mà có lẽ sẽ làm nhiều bậc cha mẹ suy ngẫm, rằng "những đứa trẻ luôn làm đúng theo lời bố mẹ hầu hết đều đang lừa dối cảm xúc thật của bản thân". Trong khi đó, "những đứa trẻ dám thể hiện tình cảm thật, hình ảnh thật của mình là những đứa trẻ hồn nhiên, bởi vì chúng không lừa dối trái tim của chính mình, và khi lớn lên, chúng sẽ trở thành những thanh niên ưu tú".
Đối với người lớn, tư duy và suy nghĩ đã phát triển, thì đánh giá những việc như lục lọi thùng rác, bới hết các ngóc ngách trong tủ, trong nhà là hành động phá phách và không đem lại lợi ích gì cả. Nhưng với những đứa trẻ còn ở lứa tuổi non nớt từ 0 đến 4 tuổi, thì đó lại là một sự tìm tòi, ham muốn khám phá về mọi thứ trong tầm với của mình.
Sach "Giáo Dục Không La Mắng". Tác giả Nobuyoshi Hirai
Do đó, nếu cứ đứng ở vị trí của người lớn và áp đặt những lời răn dạy không được làm cái này, không được đụng cái kia, thì cha mẹ không phải đang bảo vệ và nuôi dạy con mình đúng cách. Mà đó chỉ là những hành động kìm hãm sự phát triển tư duy của con, bóp nát tính hiếu kỳ quý giá nơi trẻ, đồng thời, dần dà đóng khuôn con cái thành những người sống không đúng với con người thật của mình.
Hơn nữa, theo chia sẻ của Nobuyoshi Hirai trong "Giáo dục không la mắng", "một đứa trẻ bị trách phạt càng nhiều thì sẽ mang trên mình sự lừa dối càng lớn, và khi đứa trẻ ấy bước vào tuổi vị thành niên sẽ chất chứa nhiều âu lo, gây ra rất nhiều vấn đề. Đứa trẻ cảm thấy khúc mắc giữa con người thật sự của mình và con người mà mình cố gắng thể hiện. Vì vậy, trong lòng luôn cảm thấy khổ sở".
Chưa kể trong những trường hợp tệ hơn, là vào một ngày nào đó, cha mẹ sẽ nhận ra đứa con bé bỏng ngày nào của mình có quá nhiều tâm tư nhưng lại giấu kín, không sẻ chia cùng mình. Thì âu cũng là vì những lời trách mắng ngày xưa đã hằn quá sâu vào tiềm thức của trẻ, khiến con không còn dám sống thật với tính cách vốn có của mình nữa.
Nên nếu cha mẹ vì những góc nhìn của người trưởng thành mà thường xuyên trách cứ con mình thì hậu quả để lại cho tương lai của trẻ sẽ ngày càng đáng lo ngại.
"Giáo dục không la mắng" - hình thức nuôi dạy để trẻ trở thành những thanh niên ưu tú nhất
Theo tâm lý học nhi đồng, sự phá phách được định nghĩa là "hành động dựa trên sự ham muốn tìm tòi". Tác giả cuốn sách luôn nhấn mạnh "đừng xem hành vi khám phá của trẻ là phá phách, ngỗ nghịch mà cần hiểu rằng trẻ đang trong quá trình học hỏi, thỏa mãn tính hiếu kỳ". Do đó, bố mẹ cần phải luôn nuôi dưỡng tinh thần tích cực ấy nơi con trẻ.
Hiểu được nỗi niềm của cha mẹ, rằng nuôi dạy con là cả một quá trình dài hơi, hao tốn cả thời gian lẫn công sức, nên Nobuyoshi Hirai hoàn thiện cuốn sách "Giáo dục không la mắng" với mong muốn giúp cha mẹ biết cách phát huy sự năng động tích cực của trẻ, mà không phải dùng đến đòn roi hay những lời nói đầy tính sát thương.
Giáo dục không la mắng cũng chính là hình thức nuôi dạy đã được chính tác giả áp dụng với tám đứa cháu của mình. Vì biết phá phách cũng có nghĩa là khám phá và góp phần hình thành tính chủ động ở lứa tuổi thiếu nhi, nên Nobuyoshi Hirai chẳng bao giờ lớn tiếng với bọn trẻ. Thay vào đó, ông dùng những lời nói, cử chỉ nhỏ nhẹ nhưng lại đủ sức nặng để kích thích sự đồng cảm và tính chủ động ở trẻ. Chẳng hạn như khi một đứa cháu vẽ dấu X thật to lên tường vì đọc được trong truyện "Nghìn lẻ một đêm" rằng, đó là cách để bảo vệ gia đình khỏi bọn cướp, Nobuyoshi Hirai chỉ ôn tồn nói với đứa trẻ "để chùi rửa những vết vẽ này, ông phải tốn rất nhiều tiền đấy".
Thông qua "Giáo dục không la mắng", lời khuyên của Nobuyoshi Hirai chính là mỗi khi trẻ làm sai, cha mẹ tuyệt đối không la mắng trẻ, chỉ cần ít nhiều dạy chúng cách sửa chữa lỗi lầm là được. Chứ nếu cứ giải quyết bằng cách la rầy và lập tức lao vào dọn dẹp, thì chắc chắn trẻ sẽ chẳng học được gì trong giai đoạn "vàng" ấy, ngoài sự e ngại, sợ phạm lỗi và sợ thất bại.
Tuy nhiên, phải chắc chắn rằng mọi sự khám phá của trẻ đều nằm trong tầm ngắm. Cha mẹ tuyệt đối không được bỏ mặt trẻ tự lớn lên mà không có những định hướng về nhân cách cho trẻ. Nếu không, trẻ sẽ không thể tự mình phân định được đúng - sai, dần dà sẽ hình thành nên những thói quen xấu, hằn sâu trong tiềm thức của trẻ cho đến khi trưởng thành.
Nguồn First News
Những cuốn sách “Giáo Dục - Gia Đình ” cung cấp nhiều kiến thức có giá trị đáp ứng nhu cầu giáo dục của xã hội và chăm sóc gia đình. Xem tại đây