Tất cả danh mục

"Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất - Tiếng Gọi Từ Phương Đông": Cuộc viễn chinh tới thiên đàng và địa ngục

Trong tác phẩm sử học đồ sộ có tựa đề "Những con đường tơ lụa - Một lịch sử mới về thế giới" (The silk roads - A new history of the world, bản tiếng Việt do Trần Trọng Hải Minh dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2019), sử gia Peter Frankopan đã dành hẳn chương “Con đường lên thiên đàng” (tr.247- 283) để khảo lại cuộc Thập tự chinh thứ nhất vào cuối thế kỷ 11. Đây được xem là một chương quan trọng và đầy ấn tượng trong cuốn sách nêu trên, bởi nó được rút gọn, cô đọng từ công trình nghiên cứu cao học công phu và hấp dẫn của Peter Frankopan: "Cuộc Thập tự chinh thứ nhất - Tiếng gọi từ phương Đông".

Sách "Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất - Tiếng Gọi Từ Phương Đông" của tác giả Peter Frankopan

"Cuộc Thập tự chinh thứ nhất" (tựa gốc: The First Crusade - The Call from the East), cũng do Trần Trọng Hải Minh dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng ấn hành, 2021) tạo ra sức hấp dẫn riêng trong dòng sách sử học hiện thời, không chỉ với những ai đã đọc qua "Những con đường tơ lụa", mà còn vì tác phẩm này giúp giải mã phần nào những căn nguyên sâu xa của cuộc khủng hoảng Israel - Palestine ngày nay.

Nghĩa vụ thần thánh, chiến tranh thế tục!

Thập tự chinh thứ nhất là một cuộc đại chiến dẫn đến nhiều chuyển biến trong cục diện lịch sử giao thương trên con đường tơ lụa Đông-Tây lẫn lịch sử Giáo hội Thiên chúa giáo, lịch sử Hồi giáo, lịch sử châu Âu trung cổ và là một hình mẫu Thánh chiến trong quá khứ, nên tàng thư, những công trình nghiên cứu về nó cực kỳ đồ sộ. Vậy thì đóng góp của Peter Frankopan trong cuốn sách này là gì?

Trước hết, đặt tác phẩm này cạnh "Những con đường tơ lụa", độc giả sẽ dễ dàng nhận ra Peter Frankopan nhất quán với góc tiếp cận và quan điểm của mình, rằng quá trình toàn cầu hóa trên thế giới trong quá khứ đến từ phương Đông; phương Đông đã từng định hình thế giới. Điều này đi ngược lại với các quan điểm phổ biến về Đông phương luận - nhìn và diễn giải phương Đông từ phương Tây và thuyết châu Âu trung tâm đã cũ kỹ, hay gần hơn là thuyết toàn cầu hóa hiện đại coi phương Tây nắm quyền năng dẫn đạo.

Lịch sử cuộc Thập tự chinh thứ nhất bắt đầu từ bài phát biểu gây sốc của Giáo hoàng Urban II vào ngày 27-11-1095 tại trị trấn Clermont, miền Trung nước Pháp, gửi thông điệp hiệu triệu người Kitô giáo châu Âu tham gia vào cuộc viễn chinh đến Thành Thánh Jerusalem để giải phóng những người đồng đạo khỏi tai họa gây ra bởi người Thổ Hồi giáo. Cuộc thánh chiến mà theo Urban II là nhằm vào “giống dân ngoại lai và giống dân bị Chúa chối từ đã xâm chiếm những đất đai thuộc về Kitô hữu, hủy diệt Kitô hữu và cướp bóc dân chúng ở đó” đã thôi thúc 70.000 đến 80.000 hiệp sĩ từ Anh, Pháp, Ý, Đức lên đường xẻ dọc châu Âu để thực thi một thứ nghĩa vụ tâm linh.


Sách "Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất - Tiếng Gọi Từ Phương Đông" của tác giả Peter Frankopan

Đã có những lời hứa hẹn lôi kéo rằng chỉ cần đứng vào hàng ngũ đạo quân Thiên chúa giáo thì họ sẽ được đại xá và khi chết sẽ được lên thiên đàng. Hăm hở khí thế lên đường với nghĩa vụ được phủ lên màu sắc thiêng liêng, hơn một phần ba số binh sĩ đã kiệt sức, bệnh tật và gục ngã trước khi thấy Jerusalem. Hàng ngàn người đã bị dẫn vào một cuộc chiến không thủ lãnh, chết trong các cuộc công thành thất bại hay bị vây hãm đầy kịch tính.

Tiến trình của cuộc Thập tự chinh thứ nhất được Peter Frankopan tái hiện một cách sống động và đầy ám ảnh đặc biệt là các chương viết về việc đạo quân từ phương Tây tiến chiếm thành phố trọng yếu Antioch và những đô thị Tiểu Á trước khi kéo đến phá thành, giết chóc đẫm máu và chiếm giữ Jerusalem.

Cuộc chiến đẫm máu ấy, hẳn đã được nhiều sử gia phương Tây khai thác, tô đậm và có thể tạo ra mức độ ám ảnh về sự tàn khốc cao hơn. Nhưng đây mới là phát hiện mới của Peter Frankopan trong việc giải mã một lớp lang của lịch sử: sử gia đặt câu hỏi cuộc chiến ấy đến từ đâu, có nên “cắt khúc” ở lời hiệu triệu của Giáo hoàng Urban II?

Từ những hiểu biết về địa chính trị trên bản đồ phương Đông cổ, Peter Frankopan nhắc lại một cách có hệ thống về sự thành lập đế quốc Byzantium như một La Mã phương Đông, sự hình thành Constantinople vào thế kỷ thứ 4 và những mâu thuẫn nảy sinh giữa quyền lực Kitô giáo với Hồi giáo. Tam giác quyền lực phương Tây - Byzantium - thế giới Hồi giáo được hình thành và tạo nên những cuộc xung đột triền miên hàng thế kỷ. Ông cũng cho thấy sự “trục trặc” trong bản thân Giáo hội Hy Lạp với Constantinople trong thời gian ly giáo và sau đó là những nỗ lực thiết lập lại liên minh Kitô giáo Đông-Tây dưới thời Alexios I Komnenos - vị hoàng đế sùng đạo và chuyên quyền của Byzantium.

Cội rễ từ Phương Đông

Thập niên 1090, sự khủng hoảng chính trị về đối nội lẫn đối ngoại của Alexios I Komnenos đã dẫn đến sự bất ổn bên trong đế chế Byzantium, kéo theo việc các thành phố phía Đông đế quốc này, cả Jerusalem, rơi vào tay người Thổ Hồi giáo.

Mấu chốt của cuộc Thập tự chinh thứ nhất chính là thông điệp mà phái bộ của Alexios I Komnenos đã gửi cho Urban II: “khẩn Ngài và tất cả Kitô hữu trợ giúp chống lại bọn ngoại đạo để bảo vệ hội thánh thiêng liêng”. Nhưng trên thực tế, “những chiến binh thập tự cao quý” đã phát động một thứ chủ nghĩa bài Do Thái khắp châu Âu, càn quét qua vùng Tiểu Á, một tinh thần thánh chiến cực đoan, tạo ra những cảnh đẫm máu mà nhiều thường dân đồng đạo với họ cũng trở thành nạn nhân dưới lưỡi gươm mù quáng của bạo lực và cơn say giết chóc. Những cảnh xác người chất chồng, dịch bệnh lan tràn, máu người ngập đến mắt cá chân và chuyện các chiến binh ăn thịt người, những cuộc chiếm đoạt thánh tích... không chỉ được lưu truyền như những huyền thoại ma quái rùng rợn, mà là sự thật được các nhân chứng ghi lại.

Tác giả cuốn sách minh chứng rằng những chấn động về chính trị phương Đông đã kéo theo một sự kiện làm chấn động và định hình lại giá trị cũng như cục diện phương Tây, và xa hơn thế, như Peter Frankopan nhận định, “cuộc Thập tự chinh thứ nhất định nghĩa thời trung cổ”. Cội rễ của cuộc viễn chinh không phải từ phương Tây mà là ở phương Đông. Ông cũng giải thiêng nhiều điển mẫu hiệp sĩ tỏa sáng và thu hút quyền lực ở châu Âu trong và sau cuộc Thập tự chinh như Bohemond, Raymond, Godfray hay Robert..., giúp độc giả hình dung về những khoảng tối phía sau những bản anh hùng ca.

Là một sử gia hiện đại với phương pháp nghiên cứu tri thức liên ngành, Peter Frankopan thừa hưởng một kho tàng sử liệu và công trình đồ sộ (thể hiện trong danh sách tài liệu tham khảo dày đặc với hơn 2.000 cuốn sách). Để tái hiện sống động không khí viễn chinh, khắc họa sự tàn khốc của cuộc chiến hay làm nổi rõ tính cách của các yếu nhân trong chiến cuộc, ông nghiên cứu kỹ các tài liệu được người trong chính bối cảnh sự kiện đó ghi chép lại như: Alexiad, Gesta Francorum et aliorum Hierosolimitanorum, trường ca Chanson de Jerusalem... Điều này đã làm hợp nhất nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ hàn lâm thuyết phục với sự hấp dẫn của một siêu phẩm dành cho đại chúng, khiến độc giả tiếp cận một tác phẩm biên khảo lịch sử chuyên sâu nhưng như thể đọc một tiểu thuyết sử thi đầy kỳ vĩ và tráng lệ về một cuộc viễn chinh mà hệ lụy của nó còn để lại những chấn động dai dẳng cho đến tận hôm nay.


Tác giả Peter Frankopan

Tác giả Peter Frankopan sinh năm 1971 tại Anh. Ông hiện là giáo sư Lịch sử Toàn cầu tại Đại học Oxford, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Đại học Worcester, Oxford. Peter Frankopan được độc giả Việt Nam biết đến qua tác phẩm nổi tiếng Những con đường tơ lụa. Cuộc thập tự chinh thứ nhất là chủ đề nghiên cứu cao học của Peter Frankopan, và là tiền đề vững chắc để Peter Frankopan xây dựng nên cuốn sách Những con đường tơ lụa.

Nguồn phanbook

Những cuốn sách “Lịch Sử” mang đến lượng kiến thức to lớn cho người đọc góc nhìn phổ quát về những sự kiện, hiện tượng từng diễn ra trong quá khứ cho đến tác động của nó đến ngày nay. Xem tại đây

Cuộc Thập Tự Chinh Thứ Nhất - Tiếng Gọi Từ Phương Đông

  • Giá bìa: 285.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 228.000 ₫
Mua ngay