Tất cả danh mục

[Review Sách] - "Đại Dương Đen" của tác giả Đặng Hoàng Giang (Bài viết của Huệ Trần trong Nhã Nam Reading Club)

Lại tiếp tục là một cuộc hành trình đầy xúc cảm nữa từ TS Đặng Hoàng Giang, một câu chuyện đã khiến mình phải tốn rất nhiều thời gian để suy nghĩ, thấu cảm và từ đó có thể đồng hành với những con người, số phận trong cái mớ bòng bong mang tên “trầm cảm”.


Sách "Đại Dương Đen" của tác giả Đặng Hoàng Giang

Nếu như trong “Điểm đến của cuộc đời” ta được kể lại ba câu chuyện ngắn của những người cận tử, về cái chết, về nỗi đau của người ở lại, về cái lát cắt trong sự tiếp nối vĩnh cửu của thịnh vượng và suy tàn, của xây cất và sụp đổ, trong “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” là câu chuyện của những “đứa trẻ” chưa kịp lớn hoặc chưa thực sự lớn nhưng lại phải gồng gánh trách nhiệm gánh vác một gia đình. Bao trùm lên đó là nỗi đau của sự cô đơn, của sự trống rỗng nội tâm của những con người trưởng thành trong một gia đình không tình yêu và sự chia sẻ. Còn với “Đại dương đen” chúng ta sẽ cùng nhau rơi vào đại dương của nỗi buồn sâu thẳm nơi mà ánh sáng của niềm vui, hạnh phúc không thể soi tỏa.

Có rất nhiều khía cạnh được nói đến trong cuộc hành trình này, nhưng mình chỉ xin được nói về cảm nhận của bản thân về một vấn đề căn nguyên cốt lõi của hầu hết các câu chuyện trong cuốn sách, đó là “gia đình”

Như một sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên, các trường hợp được nhắc đến trong hai cuốn sách gần nhất của TS Đặng Hoàng Giang là Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ và Đại dương đen, mình đều nhận thấy dường như có 1 mẫu số chung cho tình trạng của các nhân vật đó là hoàn cảnh gia đình. Gia đình là tổ ấm đầy tình yêu thương nuôi dưỡng mỗi con người lớn lên và trưởng thành, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người, là nơi khơi nguồn mọi sáng tạo và thành công. Đây cũng là trường học đầu tiên, phát triển nhân cách con người. Nhưng nếu gia đình lại không phải là một thứ tốt đẹp như trong những định nghĩa, những tưởng tượng viển vông kia thì sao?

Có gì lạ đâu, khi mà hàng ngàn hàng vạn vị phụ huynh ngoài kia hằng ngày vẫn nhiếc móc những đứa trẻ mình sinh ra là đồ vô dụng, vẫn đánh đập chửi bới chúng vì đơn giản họ không thể trút giận vào nơi nào khác, có biết bao người vẫn bỏ mặc tâm tư cảm xúc con mình vì “nó cứ làm quá lên”, “trẻ con mà, biết cái gì đâu”… hay để chúng phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình. Thật đáng tiếc rất nhiều người bố người mẹ trong câu chuyện lại chính là những người đã bị tổn thương rồi lại đi tổn thương người khác, nỗi đau như căn bệnh di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chừng nào còn chuyện đó xảy ra thì vẫn còn những đứa trẻ loay hoay tìm kiếm và tìm cách khẳng định lại bản thân mình, vẫn còn những người rơi vào vòng xoáy cảm xúc mang tên trầm cảm như cách nó được ươm mầm bằng những câu nói hành động vô tình và rồi lớn lên đến không thể kiểm soát cùng với sự trưởng thành của họ.

Cô độc, sợ bị bỏ rơi và cảm thấy không có giá trị có lẽ là những nhận định bản thân lớn nhất của người mắc bệnh trầm cảm. Mình từng đọc đâu đó rằng cô độc là số mệnh mỗi con người, tình yêu và tình bạn không thể diệt trừ nhưng có thể an ủi nó, nhưng sự cô độc trong chúng ta sẽ lớn đến nhường nào, có trở thành con quái vật gặm nhấm đi linh hồn tâm can chúng ta giống như các nhân vật trong câu chuyện đang gặp phải hay không, khi mà còn quá nhiều người vẫn đang ngụp lặn trong cái hố sâu “gia đình” hằng ngày hằng giờ. Những câu nói vô tâm, xúc phạm cứa vào trái tim người khác của các bậc phụ huynh lại là mệnh đề khẳng định cho tâm trí của những đứa trẻ khi lớn lên, cả những trận đòn roi hay hàng ngàn vạn lý do không được gọi tên nữa sẽ ở đó như hạt giống loài cỏ dại, chỉ đợi 1 cơ hội để nảy mầm trong tâm hồn và rồi đưa con người đến với sự trầm cảm dù chúng ta có cố công nhổ bỏ, chữa trị như thế nào thì chỉ cần có cơ hội, cái cơn lũ cảm xúc tiêu cực ấy sẽ ập đến hoặc quay trở lại và rồi ăn mòn đi linh hồn người bệnh, hút cạn hạnh phúc của con người để họ rơi vào 1 vực sâu thăm thăm lạnh lẽo, tối tăm, khốn khổ và tuyệt vọng.

Cái chết và bầu không khí u ám là thứ ta dễ dàng nhận ra xuyên suốt phần 1 của câu chuyện, những nhân vật trong câu chuyện luôn có 1 suy nghĩ đeo bám trong đầu là làm thế nào để có thể được chết, uống thuốc ngủ, treo cổ, rạch tay, nhảy lầu… chẳng có phương thức nào mà họ không nghĩ đến, có người thì vẫn được gia đình ở bên, có người thì không, nhưng đối với họ điều đó có lẽ cũng chưa chắc đã quan trọng vì suy cho cùng không hẳn là họ muốn chết nhưng chắc chắn là không muốn sống nữa vì vậy có ai ở bên có quan trọng đến thế không. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì ở phía cuối con đường vẫn luôn có 1 tia sáng dẫn lối, dù le lói nhưng nó sẽ vẫn luôn ở đó chờ đợi các bệnh nhân trầm cảm vì dù “mình có hoàn thành được gì ngày hôm nay hay không, mình vẫn có giá trị, không ai có thể lấy nó ra khỏi mình” và mình tin rằng trầm cảm hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng tình yêu thương và sự quan tâm chân thành của chính chúng ta!

Bài viết của Huệ Trần trong Nhã Nam Reading Club

Những cuốn sách “Nghệ Thuật Sống - Tâm Lý” với những kinh nghiệm nghệ thuật sống tuyệt hay mang lại động lực mạnh mẽ sẽ làm bạn thay đổi cách sống, cách nghĩ… giúp cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Xem tại đây

Đại Dương Đen

  • Giá bìa: 240.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 192.000 ₫
Mua ngay