Tất cả danh mục

Nghệ thuật kiêng khem tin tức: Nhìn nhận lại những tác động tiêu cực của tin tức

Nghệ thuật kiêng khem tin tức đặt ra những thách thức cho ngành truyền thông, khiến người đọc phải nhìn nhận lại những tác động tiêu cực của tin tức mà họ phải chịu đựng...


Sách "Nghệ Thuật Kiêng Khem Tin Tức - Bí Kíp Sinh Tồn Thời Kỹ Thuật Số" của tác giả Rolf Dobelli

Đây là tác phẩm được phát triển từ một trong những bài viết được tìm đọc nhiều nhất năm của Rolf Dobelli trên tờ The Guardian. Cuốn sách đặt ra thách thức đối với con người trong thời đại công nghệ số.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu vào thập niên 1970, tin tức trở thành một phần không thể thiếu vào những khung giờ cố định trong ngày của Rolf Dobelli. Ông từng là người “tiêu thụ tin tức” vô độ và chắc chắn con người ngày nay cũng đang mắc kẹt vào bẫy truyền thông với radio, tivi, báo giấy và sự bùng nổ của Internet.

Độ phủ sóng dày đặc của tin tức khiến bao người nhầm tưởng nó là thứ thiết yếu cho cuộc sống. Nhưng sự thật có phải như thế? Đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như “Tin tức là gì?”, “Điều gì xảy ra trong não bộ khi đọc tin tức?”, “Tại sao chúng ta biết rất nhiều nhưng lại hiểu rất ít?”, Rolf Dobelli đã phát hiện và chỉ ra những mặt tối của ngành truyền thông bị tha hóa, khiến tin tức từ một phương tiện vô hại trở thành thứ vũ khí hủy diệt.

Phải mất rất lâu người ta mới nhận ra rằng, không có một tin tức nào quan trọng đến mức không có nó con người sẽ không thể sống nổi. Vậy nhưng ta phải trả cái giá rất đắt cho việc tiêu thụ tin tức. Đó là cơ thể căng thẳng, mệt mỏi, quỹ thời gian bị phung phí, khả năng tập trung ngày càng kém, tư duy bị thao túng, óc sáng tạo bị phá hủy...

Sống trong thế giới công nghệ số, con người cần tỉnh táo trước những cạm bẫy ảo. Có thể người đọc sẽ không thể ngay lập tức từ bỏ thói quen cập nhật tin tức, nhưng những lập luận sắc bén của Rolf Dobelli buộc người đọc nhìn nhận lại tầm ảnh hưởng tiêu cực của tin tức để tập trung cho những điều quan trọng khác như sức khỏe...

Rolf Dobelli đã đề xuất những biện pháp “miễn nhiễm” trước những thông tin độc hại, vạch ra lộ trình và thành công trong việc kiêng khem tin tức. Là một doanh nhân, tác giả và là người thành lập một cộng đồng gồm những nhà tư tưởng, nhà khoa học và nghệ sĩ lỗi lạc, chính ông là một ví dụ cho việc từ bỏ vòng xoáy điên cuồng của tin tức để suy nghĩ và hành động tỉnh táo, sống thanh thản và có ý nghĩa hơn.

Nghệ thuật kiêng khem tin tức phần nào lên án ngành truyền thông, những phóng viên đã xếp tôn chỉ báo chí và phát lộ thông tin dưới những toan tính lợi nhuận, đồng thời vạch ra những giải pháp cho ngành truyền thông để trở về với những giá trị cốt lõi.

Nguồn: doanhnhansaigon