Tất cả danh mục

"Tuyển Tập Akutagawa": Vẻ đẹp trinh trắng của nữ giới Nhật Bản qua cảm thụ Akutagawa

Trong Tuyển tập Akutagawa (Cung Điền, Nguyễn Nam Trân dịch) vừa được Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành, có nhiều truyện ngắn mà nơi ấy, vẻ đẹp của nữ giới Nhật được hiện lên vừa thực, vừa nhuốm màu huyền ảo của truyền thuyết, dã sử.


'Tuyển tập Akutagawa' (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn, 2021)

“Tiếng cởi thắt lưng sột soạt, tiếng thân người buông rơi xuống mặt chiếu”, bút pháp tả thực nhưng rất thanh của Akutagawa đang miêu tả hình ảnh nàng hầu Otomi trong căn nhà hoang sau những phút giây đấu tranh tư tưởng trước đòi hỏi dục tính của tên hành khất cao ngạo Shinko. Nàng sẵn sàng đánh đổi sự trinh trắng của mình, để bảo vệ con mèo Mikê của bà chủ.

Dẫu sau đó, Shinko không đi quá giới hạn, nhưng tiếng cởi thắt lưng, thanh âm cơ thể của Otomi, vẫn ám ảnh độc giả mãi. Trong những phút giây đấu tranh tư tưởng ấy, không chỉ còn là ý thức đánh đổi vì một con vật nhỏ, mà Otomi, dẫu có những ngập ngừng, vẫn ở chừng mực nào đó, cả sự tự nguyện của một cô gái trẻ muốn cởi bỏ rào cản, khám phá tính dục trước người khác phái. Hấp dẫn của truyện ngắn Trinh tiết của Akutagawa, phải chăng là sự định nghĩa lại chữ "trinh" trong xã hội Nhật Bản giữa buổi giao thời cũ mới.


Nhà văn Akutagawa Ryunosuke (1892 -1927)

Và trong nhiều truyện ngắn khác ở Tuyển tập Akutagawa, hình ảnh nữ giới Nhật hiện lên vừa thực, vừa nhuốm màu huyền ảo của truyền thuyết, dã sử. Xem Thân thể đàn bà, với sự hóa thân của họ Dương vào con rận, anh chàng mới ngạc nhiên nhận ra vẻ đẹp của vợ mình khi đang say ngủ trong trạng thái thoát y, một vẻ đẹp phồn thực mà bấy lâu nay, vì quá quen thuộc, Dương không nhận ra: “Dáng ngọn núi hình tròn, treo như một nhũ thạch từ chỗ cao vượt khỏi tầm mắt gã, buông xuống tận giường nơi gã đang đứng. Phần tiếp giáp với giường hình tròn giống như trái thạch lựu, đỏ hồng như có lửa ở trong. Chỉ trừ cái phần đó, toàn thể trái núi toàn một màu trắng, trông như miếng mỡ đông mềm và trơn láng. Một khoảng lớn của ngọn núi tắm trong một thứ ánh sáng màu hổ phách dịu làm thành một hình cung với một vẻ đẹp tuyệt diệu vươn lên về phía chân trời, trong khi bóng quả núi lấp lánh như tuyết đượm màu xanh nhạt dưới ánh trăng”. Đó cũng là sự nhận thức về cái đẹp cũng như giới hạn của nhận thức đó trong mắt chàng Dương.

Ở một chiều kích khác, hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn Akutagawa lại hiện lên không đơn thuần ở vẻ đẹp thuần nữ giới nữa. Truyện Tiên cô là nỗi lòng người mẹ ba ngàn sáu trăm tuổi vẫn không thôi quan tâm đến đứa con tiều phu đã già cả nhưng “chẳng bao giờ chịu nghe lời” của mình, đến nỗi “rồi hư hỏng tấm thân, để ngày tháng trôi qua”. Lồng trong chất kỳ ảo của truyện thần tiên liêu trai là chất thực rất đời, người mẹ nào mà chẳng quan tâm con mình, dẫu nó có lớn bao nhiêu, thì trong mắt mẹ, vẫn còn bé bỏng, non dại lắm.

Trong Chữ tín của Vĩ sinh, lấy chất liệu từ Sử ký của Tư Mã Thiên, dù bóng hình người con gái không hề xuất hiện trong truyện, nhưng nàng - người yêu của Vĩ sinh - là căn nguyên cho sự đợi chờ trong vô vọng của Vĩ sinh nơi chân cầu, để rồi vì giữ chữ tín đến cùng, Vĩ sinh phải bỏ mạng vì nước thủy triều. Với việc lặp lại liên tục câu “Thế nhưng người con gái vẫn chưa thấy tới” sau nhiều đoạn văn, cái tác nhân gây nên cái chết của Vĩ sinh, Akutagawa không chỉ nói đến người con gái ấy, mà còn ý nhắc về việc giữ chữ tín đến mù quáng của anh chàng, như lời Trang Tử mắng “Chết vì chữ tín kiểu đó là ngu”.

Nguồn thanhnien

Tuyển Tập Akutagawa

  • Giá bìa: 380.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 304.000 ₫
Mua ngay