Tất cả danh mục

Bản dịch quốc ngữ 'Sử ký' đầu tiên quay trở lại

"Sử ký" lần đầu tiên đến với độc giả Việt Nam năm 1944 qua lời dịch của Nhượng Tống. Ấn phẩm nổi tiếng này nay trở lại với diện mạo mới.

Bộ sách nổi tiếng Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên do Nhượng Tống dịch vừa trở lại với độc giả do Bách Việt books và NXB Văn học ấn hành. Ngoài phần nội dung chính văn, sách còn có nguyên bản Hán văn được in kèm và phần "Thay lời cuối sách" của người hiệu khảo Nguyễn Duy Long.


Cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên do Nhượng Tống dịch, do Bách Việt và NXB Văn học ấn hành với diện mạo mới. Ảnh: Đình Ba.

Năm 1944, Sử ký qua sự chuyển ngữ của Nhượng Tống, được in bởi NXB Tân Việt với đai sách in trang trọng "Một trong sáu bộ sách tài tử của Tàu - Một cuốn cổ sử giá trị nhất từ trước đến nay".

Dịch Sử ký, Nhượng Tống không chỉ trân trọng tác giả của nó, người bị cung hình vì vạ chữ nghĩa đã vượt nghịch cảnh mà để lại trước tác làm nên tên tuổi, ông còn đánh giá cao giá trị của tác phẩm.

Theo Nhượng Tống, Sử ký đáng đọc ở những giá trị riêng khác của nó. Đó là bộ sử không chỉ của một nhà, mà là sử dân tộc. Và qua nó "xét được các dấu vết biến thiên về văn hóa, về tư tưởng, về kinh tế, về chính trị ở thời cổ nước Tầu. Riêng về mặt văn chương, nó hàm có một vẻ đẹp mạnh mẽ và bao la".

Sự hấp dẫn ở bản dịch Sử ký của Nhượng Tống, nằm ngay ở chất giọng cổ phong của một dịch giả chuyên nghiệp đã kinh qua những dịch phẩm trước đó như Bả phồn hoa, Ngọc lê hồn, Chị cùng em (đều xuất bản 1928), Nam Hoa kinh (1944)... Dù dùng lối văn khẩu ngữ cho dịch phẩm, nhưng Sử ký qua lời dịch của Nhượng Tống, vẫn đậm chất văn chương.


Cuốn Sử ký do Nhượng Tống dịch, xuất bản lần đầu năm 1944. Ảnh: Gallica.

Qua bản Sử ký với lời dịch Nhượng Tống, những nhân vật, sự kiện lịch sử đã qua của Trung Quốc cổ đại được hiển hiện sinh động. Ở đó, những tay anh hùng chọc trời khuấy nước như Hạng Võ, Lưu Bang... được khắc họa không chỉ ở hành động, mà tính cách, hành xử rất đời, rất người thể hiện rõ cá tính riêng của kẻ mộng bá vương.

Lại cũng ở Sử ký, hành động đột khởi tuốt gươm giữa sân nước Sở khiến vua Sở nể phục mà liên kết cùng Triệu chống Tần khiến độc giả hiểu hơn về thành ngữ "mũi dùi Mao Toại"; hay xúc động phút giây bi tráng cảnh Cao Tiệm Ly gảy đàn, Kinh Kha cất giọng với lời hát từ biệt "Gió hiu hắt chừ, sông lạnh ghê!/ Tráng sĩ một đi chừ, chẳng lại về!" bên dòng sông Dịch Thủy...

Nói về giá trị của bộ sách, nhà phê bình văn học đời Thanh là Kim Thánh Thán ghi nhận: "Kể văn chương xưa nay, chỉ có sáu người viết đáng gọi là tài tử: Một là Trang Chu, viết Nam Hoa Kinh; hai là Khuất Nguyên, viết Ly Tao; ba là Tư Mã Thiên, viết Sử Ký...".

Sử ký đến với độc giả Việt Nam, công đầu thuộc về của Nhượng Tống qua sự chuyển ngữ uyển chuyển của ông, người mà ở lĩnh vực viết lách, ông để lại nhiều tác phẩm giá trị như tiểu thuyết Cô hàng hoa (1934), Lan Hữu (1940), hồi ký Đời trong ngục (1935)...

Riêng với tác phẩm dịch, những tinh hoa tri thức của Trung Quốc là mối quan tâm lớn của Nhượng Tống và nhiều tác phẩm đã được ông chuyển ngữ như Mái Tây, Sử ký, Nam Hoa kinh...

Đến nay, dù đã có nhiều bản dịch khác nhau của Phan Ngọc, Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê... bản dịch Sử ký của Nhượng Tống được xem là bản dịch quốc ngữ có hệ thống đầu tiên ở Việt Nam.

Nguồn zing

Sử Ký - Bản Dịch Quốc Ngữ Đầu Tiên Năm Giáp Thân (1944)

  • Giá bìa: 165.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 132.000 ₫
Mua ngay