Tất cả danh mục

“Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì”: Hà Giang qua những trang sách “Chuyện tình của núi”

Tập bút kí “Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì” của Hoài Sa đưa người đọc đến những nét văn hóa còn chưa được biết đến và hiểu rõ của vùng đất Hoàng Su Phì với hơn 10 dân tộc anh em.

Cuốn sách “Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì”, viết về huyện Hoàng Su Phì, phía tây tỉnh Hà Giang, do NXB Kim Đồng ấn hành mới đây. Đây là tác phẩm hiếm hoi về đề tài miền núi phía Bắc xuất hiện trong thời gian qua.

Nằm cách xa cao nguyên đá Đồng Văn, Hoàng Su Phì thuộc miền núi Hà Giang, gần với cao nguyên Bắc Hà. Nổi danh là vùng có ruộng bậc thang rộng lớn và tươi đẹp, nơi này cũng mang nhiều đặc sắc văn hóa, phong tục của hơn 10 dân tộc, nhất là người Nùng, người Dao, người Tày, người H’Mông, người La Chí, người Cờ Lao,…


Sách Chuyên Tình Của Núi - Ngang Dọc Hoàng Su Phì. Tác giả: Hoài Sa

Ruộng bậc thang cũng khởi đầu cho “Chuyện tình của núi”. Tác giả mô tả cách cha ông lập nên các bậc trên núi, cách dẫn nước, mùa thu hoạch và cả đặc sản cá chép ruộng của người địa phương. Sách điểm lại những vùng ruộng dốc cao, rộng bát ngát thu hút giới nhiếp ảnh mỗi độ mùa vàng. Ruộng bậc thang ở nơi này đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia vào năm 2012. Với cây lúa là trung tâm, là “hữu linh” trong đời sống các dân tộc, lễ cúng Cơm mới của người Nùng, những chiếc bánh giày ngày Tết của người Dao cũng hiện lên sống động.

Đặc sắc văn hóa trong “Chuyện tình của núi” nằm ở những chương viết về nghề truyền thống và những lễ lạt tâm linh. Đó là nghề làm trang sức bạc của người Nùng vốn có lịch sử hàng trăm năm mà chưa hề mai một. Đó còn là nghề trồng chè shan tuyết nức danh trong giới trà Việt Nam. Nhưng đó cũng là sự xót xa dành cho nghề dạy chữ Nôm Dao khi lớp trẻ không còn học thứ chữ ấy nữa. Ngoài ra, lễ Cấp sắc, tức lễ thành đinh cho thanh niên người Dao được mô tả chi tiết từng giai đoạn, cho thấy đời sống tinh thần của người Dao phong phú như thế nào. Lễ Nhảy lửa của người Dao Đỏ có phần rùng rợn cũng đi vào trang sách đầy tự nhiên, như một nét đẹp với du khách vùng xa.

Với lối viết trẻ trung, “Chuyện tình của núi” chứa đựng hai hành trình của tác giả tới hai ngọn núi cao nhất Đông Bắc: Chiêu Lâu Thi và Tây Côn Lĩnh. Chiêu Lầu Thi, còn có tên khác là Chín tầng đá tuy được coi là chốn săn mây tuyệt nhất của Hà Giang, lại thách thức tác giả với những trận mưa bão và mây mù. Còn Tây Côn Lĩnh, nóc nhà Đông Bắc, là một vùng núi nguyên sinh với rừng cổ thụ mát lạnh và những con dốc dài qua miền thảo quả. Tại đây, Hoài Sa mô tả chuyến đi lạc trong rừng già và niềm vui khi thoát khỏi đó trong màn đêm.

Chảo Yến, cô gái người Dao truyền cảm hứng trong tác phẩm “Đường ngược chiều”, viết lời giới thiệu cho “Chuyện tình của núi” rằng “nếu ví cuốn sách là một bàn yến tiệc thì món ăn ở đây không chỉ là “cơm vàng” (ruộng bậc thang) – thứ rất đỗi quen thuộc khi nhắc về Hoàng Su Phì, mà trên bàn yến tiệc đó còn đậm hương vị của núi rừng… Câu chuyện là ‘kính thực tế ảo’ cho những người chưa thể đến Hoàng Su Phì”.

Sách “Chuyện tình của núi – Ngang dọc Hoàng Su Phì” là các ghi chép sau nhiều chuyến đi tìm hiểu tới Hoàng Su Phì trong vòng hơn 2 năm của Hoài Sa. Tác giả sống, trải nghiệm và tiếp xúc với nhiều người, hộ gia đình các dân tộc thiểu số địa phương, trong đó có những thầy cúng, nghệ nhân, nghệ sĩ, và cả những người nông dân làm du lịch cộng đồng. Sự cảm phục con người và cảnh vật trong sách cũng xen kẽ với nhiều băn khoăn về văn hóa bị mai một bởi phát triển, hay tương lai về du lịch đại trà thiếu bền vững. Với đường xá cách trở, Hoàng Su Phì chưa phải nơi được nhiều người dân Việt Nam biết tới, ngoài giới phượt và nhiếp ảnh gia. Cuốn sách vì thế ra đời với mong muốn để Hoàng Su Phì xứng đáng được nhìn nhận và hiểu rõ hơn.

Nguồn vov

Chuyên Tình Của Núi - Ngang Dọc Hoàng Su Phì

  • Giá bìa: 60.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 54.000 ₫
Mua ngay