Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một số nhà tư tưởng chủ trương cải cách trong nước, khẳng định bản sắc văn hóa - chính trị của dân tộc, học tập phương Tây để tiến tới tự cường.
Bối cảnh nghiên cứu là khu vực Đông Á trước hiểm họa Tây xâm vào nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, giai đoạn mà nhà “tiên giác” Cao Bá Quát gọi là “từ độ tàu Tây hơn ngựa Hán, sóng cuồng muôn dặm tính sao đây?”
Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX phân tích về ý thức chủ quyền và lợi ích quốc gia của bốn bộ óc tinh hoa:
Lý Hồng Chương (Trung Quốc), vua Mongkut (Thái Lan), Nguyễn Trường Tộ (Việt Nam) và Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản), cũng là nghiên cứu những vận động và chuyển biến trong tư tưởng của họ. Lý Hồng Chương là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào Dương vụ (1861-1894) với chủ thuyết “Học người phương Tây để chống lại người phương Tây” hay “Đối ngoại phải hòa hoãn với các thế lực phương Tây, đối nội phải thực hiện biện pháp”.
Một số quan điểm chủ đạo của ông là học cách ứng đối, hòa hoãn với phương Tây, học tập mô hình giáo dục phương Tây, thuê chuyên gia nước ngoài về truyền bá khoa học… để tranh thủ không gian và thời gian cho công cuộc canh tân đất nước. Tuy nhiên, ông cũng chịu sự chi phối của bối cảnh chính trị phức tạp trong xã hội Trung Quốc, và chấp nhận sự tổn hại không nhỏ đến chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Ở Siam, nhìn thấy thất bại của Trung Quốc trong chiến tranh nha phiến (1840-1842), nhìn thấy được sức mạnh kỹ thuật quân sự vượt trội của những cường quốc, vua Mongkut của Thái Lan, một trí thức Phật giáo, đứng trước lựa chọn quyết sách cho dân tộc mình, đó là theo đuổi chính sách đối ngoại mềm dẻo và linh hoạt với đế quốc phương Tây đồng thời tiếp nhận văn minh phương Tây để dần canh tân đất nước.
Fukuzawa Yukichi là nhà cải cách có ảnh hưởng ở Nhật Bản giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Tiếp thu khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục và tư tưởng phương Tây để vươn lên sánh vai và vượt phương Tây là tư tưởng chủ đạo của Yukichi thời Minh Trị.
Ngoài ra, với chủ trương thực học, quan tâm đến lợi ích kinh tế cùng những đề xuất cải cách toàn diện đất nước của ông đã góp phần quan trọng trong công cuộc canh tân và hiện đại hóa nước Nhật.
Ở Việt Nam, trước áp lực bành trướng của thực dân Pháp, Nguyễn Trường Tộ nhìn thấy hiểm họa mất nước hiển hiện và mạnh dạn đưa ra các đánh giá dựa trên một loạt phân tích về tình hình thế giới cũng như xu hướng bành trướng ngày càng gia tăng của liệt cường. Tư tưởng canh tân của ông được thể hiện rõ nét qua các di thảo và các bản điều trần mà ông đề xuất lên triều đình Huế.
Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của Nguyễn Trường Tộ được thể hiện “qua các biện pháp canh tân đất nước toàn diện, qua biện pháp mở rộng ngoại giao. […] ông đặc biệt đề cao việc học hỏi và tiếp nhận văn minh phương Tây để hiện đại hóa đất nước, nâng cao tiềm lực dân tộc nhằm giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia".
Trong trật tự Đông Á truyền thống, Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc là các quốc gia đồng văn đồng chủng. Đứng trước nguy cơ tồn vong của dân tộc vào giữa thế kỷ XIX, mỗi quốc gia có những nhân vật, những lựa chọn khác nhau.
Sách làm rõ các vấn đề kết cấu kinh tế, thiết chế chính trị, địa chính trị, xã hội, phương thức ngoại giao, văn hóa và tôn giáo của khu vực, qua đó tạo cơ sở cho những phân tích về sự hình thành ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia trong giới tinh hoa bấy giờ.
Tác giả còn mở rộng ra bằng cách đối sánh những chuyển biến và vận động trong tư tưởng và ý thức của bốn nhà cải cách nêu trên với các nhân vật quan trọng cùng thời cũng như của thế hệ tiếp ngay sau đó: Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn (Trung Quốc); Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Phạm Phú Thứ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (Việt Nam); Chulalongkorn (Thái Lan)...
Có thể thấy điểm chung giữa các nhà cải cách trên là tiến hành cải cách trong nước, khẳng định bản sắc văn hóa - chính trị của dân tộc, học tập phương Tây để tiến tới sự tự cường.
Với họ, một phương pháp đấu tranh mới và phù hợp với xu thế là con đường tốt nhất, và đã được chứng minh là đúng, xét trong tương quan lực lượng lúc bấy giờ. Không có nhà nước độc lập thì sẽ không có chủ quyền thực sự.
Ý thức về chủ quyền và lợi ích quốc gia của một số nhà cải cách ở khu vực Đông Á nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là cuốn sách có ý tưởng và giá trị khoa học, phương pháp nghiên cứu hiện đại và liên ngành, nguồn tài liệu tham khảo phong phú. Trong bối cảnh thưa thớt những nghiên cứu mới của các tác giả Việt, cuốn sách vì thế là một đóng góp cho học thuật nói chung và làng sách nói riêng
Nguồn zing