Cuốn sách Những con đường tơ lụa của Peter Frankopan (Trần Trọng Hải Minh dịch) có nhắc đến những trận đại dịch trong lịch sử khiến nhân loại chao đảo, tuyệt vọng.
Những con đường tơ lụa, một mặt mô tả tiến trình toàn cầu hóa trong quá khứ với mảng sáng là những cuộc du hành văn hóa, những mở mang kinh tế làm lan tỏa sự phồn thịnh và giàu có tri thức nhân loại, nhưng mặt khác là một mạng lưới phủ đầy bóng đen tranh chấp, bạo lực, tai ương và nhất là dịch bệnh.
Cuốn sách Những con đường tơ lụa của Peter Frankopan (Trần Trọng Hải Minh dịch) có nhắc đến những trận đại dịch trong lịch sử khiến nhân loại chao đảo, tuyệt vọng.
Hoảng loạn
Một thế kỷ trước sự lan tỏa của đạo Hồi, vùng Địa Trung Hải hoảng loạn vì một trận dịch hạch mà "quy mô của chết chóc gần như không tưởng tượng được". 10.000 người chết mỗi ngày ở Constantinople vào những năm giữa thập niên 540, khiến triều đại Justinian đang thịnh vượng bỗng chốc rơi vào lung lay.
Và dịch bệnh tràn từ những thành phố tang thương của La Mã sang phương Đông theo mạng lưới thông tin liên lạc, thương mại, hủy hoại các thành phố Lưỡng Hà thuộc Ba Tư và lan sang cả Trung Quốc.
Trận đại dịch dẫn đến suy thoái kinh tế và cấu trúc xã hội, chính trị toàn cầu. Một quang cảnh rùng rợn được cuốn sách này mô tả:
"Những cánh đồng vắng bóng người nông dân, những thị trấn không còn khách mua bán và một thế hệ bị tiêu diệt ngay từ khi còn trẻ, những điều thật tự nhiên làm thay đổi nhân khẩu học giai đoạn cuối thời cổ đại, và gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế".
"Cái chết Đen"
Một trận dịch bệnh khác quy mô và kinh hoàng hơn. Vào thế kỷ 12-13, sức mạnh chính trị của người Mông Cổ áp đặt khắp châu Á, theo đó, các tuyến thương mại đường biển được cải thiện, Thái Bình Dương trở thành khu vực thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, những vó ngựa Mông Cổ đã không đem lại sự thay đổi lớn về văn hóa, chính trị, kinh tế châu Âu. Cái họ làm khuynh đảo nhất cho phương Tây là truyền đến một đám mây chết chóc bởi dịch bệnh. "Họ đã làm lây lan một trận dịch hạch bùng phát khắp châu Á, châu Âu và châu Phi, đe dọa cướp đi mạng sống của hàng triệu người", Peter Frankopan viết.
Đại dịch những năm 1340 rời vùng thảo nguyên thuộc Hãn quốc, quét qua châu Âu, Iran, Trung Đông, Ai Cập và bán đảo Arabia. Có một chi tiết đầy man rợ khiến người đọc phải rùng mình, đó là ngay từ thời đó, người Mông Cổ đã biết dùng đến "chiến tranh sinh học".
Sách ghi lại chuyện một đạo quân Mông Cổ vây hãm thương điếm Caffa của Genoa (Ý), bị từ chối tiếp nhận, nhưng trước khi rút lui họ đã dùng máy bắn đá bắn các xác chết vào trong thành phố với hi vọng gieo rắc mùi hôi thối và bệnh tật. Và quả thật, căn bệnh chết chóc đã ở lại thành phố đó, tiêu diệt hàng ngàn người.
Dịch hạch cũng theo chân các thương nhân mà lan nhanh đến những thành phố khác ở Ý, Anh, Pháp vào cuối thập niên 1340. Hơn 3/4 dân số Venice đã chết trong đại dịch.
Hơn 100.000 người thiệt mạng riêng ở thành Florence. Boccaccio - nhà thơ, học giả chủ nghĩa nhân văn Ý thoát chết trong đợt dịch bệnh đã thảng thốt nói rằng, mọi trí tuệ và tài ba của con người bất lực trong việc ngăn chặn bệnh dịch!
Châu Âu giảm ít nhất 1/3 dân số trong trận đại dịch trên. Những tuyến đường thương mại kết nối châu Âu với phần còn lại của thế giới giờ trở thành những đường cao tốc tử thần, lan truyền "cái chết Đen". Các hải cảng từ Á sang Âu tê liệt và ngập mùi tử thi.
Một trận bệnh dịch khác được nhắc đến trong cuốn sách này, xuất phát từ châu Âu trong cuộc khai thác Tân thế giới. Những nhà thám hiểm, khai thác thuộc địa đã mang đến.
Tenochtitlan, Guatemala loại dịch đậu mùa, bệnh cúm vào năm 1520, khiến dân số bản địa vùng này giảm mạnh.
Những điều lặp lại đến kinh ngạc
Trong Những con đường tơ lụa, các chương viết về nguy cơ của chiến tranh sinh học hiện đại với vũ khí hủy diệt hàng loạt không được đi sâu và tạo nhiều cảm giác sợ hãi như khi đề cập đến các dịch bệnh trong quá khứ. Điều này dễ hiểu, khi tác giả nhất quán với một góc tiếp cận phương Đông trong quá khứ làm tham chiếu và khai triển.
Như tác giả có giải thích, khái niệm "những con đường tơ lụa" xuất hiện đầu tiên trong tiếng Đức ("Seidenstraßen") do nhà địa chất học Ferdinand von Richthofen đặt ra vào thế kỷ 19, để chỉ một mạng lưới kết nối rộng khắp theo mọi hướng; những con đường mà khách hành hương, dân du mục, thương gia và chiến binh đã đi qua.
Những con đường này có vai trò là hệ thần kinh trung ương của thế giới. Thông qua đó, các quốc gia, tộc người có sự liên đới, hàng hóa sản phẩm được mua bán, các giá trị tổ chức xã hội và hiểu biết được truyền bá.
Ngay cả trong một thế giới được "định nghĩa lại bởi phương Tây" thì cuốn sách đồ sộ này cũng chứng minh rằng những con đường toàn cầu hóa hôm nay vẫn còn hằn những vết dấu của hôm qua, có những điều lặp đi lặp lại đến kinh ngạc. Các chuyển biến của thế giới hôm nay đều có thể được soi tỏ hơn khi ta đã đọc qua cuốn sách này.
Nguồn Tuoitre