Giới thiệu sách
Mộng Phù Kiều
"Mộng phù kiều" lấy bối cảnh ở Shimogamo những năm 1980. Bản thân Tanizaki đã sống cạnh đền Shimogamo từ năm 1949 đến năm 1956 - nơi ở của ông được gọi là Sekisontei và ông đã mượn nó làm ngôi nhà và khu vườn cho tác phẩm "Mộng phù kiều". Trong câu chuyện xuất bản năm 1959 này, hai nỗi ám ảnh lớn của Tanizaki được kết hợp hoàn hảo: đi tìm một Nhật Bản truyền thống đã mất và đi tìm một người mẹ đã mất.
Câu chuyện được đặt trong khuôn viên khép kín của một ngôi nhà và khu vườn truyền thống, ở đó có ba người chung sống: một người chồng, một người vợ tên Chinu và đứa con trai nhỏ Tadasu (được đặt tên theo khu rừng của Đền thờ Shimogamo). Đó là một thế giới biệt lập nhưng hoàn hảo, chứa đầy những chỉ dấu văn học và lịch sử mà câu chuyện tập trung khai thác - các hoạt động hàng ngày nằm ngoài khu đất này thường không được đề cập đến. Khu vườn nằm sâu trong lùm cây và cách xa thế giới bụi bặm. Muốn tới đó người ta phải băng qua một cây cầu đá hẹp.
Khi Tadasu mới 5 tuổi thì mẹ qua đời, cha tái hôn và người mẹ kế đóng giả người đã khuất. Cô ấy phải mang cùng tên Chinu, mặc cùng một loại quần áo và cho phép Tadasu ngủ chung như cậu đã làm với mẹ của mình. Cô cũng chơi đàn koto và thực hành thư pháp, giống như người mẹ ruột của Tadasu. Và thế là cuộc sống bình dị trong khu vườn địa đàng khép kín vẫn tiếp tục người mẹ kế hoá thân thành mẹ ruột…
Thời gian trôi qua, Tadasu biết rằng mẹ kế của anh đang mang thai. Nhưng em bé sớm bị cha mình gửi cho những người nông dân nuôi dưỡng. Rồi điều kỳ lạ xảy đến, người mẹ kế đã cho Takeshi hút sữa từ bầu ngực căng tràn của mình. Giờ đây khi đã trưởng thành, Tadasu một lần nữa bước vào thế giới màu trắng sữa của tuổi thơ, nhưng lại là một thế giới pha trộn yếu tố khiêu dâm rõ ràng…
Nhận xét
"Mộng phù kiều - cầu mộng là hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp phù ảo của cuộc đời, theo Genji là “một chiếc cầu bắc giữa giấc mộng này và giấc mộng khác”. Tanizaki không bận tâm đến cái nhìn nhị nguyên về tình dục như phương Tây (hoặc coi nó như một “nguyên tội”, hoặc đề cao nó như một “tự do”) mà viết về sắc dục trong tính chất “nhất thể” của nó, một nhất thể của đời sống hòa lẫn hoan lạc với khổ đau." - Nhật Chiêu
Thông tin tác giả Tanizaki Junichiro
Là một thiên tài văn chương với một văn nghiệp đồ sộ. Ông là người kể chuyện có duyên nhất trong những cây viết tiền chiến, nội dung của các tác phẩm của ông phần nhiều khai thác cảnh sống hoan lạc, đồi phế của xã hội cũ đang suy tàn và miền sâu phong kín của địa ngục nội tâm con người muôn thuở. Văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bẩy, diễm tình, vừa đồi phế bệnh hoạn nhưng không kém phần tinh tế.
Không thể phủ nhận Tanizaki Junichiro là một trong những nhà văn Nhật Bản hiện đại lớn nhất của thế kỷ 20. Trong Thế chiến thứ hai, sách của Tanizaki bị kiểm duyệt vì bị cho rằng gây ra những tổn hại cho “đạo đức đám đông” và bị cấm xuất bản.
Tác phẩm của ông đi sâu vào lĩnh vực cấm kỵ. Từ sự khiêu dâm tinh tế đến tình dục bệnh hoạn đều được ông đưa cả vào sách của mình. Ông lãng mạn hóa sự khổ dâm, thi vị hóa sự dày vò tình cảm, ông viết chân thực về những xúc cảm dục vọng thầm kín của đàn ông, ông phanh trần ẩn ức dục vọng đàn bà. Người đọc có thể phì cười vì nỗi ám ảnh khiêu dâm trong sách của ông, nhưng cũng rất dễ dàng nhận thấy đó là sự hân hoan háo hức đòi hỏi cũng rất là con người. Ông đưa tình dục của con người ta đi về một bến bờ nào đó xa lắc xa lơ.
Sách Mộng Phù Kiều của tác giả Tanizaki Junichiro, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark