Giới thiệu sách
Mình Gọi Nhau Là Cưng
Mình gọi nhau là cưng là tập truyện ngắn mới nhất của tác giả trẻ Trúc Thiên gồm 15 truyện ngắn như: Ngày gió biết cười; Hạt thương nảy mầm; Duyên lãnh; Bữa trà cuối năm; Dưới vòm hoa trẩu trắng; Chuyện Lan Quyên; Cuối mùa điên điển; Người biết thương người; Đàn ông, đàn bà, trà và cà phê; Thềm nắng hoa vàng; Ngày đất xanh lành; Thất tình, hãy đến yêu tôi; Mình thương nhau đi!
Tập truyện ngắn viết về chủ đề tình yêu. Là những cung bậc yêu thương, có hạnh phúc ngọt ngào, có chia phôi chát đắng, có bình yên lẫn giông bão. Là những ngày gió biết cười, tình lại chung đôi. Là những mùa đằng đẳng chênh chao. Là nắm trong lỡ làng và buông xót xa. Là tuổi trẻ bôn ba kiếm tìm tình yêu đã vuột mất. Hay khoảng đời xế bóng heo may, gá nghĩa cùng nhau mà gọi nhau bằng hai tiếng “cưng ơi ”.
Dù là gì hay như thế nào, sau tất cả, tình yêu, vẫn luôn tồn tại trên khắp cõi nhân gian này, dù ở bất cứ nơi nào, dù có đi đâu và về đâu, chẳng có khoảng cách vùng miền, địa vị, tuổi tác…
Giản đơn mà nghĩ suy, tình yêu tựa như loài cỏ dại, vẫn luôn sinh sôi qua bao bận mưa gió nắng nôi.
Các trích đoạn:
"Thấy mình cũng đâu nhất thiết phải có một ai đó đi chung đoạn đường đời này. Nhỡ may mình chẳng đem đến cho người ta hạnh phúc. Vậy là mình có lỗi quá chừng.
Chị dứt lời nhẹ tênh. Ngẩng lên nhìn đêm chi chít sao. Một đêm giữa tháng Mười hai, ngoài phố rộn ràng áo len áo ấm, xanh đỏ tím vàng, đèn mắc giăng ngang. Sắp Giáng Sinh rồi, mùa an lành với nhiều vọng ước cho gia đình, cho tình thân, cho những hoài bão của thanh xuân đời người.
Lãng nhìn người con gái cạnh mình. Giữa những nghiệt ngã của cuộc đời, người con gái ấy vẫn nhẹ nhàng đón nhận, điềm nhiên bước qua. Cái chữ thèm khi chị nói về ngôi nhà mình hằng khát khao, khiến Lãng nghẹn giọng.
Chị yên lặng nhìn dòng sông đêm đen nghịt, mờ ảo những dề lục bình, xuôi theo con nước lững lờ trôi.
Tự dưng Lãng muốn nắm nhẹ bàn tay người con gái này, để cô không còn thấy chơi vơi giữa cuộc đời trăm ngàn lối rẽ. Hay Lãng muốn kề vai mình, cho người con gái này gối đầu lên, để cô không còn thấy nặng nhọc giữa bôn ba dặm trường mưu sinh.
Mà Lãng chỉ ngập ngừng, nhìn người con gái này, rồi lặng yên...
Gió bát ngát.
Đêm nay sao Lãng nghe buốt lòng.
Thích một người với yêu một người khác xa nhau lắm. Trong một khoảng thời điểm bất chợt của thanh xuân, mình có thể thích bất cứ người nào đó. Nhưng yêu thương là một chặng đường dài đằng đẵng mà đôi khi phải dành cả đời cho nó." - Trích Ngày gió biết cười
"Má nó lấy khăn chườm ấm cho người vừa trải qua cơn mê dại. Má thường hay nói vậy về mấy người tự tử. Giờ thằng Sóng mới bắt đầu để ý người nó vừa cứu. Một thằng con trai đâu chừng hơn hai mươi, dáng mảnh khảnh, da trắng trơn, gương mặt ưa nhìn. Như mọi lần, trong đầu nó hiện lên phác thảo nguyên nhân, chắc là thua độ đá banh rồi bể nợ tự tử nè, chớ tuổi này có gì để mần ăn mà nói chuyện lỗ lã bế tắc. Hay cũng có thể là thất tình hen. Giờ mấy đứa trẻ nhỏ nó nông cạn suy nghĩ lắm. Cái mạng mình nó coi rẻ rúng à. Kiểu vậy đâu có biết xót thương cha mẹ đã cực khổ thai sinh nuôi dạy mình. Giờ cuộc sống càng hiện đại lại càng khiến con người tâm trí dễ điên dại và làm chuyện quẫn.
Khúc sông này, biết bao lần tía má nó, đã thấy rồi, có khi cứu được, có khi vớt lên chỉ là cái xác không hồn. Lắm lúc vài ba ngày trương phình lềnh bềnh chẳng thể nhận ra.
Gió tháng Tư về ngang mé sông, thốc những hơi nóng còn sót lại của ngày. Thằng con trai vừa được cứu ngồi bệt vào thành ghe mà khóc. Chỉ nghe tiếng má nó dỗ dành. Phía đầu mũi, Sóng ngồi nhìn về bên kia Thủ Thiêm, nơi những ánh đèn sáng choang hoa lệ, nơi những tòa nhà cao lừng lững xanh vàng nhấp nháy dàn led. Đẹp thiệt hen.
Hợp tan trong cuộc đời này, cũng như con nước lớn ròng mà thôi. Tất cả mọi sự đời, giản đơn mà suy nghĩ đều là trò dâu bể. Đôi khi nên nhẹ tênh lòng mà chấp nhận sự thay đổi." – Trích Hạt thương nảy mầm
"Tám Đỏ ghé hàng rào có đám khiết bông đương thì trổ bừng sắc đỏ, xin cô giáo Quyên cho mình thử một ký bông, đem về nhuộm lãnh coi có ăn màu không. Giờ mình cải tiến chút đỉnh, biết đâu lãnh đẹp hơn, người ta biết thương lãnh hơn. Hay Tám Đỏ thử thêm hoa văn vào lãnh Mỹ A cho bắt mắt hơn, chứ không để trơn như bây giờ, rồi hổng chừng người ta thích lãnh hơn. Mà thêm cái hoa văn nào đây, hay thêm thử cái hoa văn khiết bông coi sao.
Tám Đỏ lần đầu tiên mới dám nói nhiều vậy với cô giáo Quyên. Cũng hên chỉ là chuyện xin hoa để nhuộm, chứ mấy cái chuyện giấu kín trong lòng, chắc chẳng thể nói đặng như vậy đâu.
- Anh Tám thương lãnh vậy, chắc hổng còn để lòng thương ai đâu hen. Mà nếu nhuộm được lãnh đỏ, thì cây đầu tiên phải tặng em đó nghen.
Tám Đỏ về với thúng đầy bông khi cái rào bị hái ráo trọi, để lại nguyên dàn lá xanh. Mà cô giáo Quyên nói gì hồi nãy, lúc phụ Tám Đỏ hái hoa kìa. Tự dưng Tám Đỏ nghe lòng khấp khởi.
Non chừng nửa tháng sau, những ngày cuối Chạp, xuân len lỏi từng ngóc ngách miệt bưng biền. Đám mai vàng trước hiên nhà bắt đầu hé nụ chúm chím như đợi đúng khắc giây giao mùa thiêng liêng sẽ bung cánh vàng rực rỡ. Tám Đỏ mừng cẩng lên khi nhuộm thành công một cây lãnh đỏ. Tía rạng ngời ánh mắt long lanh.
Tám Đỏ thay bộ đồ vía thiệt đẹp, cái áo sơ mi màu trắng tinh, ôm khúc vải chạy đi.
- Trời thần, ông bà mình dạy, đem vải đỏ qua nhà người ta là đi dạm ngỏ hỏi cưới đó ông con.
- Ủa má nói vậy là sao?
- Là gì nữa trời! Thiệt cái tình, mày khờ quá Tám ơi! Người ta nói vậy mà hổng hiểu. Chẳng lẽ nói thẳng là người ta đợi mày qua hỏi à! - Tám Đỏ nghe lời má nói lòng không dưng nở bừng cánh mai.
- Mà Tết nhứt đâu ai đem vải vào nhà. Để đó đi, ra Giêng cũng có việc mà xài à con!
Chiều đó bờ rào khiết bông đầu làng, có đôi trai gái ngồi thủ thỉ chuyện lụa lãnh, chuyện Tết nhứt. Lần đầu tiên, Tám Đỏ mạnh dạn đưa đôi tay lấm đen màu mặc nưa, đan vào bàn tay thon nhỏ trắng nõn của cô giáo Quyên. Nghe Tết rộn ràng trong tim. Gió xuân ấm áp vô cùng.
Mùng Một Tết, Tám Đỏ theo chân tía má sang nhà cô giáo Quyên. Mai vàng nhuộm óng ánh một miền quê. Người lớn nói chuyện mần sui, định ngày gả cưới. Đám trẻ lại vây quanh chúc tụng một mùa xuân dạt dào hạnh phúc. Dĩa bánh mứt thắm đượm mùi hoa trái quê hương. Vẳng xa nhà ai vang câu vọng cổ, điệu bắc réo rắt thanh âm tưng bừng: “Mặc nưa làm ra lụa lãnh, tay đen phận nghèo đâu rảnh mà yêu. Anh thương, em có chịu liều. Dạm một xấp lãnh mình thêu mái nhà.”
Nghe chừng xuân chẳng đâu xa. Ở cạnh bên nhau, với Tám Đỏ và cô giáo Quyên, bốn mùa, cũng chỉ là xuân.
Thương một người, đôi khi chỉ cần nhìn người ta bình yên hạnh phúc là được rồi. Còn mình buồn hay vui thì đâu sá gì." - Trích Duyên lãnh
"Bà theo ông năm ấy cũng ngoài bốn mươi. Năm đó, ông về công ty bà dạy cho mấy anh công nhân học bổ túc thi lấy bằng cấp ba. Bà chỉ là cô thư ký luống tuổi. Gặp nhau trò chuyện đôi lần khi bà trao phong bì tiền dạy cho ông. Lần nào ông cũng cười cười “cám ơn cưng nghen”. Bà chưa có gia đình. Ông thì lúc đó góa vợ, hai đứa con đã lập nghiệp, dựng vợ gả chồng xong xuôi. Đâu chừng hơn ba tháng sau, kết thúc khóa dạy. Lần cuối bà đưa phong bì cho ông, ông cũng lại cười cười “Muốn nghe tui gọi là cưng nữa thì về sống với tui luôn nghen”. Hơn tháng nữa, bà về sống cùng ông. Cái lần ông giới thiệu bà với đám con, ông gọi “cưng ơi”, bà thẹn đỏ cả mặt. Đám trẻ cũng ngượng ngùng dấm dúi nhìn nhau. Ông lại hề hà: “Đâu còn bao nhiêu năm nữa bây nghe tao gọi bả là cưng ơi”.Mắt bà ướt nhem. Gương mặt ông xao xác. Đám trẻ cũng thương bà như là thương ông. Ngót ngét cũng gần hai mươi năm theo ông không một mâm cỗ, ông và bà vẫn gọi nhau là cưng. Riết rồi thành quen.
Gọi là cưng thì phải cưng cho trọn cuộc đời!" – Trích Mình gọi nhau là cưng
Sách Mình Gọi Nhau Là Cưng của tác giả Trúc Thiên, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark