Giới thiệu sách
Mâu Tử: Lý Hoặc Luận - Nghiên Cứu Và Phiên Dịch
Tại Việt Nam người đầu tiên dịch trọn vẹn tác phẩm này là Lê Mạnh Thát. Là người tiên phong, ông khó tránh những sơ xuất trong phiên dịch mà chúng tôi sẽ chỉ ra trong bản dịch này. Tại phương Tây, Paul Pelliot là người đầu tiên dịch trọn vẹn Lý hoặc luận sang tiếng Pháp, cũng như John Keenan là người đầu tiên dịch toàn bộ Lý hoặc luận sang tiếng Anh. Chúng tôi cũng tham khảo một số bản dịch sang Trung văn (có sẵn trên mạng) nhưng hầu hết đều sai sót rất nhiều và không hề giải thích hay chú thích lý do tại sao lại dịch như vậy. Bản thân Mâu Tử là người dùng nhiều từ cổ, cộng thêm hiện tượng sao chép nhiều lần, điều này gây khó khăn cho người dịch không ít, mặc dù ý nghĩa thì rất rõ ràng.
…
Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản và không “treo” vào quá nhiều sự kiện đòi hỏi được kiểm chứng. Nếu chấp nhận thời điểm sáng tác của Lý hoặc luận khoảng thế kỷ thứ 5 thì chẳng cần phải gắn nó với một truyền thống Phật giáo (như Pelliot và Lê Mạnh Thát) hay với một cuốn kinh (như Maspéro) vì vào thế kỷ thứ 5 tri thức Phật giáo chẳng còn xa lạ gì với Trung Quốc và mọi chi tiết liên quan đến Phật giáo trong tác phẩm Lý hoặc luận đòi hỏi phải được giải thích trên cơ sở phương pháp luận thông diễn tư tưởng Phật giáo của thời kỳ này, tức phương pháp “cách nghĩa” 格義mà Đạo An (314-385)và Huệ Viễn (334-416) là hai đại biểu nổi tiếng nhất của phương pháp thuyên thích này. Đạo An là tăng sĩ Trung Quốc đầu tiên dùng “cách nghĩa” để giải thích tư tưởng Phật giáo. Huệ Viễn là người chủ trương “thần bất diệt luận” mà Mâu Tử lập lại. Đây chính là phương pháp thuyên giải tư tưởng Phật giáo chính của Mâu Tử: dùng Nho giáo và Đạo giáo để giải thích Phật giáo. Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng Lý hoặc luậnra đời vào thời gian này (cuối thế kỷ thứ 4và đầu thế kỷ thứ 5).
Tác phẩm Lý hoặc luận 理惑論 của Mâu Tử 牟子có thể nói là tác phẩm được nhiều học giả khi nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam biết đến nhiều nhất và thậm chí nhiều người (nổi tiếng nhất có nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát) xem nó là tác phẩm điển hình cho Phật giáo Việt Nam thời kỳ đầu tiên. Lê Mạnh Thát viết: “Lý hoặc luận từng là một tác phẩm lý luận gối đầu giường của người Phật giáo ở Viễn Đông, mà cụ thể là Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với lịch sử dân tộc ta, nó là một tác phẩm lý luận có một vị trí xung yếu. Từ những năm 1096, Thông Biện khi trình bày lai lịch của Phật giáo nước ta cho thái hậu Ỷ Lan, dẫn lời của Đàm Thiên, đã nói tới Mâu Bác và Khương Tăng Hội như hai đại biểu tôn giáo đầu tiên ở nước ta. Đến thời cận đại, thiền sư Pháp Chuyên (1726-1798) khi viết Tam bảo biện hoặc luận, tuy chủ yếu dựa vào Chiết nghi luận của Tử Thành, đã xa gần nói đến Mâu Tử. Đặc biệt đến đầu thế kỷ XX, khi Trần Văn Giáp giới thiệu về ông như một trong những nhà truyền bá đạo Phật đầu tiên ở Việt Nam, Mâu Tử trở nên quen thuộc không những đối với học giới, mà còn đối với bộ phận lớn người dân.
…
Trước khi đi vào một cuộc thảo luận rối rắm và phức tạp về Mâu Tử và tác phẩm Lý hoặc luậnchúng ta hãy minh xác những sự kiện (facts) và phân biệt chúng với những suy diễn (speculations) của các học giả…
- Mâu Tử 牟子, ít nhất theo như lời tựa Lý hoặc luận, là một nho sĩ Trung Hoa đến lánh nạn tại Giao Châu (Hà Nội bây giờ). Mâu Tử, nếu có thật, cũng không phải là người Việt Nam. Không có một lý do nội tại nào để nhận Mâu Tử là người Việt Nam. Tất cả các sách vở nghiên cứu về Mâu Tử như trích dẫn ở trên (trừ Lê Mạnh Thát) đều xem Lý hoặc luận là một tác phẩm Phật giáo Trung Quốc và không hề đề cập đến Việt Nam hay ảnh hưởng của tác phẩm đối với Phật giáo sử Việt Nam. Lưu ý chúng tôi vẫn viết Lý hoặc luận là theo quán dụng còn tất cả các bản in khắc từ Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều ghi là Mâu Tử lý hoặc.
…
- Tác giả Lý hoặc luận, cứ tạm gọi là Mâu Tử, không bao giờ xem mình đứng ngoài luồng chủ lưu tư tưởng Trung Hoa. Ông chưa bao giờ nhận mình là người Việt Nam.Khẳng định Mâu Tử thuộc về Phật giáo sử Việt Nam cũng gượng ép như khẳng định Khương Tăng Hội là giáo tổ Việt Nam vì cả hai rõ ràng không phải là người Việt Nam mà cũng chưa bao giờ bày tỏ nguyện vọng trở thành “công dân Việt Nam” cả.
…
- Không nên hiểu lầm Mâu Tử viết Lý hoặc luận để bài bác tư tưởng chính thống Trung Hoa (theo quan điểm Lê Mạnh Thát) và đề cao Phật giáo. Nên nói ngược lại: Mâu Tử viết Lý hoặc luận để chứng minh rằng Phật giáo không thua kém gì Đạo giáo hay Nho giáo, nghĩa là ông mặc nhiên thừa nhận Nho giáo và Đạo giáo là ưu việt. Nỗ lực của Mâu Tử, nếu có, nhằm chứng minh rằng Phật giáo không hề mâu thuẫn hay đi ngược lại những định lý nền tảng trong văn hóa Trung Quốc. Những định lý này được thể hiện trong kinh điển Nho giáo - Đạo đứckinhvà Nam Hoa Kinh (Mâu Tử phản đối thuật tịch cốc và tu luyện tìm trường sinh bất tử nhưng ông đề cao triết học Lão Tử và Trang Tử, thậm chí đồng hóa Niết bàn của Phật giáo với “vô vi” của Lão Tử, đây là quan điểm triết học phổ biến trong nhóm huyền học thanh đàm thời Ngụy Tấn).
Thông tin tác giả TS. Dương Ngọc Dũng
TS. Dương Ngọc Dũng sinh năm 1956, hiện đang sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, là giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (TP.HCM).
Ông tốt nghiệp cử nhân Anh văn năm 1980, tốt nghiệp đại học Canberra (Úc) năm 1989, chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh (Graduate Diploma). Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Đông Á học tại đại học Harvard (USA,1995), Tiến sĩ ngành Tôn giáo học tại đại học Boston (USA, 2001), MBA (UBI, 2007.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Kinh Dịch và cấu hình tư tưởng Trung Quốc
- Triết giáo Đông Phương
- Lịch sử văn minh và các triều đại Trung Quốc
- Đường vào Triết học
- Tôn giáo học nhìn từ viễn cảnh xã hội học
Sách Mâu Tử: Lý Hoặc Luận - Nghiên Cứu Và Phiên Dịch của tác giả TS. Dương Ngọc Dũng, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark