TẤT CẢ DANH MỤC

"Mahabharata Bằng Hình": Dẫn lối vào pho sử thi đồ sộ của nhân loại

Nhà văn, nhà ngoại giao Hồ Anh Thái nói “Mahabharata bằng hình” không chỉ giới thiệu nội dung rút gọn của sử thi, mà còn minh họa câu chuyện bằng hơn 1.000 tranh ảnh lộng lẫy.

"Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ" là cuốn sách được nhiều bạn đọc yêu văn hóa, nghệ thuật đón đọc thời gian qua. Ấn phẩm kể lại nội dung tác phẩm Mahabharata bằng văn xuôi, kèm lý giải về bộ sử thi, tầm ảnh hưởng lên nhiều mặt của văn hóa Ấn Độ. Sách có nhiều hình minh họa lấy từ các bản chép tay, tranh vẽ, bản in khắc...

Trong quá trình làm cán bộ ngoại giao, nhà văn Hồ Anh Thái có nhiều năm gắn bó với Ấn Độ. Ông chia sẻ thông tin về bộ sử thi Mahabharata nói chung và cuốn "Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ" nói riêng.

Sách "Mahabharata Bằng Hình - Thiên Sử Thi Vĩ Đại Nhất Của Ấn Độ" của tác giả DK

Tăng cảm hứng cho người đọc khi tiếp nhận sử thi

Là nhà ngoại giao từng công tác ở Ấn Độ, ông thấy “Mahabharata” có vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa của đất nước này?

Năm 1988, tôi đến Ấn Độ cùng lúc trên truyền hình bắt đầu phát bộ phim nhiều tập Mahabharata. Sáng chủ nhật, đường phố vắng ngắt vì mọi nhà đều ngồi trước tivi. Báo chí còn đưa tin có cuộc họp vào sáng chủ nhật phải chuyển sang buổi chiều vì các ông, bà nghị quyết không bỏ một tập phim Mahabharata. Bộ phim gần một trăm tập, chiếu hơn hai năm mới hết.

Trên tiểu lục địa Ấn Độ, hàng chục nghìn ngôi đền đồ sộ được dựng lên để ghi nhớ những nhân vật của sử thi như Krishna, hoặc năm anh em Pandava. Tôi đã đi hầu khắp mấy chục bang trên đất Ấn, đến thăm quê hương của Krishna ở Mathura. Kinh thành Indraprastha xưa, bây giờ là Thành Cổ ở thủ đô New Delhi. Còn bãi chiến trường Kurukshetra của cuộc chiến tranh mười tám ngày, giờ cũng chỉ cách thủ đô hơn 100 km.

Cái tên Mahabharata, chiết tự thì Maha là to lớn (đại), Bharata là tổ tiên của người Ấn Độ. Vậy Maha-Bharata dịch thoát là Đại Tộc hoặc Đại Ấn. Người Ấn là chủng người quá gắn bó với gia tộc mà có phần sao nhãng thế giới bên ngoài, cho nên lẽ tự nhiên, họ thuộc lòng và mê thích câu chuyện sử thi về gia tộc mình.

Bất cứ một người Ấn Độ nào đều thuộc vanh vách câu chuyện của sử thi này. Những câu chuyện trong ấy dạy người ta làm vua, làm tôi, làm tướng, làm lính, cách ứng xử cha con vợ chồng, cách đối nhân xử thế, cách trân trọng thiên nhiên, từ dòng sông Hằng linh thiêng cho đến cây cỏ muông thú.

Sử thi còn gây cảm hứng cho dân gian ví von, đố vui, bày trò chơi. Giới văn chương nghệ thuật thì dựa vào sử thi mà phóng tác, dựng kịch, dựng phi...

Sách "Mahabharata Bằng Hình - Thiên Sử Thi Vĩ Đại Nhất Của Ấn Độ" của tác giả DK - 2
Sách Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ. Ảnh: Đ.A.

Đã có nhiều sách về "Mahabharata", vậy đâu là điểm đặc biệt của "Mahabharata bằng hình"?

Sử thi này khi dịch ra tiếng Anh có độ dài gấp mười lần Iliad và Odyssey cộng lại, có tài liệu tính là dài gấp hai mươi lần Kinh Thánh. Theo dòng lịch sử, hàng trăm bản kể lại sử thi và nhiều nhà văn hiện đại của Ấn Độ, trong đó có Tagore, cũng viết lại từng câu chuyện trong Mahabharata. Người ta còn xuất bản những cuốn rút gọn, vài ba trăm trang cho đến một nghìn trang.

Năm 1979, chúng ta có dịch bản rút gọn khoảng 500 trang. Cho đến nay chỉ có một số ngôn ngữ phổ biến là dịch được trọn vẹn Mahabharata, còn lại mới tạm bằng lòng với những bản rút gọn.

Sử thi "Mahabharata bằng hình" do hãng DK của nước Anh ấn hành là một nỗ lực độc đáo. Đây là công trình lớn của một nhóm tác giả người Ấn Độ: Các nhà văn hóa, nhà thần thoại học, họa sĩ… Sách không chỉ giới thiệu nội dung rút gọn của sử thi mà còn minh họa câu chuyện ấy bằng hơn một nghìn tranh ảnh lộng lẫy, có cả những bức tranh và pho tượng cổ hiếm hoi còn ít được biết đến.

Sách cũng không chỉ kể lại thiên sử thi mà còn phân tích các nhân vật, sự kiện, khảo sát tập tục cổ và những địa danh liên quan. Hình ảnh đẹp mắt và sinh động có thể cũng hỗ trợ tưởng tượng và làm tăng cảm hứng cho người đọc khi tiếp cận sử thi.

Giới thiệu văn hóa Ấn Độ đến người Việt

Ông có thể cho biết về công việc hiệu đính bản dịch “Mahabharata bằng hình"?

Người Ấn coi Mahabharata như Kinh Thánh, còn tôi mấy chục năm qua, đi qua bao nhiêu nước nhưng trong vali luôn có một bản sử thi rút gọn, thế cũng coi là một thứ kinh thánh của mình. Tôi mong có lúc tự tay dịch một bản sử thi rút gọn khoảng 500 trang, nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy, tôi rất hào hứng khi Công ty sách Đông A nhờ làm phần hiệu đính.

Tôi cố gắng để làm cho bản dịch chính xác hơn - không người dịch nào có thể nói mình bơi lội thuần thục trong cái đại dương Ấn Độ. Cũng gắng trau chuốt ngôn từ của người dịch để vừa có không khí cổ, lại vừa hiện đại để tiếp cận người đọc hôm nay.

Người dịch là chị Lê Thị Oanh, từng có nhiệm kỳ công tác tại New Delhi, cũng mê văn hóa Ấn Độ. Tôi có góp ý với người dịch, tránh gây tranh luận bằng cách dùng những thuật ngữ Ấn Độ cổ qua cách chuyển Hán - Việt.

Nhà văn Hồ Anh Thái bên tượng Ganesha đầu voi mình người - thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng, năm 1991. Tương truyền Mahabharata do Vyasa đọc cho Ganesha chép thành văn bản.
Nhà văn Hồ Anh Thái bên tượng Ganesha đầu voi mình người - thần Trí Tuệ và Thịnh Vượng, năm 1991. Tương truyền Mahabharata do Vyasa đọc cho Ganesha chép thành văn bản. Ảnh: NVCC

Ví dụ giữ nguyên từ “tiếng Sanskrit” chứ không chuyển thành “tiếng Phạn”. Nói “tiếng Phạn” tức là sẽ gây tranh luận Bắc Phạn hay Nam Phạn. Mà có ý kiến cho rằng âm “Phạn” là phiên âm từ "Pali", ngôn ngữ Đức Phật vẫn dùng để thuyết giáo, chứ không phải “Phạn” là tiếng Sanskrit, ngôn ngữ sau này dùng để ghi lại kinh Phật.

Người dịch dùng "Càn Thát Bà" để dịch "Gandharva", "La Sát" để dịch "Rakshasa", "quỷ Dạ Xoa" để dịch "Yaksa" - tôi quyết định khôi phục từ gốc chứ không dùng cách phiên âm Hán - Việt. Kiểu phiên âm ấy cũng chưa được nhất trí, chẳng hạn ai là Dạ Xoa, ai là La Sát thì vẫn còn tranh cãi.

Chủ định của những người làm sách là để người đọc được tiếp xúc và quen dần với từ gốc của Ấn Độ.

Mặt khác, chúng tôi giữ lại những từ đã Việt hóa từ lâu, và khá sáng rõ với người Việt, chẳng hạn dùng chữ "kinh Vệ Đà" thay cho từ gốc là "Veda".

Theo ông, cuốn "Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ" có ý nghĩa gì với người đọc Việt?

Người Việt rất thuộc các nhân vật của Tam Quốc, Tây du ký, mà Tôn Ngộ Không là vay mượn từ tướng khỉ Hanuman của Ấn Độ đấy. Nhưng người Việt có phần bối rối khi nghe nói về thần Sáng tạo Brahma, thần Hủy diệt và Tái tạo Shiva, thần Bảo hộ Vishnu, về thần Trí tuệ và Thịnh vượng Ganesha... Đấy là chưa kể các phong tục tập quán, các pho sách cổ, các sự tích của xứ Ấn... giờ đã trở nên lạ lẫm với người Việt.

Cho nên thêm được một chút văn hóa của Ấn Độ đến với người Việt là thêm một niềm vui. Bộ sử thi dài nhất của nhân loại lần này được rút gọn nhưng vẫn bề thế, đủ hình dung được tầm vóc vĩ đại của nó.

Nguồn zing

Những cuốn sách “Lịch Sử” mang đến lượng kiến thức to lớn cho người đọc góc nhìn phổ quát về những sự kiện, hiện tượng từng diễn ra trong quá khứ cho đến tác động của nó đến ngày nay. Xem tại đây

Mahabharata Bằng Hình - Thiên Sử Thi Vĩ Đại Nhất Của Ấn Độ

Mahabharata Bằng Hình - Thiên Sử Thi Vĩ Đại Nhất Của Ấn Độ

  • Giá bìa: 720.000 ₫
  • Giá bán tại NETA: 612.000 ₫
Mua ngay
 

Hơn 30.000 tựa sách hay

Tuyển chọn bởi NetaBooks.vn

 

Miễn phí giao hàng

Từ 150k ở HCM, từ 300k ở tỉnh thành khác

 

Quà tặng miễn phí

Tặng bookmark, bao sách miễn phí

 

Đổi trả nhanh chóng

Hàng bị lỗi được đổi trả nhanh chóng