Giới thiệu sách
Lịch Sử Việt Nam (Trọn Bộ 15 Tập)
Bộ sách Lịch sử Việt Nam 15 tập được kết cấu theo các thời kỳ: Thời kỳ cổ - trung đại (từ thời tiền sử đến năm 1858, khi thực dân Pháp nổ sung xâm lược Việt Nam); Thời kỳ cận đại (thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, biến Việt Nam thành thuộc địa đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công) và Thời kỳ hiện đại (từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay). Bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập.
Theo dòng thời gian, Việt Nam đã có một nền sử học truyền thống với những bộ quốc sử và nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn đồ sộ như: Đại Việt sử ký; Đại Việt sử ký toàn thư; Phủ biên tạp lục; Gia Định thành thông chí; Đại Nam nhất thống chí...
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sử học, các nhà sử học nước ta luôn đi sâu nghiên cứu toàn diện các vấn đề trong lịch sử Việt Nam. Các công trình được biên soạn trong thời gian qua đã làm phong phú thêm diện mạo nền sử học Việt Nam, góp phần truyền bá kiến thức lịch sử tới các tầng lớp nhân dân.
Kế thừa thành quả nghiên cứu của thời kỳ trước, bổ sung các kết quả nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực, năm 2013, Viện Sử học đã phối hợp với Nhà xuât bản Khoa học xã hội tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách “Lịch sử Việt Nam” từ thời tiền sử đến nay.
Bộ sách Lịch sử Việt Nam Viện Sử Học được kết cấu theo các thời kỳ: Thời kỳ cổ - trung đại (từ thời tiền sử đến năm 1858, khi thực dân Pháp nổ sung xâm lược Việt Nam); Thời kỳ cận đại (thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, biến Việt Nam thành thuộc địa đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công) và Thời kỳ hiện đại (từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay). Bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập:
Tập 1: Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X do PGS.TS. Vũ Duy Mền chủ biên. Tập sách được biên soạn công phu, với 9 chương. Cuốn sách trình bày một cách khách quan về lịch sử nước ta từ khi xuất hiện con người đứng thẳng khôn ngoan (Homo Erectus), đến sự phát triển liên tục của các nền văn hóa bản địa thuộc ba trung tâm: Văn hóa Đông Sơn ở châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả, hình thành nên Quốc gia Văn Lang – Âu Lạc đầu thời thời Hùng Vương; Văn hóa Sa Huỳnh hình thành nên Quốc gia Lâm Ấp – Champa cổ đại ở miền Trung; Văn hóa Đồng Nai – Văn hóa Tiền Óc Eo Nam Bộ là nền tảng của sự ra đời Vương quốc cổ Phù Nam – Chân Lạp. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng phản anh cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài, nhiều hi sinh, gian khổ chống Bắc thuộc, chống Hán hóa thắng lợi, giành lại quyền độc lập, tự chủ, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta.
Tập 2: Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV do PGS.TS. Trần Thị Vinh chủ biên. Tập sách gồm có 11 chương, viết về ba thời kỳ lịch sử lớn của dân tộc: Thời kỳ thứ nhất ứng với các họ Khúc – Dương – Ngô – Đinh – Tiền Lê (thế kỷ X); Thời kỳ thứ hai: Đại Việt thời Lý (thế kỷ XI – đầu thế kỷ XIII); Thời kỳ thứ ba: Đại Việt thời Trần (đầu thế kỷ XIII – cuối thế kỷ XIV), và một chương 12 viết về Vương quốc Champa (thế kỷ X-XIV). Với tập sách này, lịch sử đất nước được nghiên cứu, biên soạn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong năm thế kỷ (X – XVI) các thời họ Khúc, họ Dương, đến các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần.
Tập 3: Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI do PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn chủ biên. Tập sách gồm 10 chương, trình bày một cách bao quát toàn bộ quá trình diễn biến của lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVI với những sự kiện trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của các Triều Hồ (1400 – 1407), Triều Lê (1428 – 1527), Triều Mạc (1527 – 1593) và Triều Lê sau khi thu phục kinh đô Thăng Long, tái thiết Vương Triều Lê, hoàn thành công việc trung hương đất nước. Đồng thời, cuốn sách giới thiệu văn tắt tiểu sử các nhân vật trọng yếu của lịch sử trong hai thế kỷ này trong phần Phụ lục.
Tập 4: Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII do PGS.TS. Trần Thị Vinh chủ biên. Tập sách được bắt đầu từ sau sự kiện triều Mạc bị lật đổ (1529) đến hết triều Tây Sơn, phản ánh diễn biến lịch sử của đất nước trên các mặt chính trị - xã hội, kinh tế và văn hóa trong hai thế kỷ XVII và XVIII. Cuốn sách được chia làm 3 phần, 12 chương, bao gồm: Phần thứ nhất: Thời kỳ đất nước bị chia cắt; Phần thứ hai: Thời kỳ khủng hoảng của chế độ phong kiến và bùng nổ của phong trào nông dân; Phần thứ ba: Tình hình tư tưởng văn hóa từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII.
Tập 5: Lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1858 do TS. Trương Thị Yến chủ biên. Tập sách được chia làm 10 chương, với các nội dung: Triều Nguyễn thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế; Hệ thống quản lý hành chính các địa phương; Tổ chức hành chính, xã hội và chính sách của Nhà nước đối với làng xã; Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp; Công nghiệp và thủ công nghiệp; Thương nghiệp; Quan hệ đối ngoại; Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân; Văn hóa; Âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.
Tập 6: Lịch sử Việt Nam từ năm 1859 đến năm 1896 do PGS.TS. Võ Kim Cương chủ biên. Tập sách gồm 5 chương, phản ánh tình hình Việt Nam trước khi Pháp xâm lược; Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Pháp xâm lược (giai đoạn 1858 – 1873); Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Bắc Kỳ và Trung Kỳ (giai đoạn 1873 – 1884); Phong trào kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1885 – 1896); Những chuyển biến về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Nội dung các Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Hiệp ước Giáp Tuất (1874), Hiệp ước Giáp Thân (1884) được nhóm biên soạn thể hiện trong phần Phụ lục.
Tập 7: Lịch sử Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1918 do PGS.TS. Tạ Thị Thúy chủ biên. Tập sách được bố cục gồm 8 chương: Chính sách thuộc địa và việc củng cố bộ máy chính quyền ở Việt Nam của thực dân Pháp trong những năm đầu thế kỷ XX; Nền kinh tế Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp (1897 – 1914); Tình hình văn hóa – xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; Các giai cấp trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; Phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX; Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đầu thế kỷ XX; Xã hội Việt Nam trong những năm chiến tranh 1914 – 1918; Phong trào chống Pháp của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh 1914 – 1918.
Tập 8: Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930 do PGS.TS. Tạ Thị Thúy chủ biên. Tập sách được trình bày thành 9 chương: Chính sách thuộc địa của thực dân Pháp sau chiến tranh thế giới thứ nhất; Thực dân Pháp củng cố và tăng cường bộ máy chính quyền thuộc địa; Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai sau chiến tranh thế giới thứ nhất và những biến đổi trong nền kinh tế Việt Nam; Tình hình văn hóa- xã hội; Xã hội Việt Nam phân hóa thêm sâu sắc sau chiến tranh; Ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới tới cách mạng Việt Nam; Phong trào yêu nước và công nhân ở Việt Nam đầu những năm 20 thế kỷ XX; Các tổ chức cách mạng ra đời trong những năm 1925 – 1929; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Tập 10: Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1950 do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên. Tập sách được biên soạn thành 6 chương, trình bày một cách tương đối toàn diện tiến trình lịch sử giai đoạn từ tháng 9/1945 đến cuối năm 1950 với các nội dung: Việt Nam từ thành lập nền Dân chủ Cộng hòa đến ký Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp (9/1945 – 3/1946); Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ (12/1946); đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh” của Đảng; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; xây dựng và củng cố hậu phương, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta; đấy mạnh kháng chiến (1948 – 1950).
Tập 9: Lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945;
Tập 11: Lịch sử Việt Nam từ năm 1951 đến năm 1954;
Tập 12: Lịch sử Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1965;
Tập 13: Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1975;
Tập 14: Lịch sử Việt Nam từ năm 1975 đến năm 1986;
Tập 15: Lịch sử Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2000;
Sách Lịch Sử Việt Nam (Trọn Bộ 15 Tập) do Nhiều tác giả thực hiện, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark