Đọc sách Lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Anne Cheng, độc giả Việt có cơ hội thưởng thức một ấn phẩm có nhiều ưu điểm so với các bộ sách thông sử tư tưởng Trung Quốc bằng Việt ngữ đã từng xuất bản trước đây.
Tác giả tác phẩm Lịch sử tư tưởng Trung Quốc (do Nguyễn Thị Hiệp chủ trì dịch thuật, Nguyễn Tuấn Cường giới thiệu, NXB Thế Giới và Omega Plus vừa ấn hành) là Anne Cheng (Trình Ngải Lam). Bà sinh năm 1955, là giáo sư Hán học giảng dạy tại Collège de France danh giá, một trong những chuyên gia hàng đầu ở Pháp trong lĩnh vực lịch sử, triết học và tư tưởng Trung Quốc.
Cuốn sách đã được Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp trao giải thưởng Stanilas Julien (1997), Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị Pháp trao giải thưởng Dagnan-Bouveret (1998)
Sách có bút pháp thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi và trừu tượng hóa
Anne Cheng sinh ra, lớn lên tại Pháp, nhận bằng tiến sĩ Hán học năm 27 tuổi nhưng trước đó đã được đào luyện trong môi trường giáo dục về khoa học cổ điển và nhân văn châu Âu. Đến nay, sau hơn nửa cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy, Anne Cheng đang là một học giả uy tín hàng đầu ở Pháp và đang giữ vị trí Giáo sư chủ trì trong lĩnh vực trí thức Trung Quốc tại College de France. Trong các công trình nghiên cứu của bà, tác phẩm để lại dấu ấn đậm nhất là Lịch sử tư tưởng Trung Quốc.
Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách đã được Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp trao giải thưởng Stanilas Julien (1997), Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị Pháp trao giải thưởng Dagnan-Bouveret (1998).
Cuốn sách được đón nhận một cách nồng nhiệt không chỉ trong cộng đồng Pháp ngữ (tái bản vào các năm 2002, 2014) mà còn được được chuyển ngữ sang 9 thứ tiếng (Ý, Rumani, Bungari, Tây Ban Nha, Séc, Bồ Đào Nha, Nhật, Ả Rập, Trung Quốc). Ấn bản tiếng Việt do Omega Plus xuất bản là ngôn ngữ thứ 10, bản tiếng Đức sẽ ấn hành tháng 5.2022 tới đây.
Ưu điểm đầu tiên phải kể ra là góc nhìn phương Tây của một học giả người Pháp gốc Hoa đủ độ uyên thâm về truyền thống Hán học. Trong tương quan so sánh về dung lượng với nhiều cuốn sách về thông sử tư tưởng Trung Quốc xuất bản vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20, Lịch sử tư tưởng Trung Quốc có dung lượng vừa phải, không quá ngắn gọn đến mức quy giản, cũng không quá đồ sộ đến mức nặng nề. Đây cũng là một lợi thế cho việc tiếp nhận của độc giả.
Bìa tác phẩm vừa ấn hành tại Việt Nam
Sách có bút pháp thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi, trừu tượng hóa, chứ không phải là khảo cứu tư liệu ngữ văn, mô tả tác phẩm và hành trạng nhân vật; trong đó tri thức, ảnh hưởng của Phật giáo được coi trọng như một tác nhân thúc đẩy sự phát triển của dòng lịch sử tư tưởng.
Đặc biệt, các giai đoạn lịch sử tư tưởng được trình bày một cách cân đối, toàn diện, có hệ thống lớp lang, có tính xâu chuỗi và gắn kết để tạo thành dòng mạch tư tưởng một cách thông suốt.
Tác giả không hề có chút cao vọng hoàn thành một công trình mang tính quyết định mà chỉ có mong muốn cùng độc giả chia sẻ niềm vui được viếng thăm những nhà tư tưởng lỗi lạc, chia sẻ góc nhìn được tạo dựng từ cá nhân tác giả, một người sở hữu hai nền văn hóa phương Tây và Trung Quốc.
Lớp độc giả phổ thông sẽ nhận biết được lịch sử tư tưởng Trung Quốc một cách toàn diện và bao quát
Đây cũng là một lợi thế cho việc tiếp nhận của độc giả. Lớp độc giả phổ thông sẽ nhận biết được lịch sử tư tưởng Trung Quốc một cách toàn diện, bao quát; còn giới độc giả hàn lâm cũng tìm kiếm được nhiều thông tin hữu ích với một độ sâu vừa phải, để không quá sa đà vào những chi tiết vụn vặt.
Trải qua hơn hai thập kỷ kể từ ấn bản đầu tiên ra mắt độc giả tại Paris vào năm 1997, công trình Lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Anne Cheng vẫn là cuốn sách gối đầu giường không thể thiếu của sinh viên và các nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Pháp.
Nguồn https://thanhnien.vn/lich-su-tu-tuong-trung-quoc-cua-anne-cheng-noi-tieng-tai-phap-co-gi-dac-biet-post1430810.html
Những cuốn sách “Lịch Sử” mang đến lượng kiến thức to lớn cho người đọc góc nhìn phổ quát về những sự kiện, hiện tượng từng diễn ra trong quá khứ cho đến tác động của nó đến ngày nay. Xem tại đây
Theo Quỳnh Trân (Thanh Niên)