Với tác phẩm Lịch sử của sách của James Raven, độc giả được mở ra một thế giới quen thuộc mà mới mẻ về sách, giúp hiểu, biết nhiều hơn về vật dụng phổ biến của văn hóa đọc, lưu giữ, truyền bá tri thức.
"Lịch Sử Của Sách" của tác giả James Raven. Hình NetaBooks.vn
Cuốn sách chúng ta đang đề cập tới ở đây, không bàn về một chuyện tình diễm ảo trong tiểu thuyết nào, hoặc dẫn dắt độc giả đi vào một mệnh đề tư tưởng, triết luận hay tự truyện của nhân vật nổi tiếng cỡ Donald Trump, Angelina Jolie… Đơn giản hơn, nhưng cũng bất ngờ, nó bàn về một vấn đề liên quan đến nó, mà cụ thể hơn, thiết thân với nó: Bàn về sách. Lịch sử của sách, tên gọi ấy nói lên tất cả.
Bấy lâu nay ta đọc sách, dù là thể loại gì, nhưng đã bao giờ đặt câu hỏi: Sách có từ bao giờ? Sách ra đời như thế nào? Khởi nguyên sách hình dạng ra sao? và đủ thứ câu hỏi liên quan... Được ra đời từ nghiên cứu của GS James Raven, chuyên gia thư tịch, xuất bản, Lịch sử của sách sẽ đưa đến độc giả bức tranh toàn cảnh về sách. Với những nhà nghiên cứu, sẽ tiếp cận tác phẩm dưới góc độ đây là một tác phẩm về ngành nghiên cứu lịch sử của sách, còn với độc giả phổ thông, yêu và quan tâm đến sách, đó đơn thuần là tác phẩm đưa đến những kiến thức tổng quan về sách, từ xa xưa.
Sách đã có cách ngày nay 5.000 năm với những bản chép tay trên giấy, lưu giữ những thời đoạn đã qua, kiến thức của con người về thế giới… và nhiều hơn thế nữa, là kỹ thuật ghi chép, vận chuyển, bảo quản, lưu giữ sách. Với Lịch sử của sách, chỉ ở mảnh nhỏ bàn về khởi nguyên, chất liệu của sách thôi, đã hấp dẫn khôn cùng khi độc giả được du hành ngược thời gian, qua các châu lục và tìm về với những cuốn sách cổ xưa nhất tính đến thời điểm nghiên cứu hiện nay của ngành lịch sử của sách (history of the book).
Theo David S. Shields, “trong Lịch sử của sách một sân khấu cho hoạt động xuất bản các bản viết tay”. Và đó chính là hình thức in ấn, xuất bản khởi nguyên trước khi sách được in ấn mộc bản hay chữ rời, kỹ thuật số chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, những cuốn sách đầu tiên được điểm danh trên khắp các vùng đất.
Sách thẻ tre của Trung Quốc ẢNH: T.L
Tại Trung Quốc, hàng ngàn mảnh mai rùa có 3.300 năm tuổi tại thung lũng Hoàng Hà ở Bắc Trung Quốc đã khắc những lời chiêm bốc, ghi chép của hoàng gia về hoạt động tế lễ, săn bắn, quản lý hành chính. Xa hơn nữa, cách 4.000 năm, các mảnh mai rùa khắc các biểu tượng cũng đã hiện diện, đó là loại hình sách cổ sơ của loài người, tận dụng chất liệu từ tự nhiên. Loại giáp cốt thư này, từ thế kỷ XIV đến XII TCN đã được các thầy bói khắc chữ để bói toán.
Quốc gia rộng lớn của châu Á về sau còn có ký hiệu khắc trên gốm có nội dung về chiêm tinh, hành chính và lễ nghi hoàng gia. Ngoài ra ở đây, sách bằng lụa đã có từ thế kỷ VII TCN, trong đó có những cuốn như Đạo đức kinh của Lão Tử có từ thế kỷ IV TCN, Nam Hoa kinh, Chiến quốc sách đã được ghi trên sách lụa; sách thẻ tre thì có từ thế kỷ V TCN mà hiện nay độc giả hay được thấy khi xem những phim cổ trang Trung Hoa…
Ở thành phố Uruk thuộc nền văn minh Sumer cổ đại nằm về phía đông dòng sông Euphrates, khoảng năm 3200 TCN đã có những bộ sách đầu tiên trên thế giới, và đó là hàng nghìn tấm bảng đất sét phẳng dẹt có ký tự hình nêm. Loại sách này nội dung chủ yếu để tính toán của cải, trao đổi hàng hóa. Phương pháp khắc thấy trên mai rùa, thì với sách đất sét, kỹ thuật ấn, đục lỗ là hình thức in ấn vật lý đơn giản nhất được áp dụng. Cũng trên chất liệu đất sét, chữ tượng hình (chưa được giải mã) có ở đảo Crete (Hy Lạp) thuộc Nam Âu khoảng năm 1600 TCN…
Tiến về Đông Bắc châu Phi đến vương quốc của các pharaoh, các văn khắc tượng hình Ai Cập đã tồn tại có niên đại cùng thời với hiện vật chữ tượng hình Sumer và chữ hình nêm. Những văn khắc này được khắc trên xương, ngà voi hoặc trên gốm. Vẫn tại Ai Cập, sách làm giấy cói (papyrus) được phổ biến trong hơn ba thiên niên kỷ. Giấy papyrus lâu đời nhất được phát hiện trong ngôi mộ cổ ở Memphis gần Cairo. Nhưng bản giấy papyrus có chữ thì phải vài thế kỷ sau mới xuất hiện.
Khu vực châu Mỹ dù được các nhà hàng hải thế kỷ XV mới đặt chân đến, nhưng những nền văn minh ở châu lục này cũng đã có những sách làm trên chất liệu khác nhau. Đó có thể là phiến đá khắc Cascajal tìm thấy ở Mexico có niên đại thuộc nền văn minh Olmec khoảng năm 900 TCN chứa 62 ký tự, biểu tượng.
Nói đến sách giấy, Lịch sử của sách cho biết dấu ấn lịch sử quan trọng của loài người và ngành in ấn, xuất bản, ở sự kiện Thái Luân phát minh ra giấy năm 105. Dĩ nhiên loại giấy đó không từ chất liệu như hiện nay. Sơ khởi, giấy Thái Luân là hỗn hợp vỏ cây dâu tằm, xơ cây gai dầu trộn nước được giã nát rồi đổ lên tấm vải căng phẳng và trải mỏng để ráo nước. Cuốn sách giấy lâu đời nhất được biết đến là bản sao kinh điển của Phật giáo có tên gọi Pháp cú thí dụ kinh, chép năm 256 trong thời Tam quốc của Trung Hoa.
Như trên chỉ là vài chỉ dấu về khởi nguyên của sách được James Raven đề cập trong Lịch sử của sách. Lần mở những trang về sau của nghiên cứu này, một thế giới rộng lớn với những kiến thức tổng hợp về kỹ thuật in ấn, xuất bản, hoạt động đọc… càng lôi cuốn hơn nữa với độc giả để lần mở thêm hiểu biết tổng quan về một loại hình lưu giữ, truyền bá tri thức, văn hóa của loài người từ cổ xưa đến nay.
Nguồn thanhnien