"Khúc hát của cây" và "Thở giữa rừng người" là hai câu chuyện kết nối với thiên nhiên, vạn vật, mang đến năng lượng bình an cho người đọc.
Một cách tình cờ, 2 cuốn sách Khúc hát của cây (David George Haskell, Phương Nam Books) và Thở giữa rừng người (Mình Là Hũ, bút danh của cô gái sống xanh Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, Wave Books và nhà xuất bản Thế Giới) với những câu chuyện về cây, về rừng được phát hành cùng thời điểm.
Hai góc tiếp cận khác nhau của hai tác giả ở những nền văn hóa khác nhau nhưng cùng có chung thông điệp về môi trường, về sự kết nối giữa con người - thiên nhiên. Trong những ngày dịch bệnh, Khúc hát của cây cũng như Thở giữa rừng người cùng góp phần lan tỏa năng lượng tích cực cho người đọc. Cây cối, côn trùng, chim chóc, đất, nước, hạt giống… tất cả đều là một phần trong chuỗi kết nối giữa con người với vạn vật. Lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên cũng chính là để trở về nhận diện giá trị bên trong của mỗi người.
Khúc hát của cây - tác phẩm tiếp nối sau những cuốn sách cùng đề tài môi trường: Đời sống bí ẩn của cây, Người trồng rừng, Mùa xuân vắng lặng...
Nhân vật trung tâm trong Khúc hát của cây chính là rừng, là thiên nhiên. Tác giả đã để các loài cây cất lên tiếng nói của mình về trái đất, con người và cả mối quan hệ phụ thuộc, tương hỗ của đôi bên. “Tiếng nói của cây” như một nhịp điệu không tách rời với đời sống, trong sự vận động của thiên nhiên, vạn vật. Những loài cây trong cuốn sách - từ những cây sống có vẻ như tách biệt với đời sống con người đến những loài cây sống ở các đô thị, có cả những cái cây là hình tượng trong thi ca, văn học - đều có những câu chuyện riêng.
Thiên nhiên với những điều kỳ diệu của vạn vật, rừng với những hơi thở của cây đã được chuyển tải uyên bác và mê đắm qua ngòi bút của nhà văn David George Haskell - vốn là giáo sư sinh vật học. Bằng sự “hóa thân” và thấu hiểu cây cối của mình, David Haskell đã mang đến những câu chuyện đầy bất ngờ.
Cây ôliu, linh sam nhựa thơm, cọ sabal, tần bì xanh, hồng sam, thông ponderosa, phong lá đỏ... đều có đời sống lặng lẽ mà phong phú, cả những cuộc “chuyển hóa” vai trò để trở thành các nhạc cụ, sản phẩm, vật liệu sử dụng cho con người. Vẻ đẹp của cây không chỉ là hiện sinh của vạn vật, mà còn qua đó giúp người ta có thể nhìn thấy cả lịch sử, văn hóa của từng vùng đất.
Bộ sách dành cho những ai yêu thích các tác phẩm về môi trường
Khúc hát của cây là tác phẩm nằm trong tủ sách về đề tài môi trường của Phương Nam Books, bên cạnh những cuốn sách đã xuất bản trước đó: Mùa xuân vắng lặng, Đời sống bí ẩn của cây, Niên lịch miền gió cát, Người trồng rừng…
Ở một góc độ gần gũi hơn, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương - với cái nhìn của một người trẻ sống xanh - đã ghi chép về những rung cảm với cuộc sống, những bài học cô nhận được trong quá trình tương tác với thiên nhiên và với chính mình. Là người luôn tích cực lan tỏa lối sống gần gũi với thiên nhiên trong nhiều năm qua, Quỳnh Hương là tác giả cuốn sách Sống xanh rồi mới sống nhanh (nhà xuất bản Kim Đồng, 2020).
Trở lại với Thở giữa rừng người lần này, tác giả tiếp tục truyền tải thông điệp nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa về môi trường.
Cuốn sách nhỏ nhưng gửi gắm nhiều thông điệp yêu thương, ý nghĩa, kết nối với thiên nhiên
“Mặt trời là lời nhắc rằng bạn luôn có thể vươn lên khỏi những vùng tối vô định. Nước chảy trôi để bạn soi mình, để gặp gỡ và yêu thương. Không khí gửi những làn gió rung cảm thiết tha với cuộc đời. Hạt giống để bạn luôn nuôi dưỡng sự tử tế bên trong mình” - những nguyên tố, yếu tố cơ bản trong tự nhiên được tác giả nhắc đến trong kết nối với con người.
Và cây cũng là một lựa chọn gửi gắm thông điệp trong tác phẩm. “Điều duy nhất cái cây làm là sống đời của chính nó. Một cái cây sống xanh tốt tự khắc trở thành phước lành cho hệ sinh thái và cả con người. Nếu ví mỗi chúng ta là một cái cây thì sứ mệnh đơn giản nhất chính là thở đều, giữ mình nguyên lành giữa rừng người chật chội” - Nguyễn Hữu Quỳnh Hương chia sẻ.
“Điều đáng quý ở Nguyễn Hữu Quỳnh Hương chính là sự nồng hậu, tràn đầy yêu thương và bao dung khi đối diện với môi trường tự nhiên ngày càng bị xâm phạm nghiêm trọng. Chỉ có lòng thương và bao dung chân thành, như thể thương nhau trong cùng một gia đình, mới có lối tâm tình, khuyên nhủ thủ thỉ, đầy tính xây dựng và “bày lối cho đi”, nhẹ nhàng và lan tỏa” - chia sẻ của tác giả Lê Đỗ Quỳnh Hương.
Những ngày dịch bệnh, được kết nối với thiên nhiên qua những trang sách cũng là một cách nhận về năng lượng bình an
Thở giữa rừng người có lẽ cũng là một cuốn sách hiếm hoi của người viết trẻ về đề tài môi trường hiện nay. Quỳnh Hương gọi đó là “hành trình nhỏ bé” với những trải nghiệm chân thực của bản thân. Những ngày dịch bệnh ở yên trong nhà, được cảm nhận, thấu hiểu hơn về thiên nhiên, cây cối và vạn vật qua những trang sách cũng là một cách để người đọc nhận về năng lượng bình an.
Nguồn phunuonline