Giới thiệu sách
Ký ức Đông Dương - Việt Nam - Campuchia - Lào
Ký ức Đông Dương - Việt Nam - Campuchia - Lào
Mémoires D’ Indochine
Memories of Indochina
Tác giả: Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Eric Bourdonneau, Philippe Lefailler, Michel Lorillard
Nguyễn Thị Hiệp dịch tiếng Việt ; David Smith dịch tiếng Anh ; Olivier Tessier biên soạn ; Zac Herman hiệu đính
Ấn bản lần thứ nhất của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) & Nhà xuất bản Magellan & Co, Paris, (Ký ức Việt Nam, 2013; Ký ức Lào,2015; Ký ức Campuchia, 2017) EFEO và Nhà xuất bản Magellan & Co giữ bản quyền.
“Ký ức Đông Dương: Việt Nam - Campuchia - Lào” hoàn thành in ấn vào tháng 6.2020 là bản in đầu tiên có 3 ngôn ngữ Anh - Pháp - Việt được ấn hành bởi sự phối hợp giữa NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp tại Việt Nam sau hơn hai năm bắt tay thực hiện.
Phần đầu giới thiệu về lịch sử hình thành và những tư liệu quý giá qua thời gian được lưu trữ kỹ lưỡng bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp qua những chuyển biến của lịch sử. Những hình ảnh khắc sâu trong tim, về khoảnh khắc trong quá khứ, xuyên suốt ở ba quốc gia Việt Nam - Campuchia – Lào. Các khung cảnh sẽ xuất hiện trước mắt bạn như… Ký ức Việt Nam: cận cảnh Đông Dương, con người và truyền thống; mỹ thuật và kiến trúc, Phật giáo, lễ hội và nghi thức tôn giáo. Ký ức Campuchia: Khoa học - Mỹ thuật - Chính trị, Đất - Nước, nghi lễ hoàng cung, nhà sư và chùa chiền, thế giới “tách biệt”, khám phá. Ký ức Lào: tự nhiên và văn hóa, con người và thiên nhiên, lễ hội và truyền thống, thực hành Phật giáo. Tổng hợp tương quan về đa sắc tộc….
“Vốn chú trọng lối tường thuật, các nhà nghiên cứu vào cuối thế kỷ thứ 19 thường thích mang theo bên mình một cuốn sổ ghi chép, mặc dù họ cũng đã quen với những bức vẽ kỹ thuật vốn là những hình ảnh duy nhất được chấp nhận in kèm với các bài tạp chí chuyên ngành. Họ mô tả các chi tiết thông qua những ký họa giản lược khi không thể phó thác việc này cho thợ vẽ phụ tá của Viện. Đây quả là một công việc khó khăn vì để vẽ bằng than cần phải có óc quan sát, hoa tay và đặc biệt là phải có thời gian. Việc sử dụng ảnh giúp vượt qua được những trở ngại này đồng thời thoát khỏi các chuẩn mực gò bó của hội họa để thể hiện thực tế với độ chính xác như mong muốn. Các nhà khảo cổ học và dân tộc học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã rất nhiệt tình ủng hộ và bảo vệ công cụ chụp ảnh mới này vì chuyên ngành mới của họ mang tính kỹ thuật và gắn liền với thực địa (cũng tương tự như các nhà địa lý và địa chất học nhưng với những lý do khác). Ảnh chụp khoảnh khắc cho phép lưu giữ lại một hoạt động, hiện tượng diễn ra trong chốc lát và khôi phục toàn bộ các chi tiết mà mắt thường có thể không ghi nhận kịp. Chẳng hạn như vạt áo bung lên của người H’Mông, một công đoạn khai quật cổ vật bị chôn vùi dưới lòng đất hay một công trình xây dựng của người Chăm có nguy cơ sắp biến mất. Ảnh sao chụp cho phép xếp sang bên cạnh một số chủ đề rồi tiếp tục nghiên cứu nó về sau, quay lại một chi tiết nào đó, so sánh chúng hoặc dùng làm cứ liệu”. - Ký ức Việt Nam - Cận cảnh phương Đông – Viện Viễn Đông Bác cổ pháp ở Việt Nam
“Ba thập kỷ sau khi chuyển kinh đô từ Oudong về Phnom Penh, Phật viện Hoàng gia, chùa Preah Keo, bắt đầu được xây dựng bên cạnh hoàng cung vào năm 1892. Mối quan hệ giữa vua Norodom và chính quyền thuộc địa ngày càng căng thẳng vì chính quyền thuộc địa luôn tìm cách làm suy yếu quyền lực đế vương. Bức tượng vua cưỡi ngựa được dựng trước chùa Phật Ngọc là điểm nhấn, hình ảnh bảo hộ mới của vương triều, thể hiện đức vua mặc đồ chiến binh Pháp, chào kiểu nhà binh, đầu đội mũ lông vũ hai chỏm. Bức tượng này nổi tiếng vì phần thân được coi là của Napoléon III, chỉ thay thế phần đầu của đức vua. Từ khoảng giao thời giữa hai thế kỷ, hoàng gia có cái nhìn thù địch với chế độ Bảo hộ, vua Norodom là “Napoléon nhiệt đới” đang tiến lên, dưới sự bảo hộ của Preah Keo, để lấy lại tự do đã mất”.- Ký ức Campuchia - Nghi lễ hoàng cung
“Các bức ảnh là bằng chứng độc đáo làm toát lên cuộc sống êm đềm và giản dị ở Luang Prabang đầu thế kỷ 20. Trong những thập niên hai mươi, ba mươi của thế kỷ 20, các chuyến công tác ở Lào của EFEO rất hiếm khi được thực hiện ngay cả khi Viện vẫn còn rất nổi danh qua những ấn phẩm quan trọng như các nghiên cứu của Charles Robequain (1924-1926) (2), Suzanne Karpelès (1929-1933), Madeleine Colani (từ 1931-1935)(3) và Paul Lévy (1938-1940) hay những cuộc trùng tu của Louis Fombertaux (1929-1935). Những ảnh liệu còn lưu giữ chủ yếu liên quan đến cổ vật thời tiền sử hoặc những chi tiết về kỹ thuật xây dựng. Thời kỳ chuẩn bị và ngay sau đó là thời kỳ độc lập của Lào đi cùng với sự hồi sinh trong hoạt động của EFEO ở nước này. Một trụ sở của Viện được thành lập ở Viêng Chăn năm 1950 và tồn tại đến năm 1966. Henri Deydier (1922-1954) là thành viên phụ trách đầu tiên. Sự ra đi đột ngột do tai nạn khi ông mới 32 tuổi đã chấm dứt nguyện ước của ông trong việc thực hiện một chương trình nghiên cứu táo bạo về tư liệu trong các tỉnh mà ông nhắm đến. Tuy nhiên, ông cũng đã có thời gian để kịp tập hợp một số dữ liệu thú vị về các bộ tộc người miền Bắc nước Lào. Một số lượng nhỏ ảnh liệu chụp vào năm 1953 và 1954 sau này mới được bổ sung vào các ghi chép thực địa của ông. Pierre-Bernard Lafont (1926-2008) người kế vị ông với tư cách là đại diện của EFEO ở vương quốc Lào sau độc lập đã tiếp tục một số nghiên cứu mà Henri Deydier khởi xướng”. - Ký ức Lào - Tự nhiên và văn hóa
-----
Giới thiệu:
Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) Pháp tại Việt Nam: 120 năm - Một lịch sử đồng hành.
Được thành lập ngày 20 tháng 1 năm 1900 tại Sài Gòn, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) có nhiệm vụ thu thập, thống kê, bảo quản và phân tích các yếu tố văn hóa và di sản của lục địa Á châu. Ngay từ buổi sơ khai, chủ yếu là các trí thức Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng qua việc thực hiện các công trình của EFEO. Vốn thuộc tầng lớp trí thức và có kiến thức sâu rộng, họ đã hỗ trợ tích cực cho các đồng nghiệp người Pháp hiểu được văn hóa Việt Nam, và vì vậy, một cách tự nhiên, họ là những người thầy đầu tiên của một số đồng nghiệp Pháp. Lập trụ sở tại Hà Nội năm 1902, EFEO từ đó đến nay trường tồn cùng với thời gian giữa lòng Hà Nội ở nhiều địa điểm và cơ quan khác nhau: Bảo tàng Finot, nơi lưu giữ những bộ sưu tập của EFEO, được xây dựng năm 1926, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam; Bảo tàng Blanchard de la Brosse nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh v.v.
Ngoài ra còn phải kể đến một thư viện lớn của Viện đã được bàn giao cho Viện Thông tin Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Những năm tháng Đông Dương
Ngay sau khi thành lập tại Hà Nội, EFEO đã quan tâm tới các ngành xã hội nhân văn của Việt Nam xưa tỏa sáng bên cạnh văn minh Trung Hoa, từ lưu vực sông Hồng tới dãy Hoành Sơn phía Bắc và tới tận các vùng ở Thanh Hóa. Nguồn tư liệu thành văn dưới mọi hình thức, đặc biệt là thư tịch Hán Nôm đã trở thành tâm điểm của các chương trình bảo tồn và in rập đối với các loại tư liệu dễ bị hư hại nhất. Các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam đã nghiên cứu với phương pháp khoa học về văn minh thư tịch, văn tự trong đó phải kể đến Nguyễn Văn Tố hay Raymond Deloustal, người đã có công trong việc làm sống dậy một quá khứ hào hùng, khai sáng ngành sử học cũng như nền tảng văn hóa xã hội của Việt Nam hiện đại.
Vào đầu thế kỷ 20, Henri Parmentier đã thể hiện sự quan tâm đối với khảo cổ học Chăm cổ và chính ông là người chỉ đạo những cuộc khai quật ở Mỹ Sơn, Đồng Dương và Chánh Lộ (1902-1904) và đã công bố công trình đồ sộ của mình
“Inventaire descriptif des monuments Cham de l’Annam” [Thống kê khảo tả những di tích Champa ở Trung Kỳ]. Chính từ đà này, ông đã sáng lập Bảo tàng điêu khắc Chăm - Đà Nẵng (1919). Trong những năm 1930, các cuộc khai quật được tiếp tục tại Tháp Mắm và Trà Kiệu dưới sự chỉ đạo của Jean-Yves Claeys.
Những công trình nghiên cứu của Louis Malleret đánh dấu cho một số nghiên cứu được thực hiện ở miền Nam Việt Nam. Sống tại Việt Nam trong một phần tư thế kỷ (1929-1957), chính Louis Malleret phát hiện ra thương điếm là bằng - 6 -chứng vật thể chứng minh sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam. Các cuộc khai quật do ông chỉ đạo vào năm 1944 đã khám phá ra nền văn minh Óc Eo và làm nên công trình đồ sộ của ông: Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long.
Song song với việc nghiên cứu thư tịch cổ và các cuộc khai quật khảo cổ, EFEO quan tâm tới các nghiên cứu văn hóa dân gian và di sản phi vật thể nhằm hiểu rõ hơn về không gian và môi trường của một nền văn minh vốn gắn với thực vật.
Làng được đặc biệt quan tâm nghiên cứu vì nó vừa là trung tâm của nền văn minh lúa nước, vừa là biểu tượng cho một quốc gia đa sắc tộc gắn kết trong khu vực Đông Nam Á.
Nhiều cuộc điều tra, khảo sát dân tộc học đầu tiên về các nhóm dân tộc trên bán đảo Đông Dương đã được các nhà nghiên cứu nghiệp dư thông tuệ - các thành viên thông tấn của Viện thực hiện. Có thể kể đến các binh sĩ, giáo viên hay các nhà truyền giáo, như cha Léopold Cadière, người sáng lập Hội Đô Thành Hiếu Cổ và tạp chí mang tên của Hội, những ấn phẩm của ông về tín ngưỡng và cuộc sống thường nhật của người Việt luôn là những tài liệu tham khảo không thể bỏ qua.
Ở EFEO, bộ môn dân tộc học đã được thành lập dưới sự chỉ đạo của Paul Lévy, ông tiếp nhận các chuyên gia về dân tộc học người Việt như Nguyễn Văn Huyên (sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục 1956-1975), Nguyễn Văn Khoan, Trần Văn Giáp, v.v.
Qua các chương trình khảo sát thực địa, họ đã dựng nên bản đồ dân tộc học ngôn ngữ đầu tiên của Đông Dương, hoàn thành vào năm 1941, công bố các cuốn từ điển và tập hợp được một phông ảnh liệu đồ sộ. Về sau còn có sự xuất hiện của những nhà nghiên cứu trẻ như Georges Condominas (1947), nhà ngôn ngữ học Georges Haudricourt (1948) hay cả Jean Boulbet (1966). Tất cả các học giả này đã góp phần tạo nền móng để ngành dân tộc học hiện đại của Việt Nam dựa vào đó để phát triển.
Năm 1957, việc di dời EFEO về Paris đã được thực hiện một cách rất hệ thống, EFEO đã chuyển giao với trách nhiệm cao nhất toàn bộ các khu nhà, bảo tàng và những bộ sưu tập mà EFEO đang sở hữu cho chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những hoạt động của EFEO ở Việt Nam từ 25 năm nay
Chính sách mở cửa của Việt Nam đã cho phép thành lập một trung tâm EFEO mới tại Hà Nội năm 1993 và sau đó là trung tâm thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012, nằm trong hệ thống 18 trung tâm tại châu Á.(1)
Tiếp nối truyền thống nghiên cứu về Việt Nam xưa, ngay từ đầu những năm 1990, EFEO đã khởi xướng “Dự án xuất bản Thư mục và Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam” do Philippe Papin điều phối với sự hợp tác của Viện Hán Nôm (VASS). Dự án này đã cho phép xuất bản, bảo tồn 22.000 thác bản văn bia do EFEO in rập từ 1911 đến 1954. Bộ Tổng tập đồ sộ này gồm 22 quyển. Ngoài ra còn có 12 tập thư mục mô tả chi tiết từng tấm bia. Đây chủ yếu là những tư liệu tồn tại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 ở các làng xã miền Bắc, như văn tự công đức, hợp đồng cung tiến, phong tục tập quán, quy định về chợ búa, về những thỏa ước, giao kèo giúp chúng ta hiểu được cuộc sống thường nhật của nông thôn Việt Nam xưa.
Việc thu thập các bản thảo cổ bằng chữ viết của người Dao cũng đã được thực hiện với cùng một cách tiếp cận như trên để bảo tồn di sản chữ viết. Dự án này do Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai, ông Trần Hữu Sơn, Philippe Le Failler (EFEO) và Bradley Davis (Trường Đại học Washington) thực hiện đã cho phép sưu tập được 14.000 văn bản viết tay, trong đó 1.000 văn bản đã được số hóa.
Nhưng giấy viết, dù được thực hiện trên nền chất liệu nào, cũng không phải là hình thức duy nhất được con người sử dụng để ghi lại thực tế cuộc sống hàng ngày hoặc các sự kiện quan trọng. Các hình khắc trên đá ở Sa Pa được tìm thấy ở trên sườn núi khu vực thung lũng thuộc tỉnh biên giới Lào Cai cho đến nay vẫn chưa biết tác giả của chúng là ai cũng như thời điểm ra đời chính xác của các hình khắc chạm này. Ta có thể phân biệt được những nét khắc hình người hoặc hình khắc các đồ vật lao động nông nghiệp thường nhật. Vào năm 2005, EFEO và tỉnh Lào Cai đã quyết định thực hiện việc thống kê có phương pháp các hình khắc đá này và nhờ đó đã ấn hành tập thư mục giới thiệu bãi đá có hình khắc cổ ở huyện Sa Pa và một nghiên cứu phân tích phong cách tranh khắc vào năm 2012.
Một lĩnh vực khác được Viện đặc biệt chú trọng là khảo cổ học. Trong số các chương trình được tiến hành từ 25 năm nay, có thể kể đến dự án nghiên cứu di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long được khởi xướng vào tháng 12 năm 2002 đã huy động nhiều thành viên của Viện tham gia. Cũng chính trên diện tích một vài héc-ta này, trung tâm chính trị của Việt Nam đã được thiết lập từ hơn một thiên niên kỷ trước. Hợp tác khoa học giữa Trung tâm EFEO tại Hà Nội và Viện Khảo cổ đã khởi đầu, cùng với một số chương trình khác, việc thành lập bảo tàng khảo cổ mang tên Bảo tàng Hà Nội - nghìn năm Thăng Long.
Ở miền Trung, có một chương trình nghiên cứu về lịch sử xã hội miền Trung Việt Nam trong mối quan hệ văn hóa giữa Champa với Đại Việt và các dân tộc vùng cao. Năm 2005, việc phát hiện ra Trường lũy ở tỉnh Quảng Ngãi (dài 127km được người Kinh và người H’rê xây dựng vào năm 1819) đã giúp nhìn nhận lại vấn đề đồng nhất giữa các nhóm dân cư khác nhau trong vùng (thế kỷ 15 - thế kỷ 19) và các mối quan hệ trung tâm - ngoại vi.
Nghiên cứu về nông thôn luôn luôn có vị trí đặc biệt trong các công trình nghiên cứu của EFEO. Cần phải nói rằng trong vòng hơn một thế kỷ, những nghiên cứu về người nông dân Việt Nam ở một đất nước thuần nông đã nỗ lực xác định một hình mẫu về “làng truyền thống” được định hình như một không gian khép kín, tự cung tự cấp và có khả năng tự lập tự trị rất cao. Trong một nghiên cứu so sánh đã được triển khai thực hiện trong vòng bốn năm trên bốn ngôi làng thuộc châu thổ sông Hồng, thế giới nông thôn thể hiện một phương diện hoàn toàn khác khi nó được định vị dưới góc độ trao đổi, sự linh động về thiết chế cùng với những biến chuyển về không gian xã hội và chính trị.
Nỗ lực tìm hiểu về xã hội nông thôn Việt Nam đặt ra câu hỏi trọng tâm về mối quan hệ Nhà nước – Địa phương được xem xét dưới góc độ quản lý nước và thủy lợi mà sự hiện diện khắp nơi của nước tạo nên cảnh quan và thấm đẫm văn hóa nhân sinh. Các nghiên cứu đề cập đến quá khứ, qua các phân tích sự thay đổi chính sách thủy lợi của đồng bằng châu thổ sông Hồng (thế kỷ 12 đến thế kỷ 20), cũng như đề cập đến các phương thức hiện tại về quản lý nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai và ở miền Nam.
Cuối cùng, trước khi kết thúc bài giới thiệu ngắn này, không thể bỏ qua các ấn phẩm của EFEO tại Việt Nam. Ấn phẩm được chia thành hai bộ danh mục (Thư viện Việt Nam và Tư liệu phục vụ cho nghiên cứu Lịch sử: 15 cuốn sách và 7 ấn phẩm điện tử) và bộ sưu tập sách đặc biệt (34 công trình). Từ năm 1993, 6 dự án xuất bản lớn đã được thực hiện trong đó có công trình in bằng ba ngôn ngữ, kèm chú giải tác phẩm của Henri Oger “Technique du Peuple Annamite” [Kỹ thuật của người An Nam], (1909), ấn phẩm trọn bộ “Địa chí thời vua Đồng Khánh” (306 bản đồ in màu) và ấn bản điện tử 120 số của tập san Những người bạn cố đô Huế.
OLIVIER TESSIER (EFEO)
Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam: 120 năm - Một lịch sử đồng hành.
Sách Ký ức Đông Dương - Việt Nam - Campuchia - Lào của tác giả Philippe Le Failler; Eric Bourdonneau; Michel Lorrilard, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark