Khu Phố Tây Ở Hà Nội Nửa Đầu Thế Kỷ XX Qua Tư Liệu Địa Chính
Có rất nhiều tư liệu miêu tả về các hoạt động thương mại ở đây, tuy nhiên, những miêu tả về cảnh quan, nhà cửa nơi này dường như không được chú trọng lắm. Nếu qua địa bạ cổ Hà Nội (lập trong nửa đầu thế kỷ XIX), chúng ta có được những hình dung về quang cảnh Hà Nội nói chung, khu phố cổ nói riêng, với sự phân chia theo các đơn vị hành chính xã/thôn hay phường, theo những sở/khoảnh đất thuộc các loại sở hữu khác nhau, hay các loại hình mặt nước như ao, hồ, đoạn sông… những hình ảnh mang nhiều dáng dấp của nông thôn hơn thành phố (trừ những miêu tả về các dấu ấn của thành Hà Nội) thì tới nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với những ghi chép của người Pháp và người bản xứ cùng các nguồn tư liệu lưu trữ, sự chuyển mình đô thị hóa của Hà Nội đã được phác họa ngày càng rõ nét.
Có thể nhận thấy, quá trình biến đổi của Hà Nội giai đoạn cận đại trải qua hai thời kỳ chính: giai đoạn đầu từ năm 1888 - 1920 và giai đoạn thứ hai từ năm 1920 - 1945. Ở mỗi thời kỳ, nhịp độ và mức độ các hoạt động của thực dân Pháp tác động tới sự biến đổi diện mạo khu phố cổ hoàn toàn khác nhau. Trong thời kỳ đầu, hai hoạt động chính được tiến hành đồng thời của người Pháp là phá huỷ và tái tạo cảnh quan tự nhiên khu phố cổ. Những cảnh quan cũ mang đậm tính chất nông thôn đan xen trong quang cảnh đô thị thời kỳ trước từng bước nhường chỗ cho những cảnh quan thuần chất đô thị. Ở giai đoạn tiếp sau, người Pháp đã tiến hành chỉnh trang diện mạo đường xá, nhà cửa của khu phố cổ trong quá trình quy hoạch tổng thể đô thị Hà Nội. Đặc biệt, từ năm 1930 đến năm 1944, liên tục những đề án quy hoạch đô thị Hà Nội được Sở kiến trúc và đô thị đưa ra nhằm cải tạo và mở rộng thành phố Hà Nội, áp dụng những nguyên lý quy hoạch hiện đại thịnh hành ở châu Âu đương thời, có sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh Đông Dương. Diện mạo của khu phố cổ có những đổi thay, đặc biệt là những đổi thay về nhà cửa và phố xá.