Khiếu Ăn Mày
Văn chương và… cảnh sát
Có thể vừa chiều được người đọc “mê trinh thám” lại vừa chiều được người đòi hỏi văn chương chứ không phải như… tin vụ án. Thế mới khó.
Vậy mà truyện ngắn của Võ Chí Nhất đang bước đầu thành công theo hướng đó. Tuổi 25 – (trẻ nhất Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh) với đôi kính cận, hay mặc áo caro, hiền hậu vui vẻ và lễ độ, nhìn rất khó hình dung ra anh công an trẻ ở Củ Chi, càng khó hình dung hơn đó là một nhà văn.
Trong tập truyện ngắn này, người đọc sẽ được thấy những câu chuyện rất “đời sống” thường thấy nhưng nó hiện ra bằng văn chương, cốt truyện đơn giản, hài hước, kết thúc bất ngờ. Có chút gợi nhớ “không khí xưa” khi ta còn nhỏ đọc thám tử Sherloc Holmes.
Không khí “bàng bạc thám tử” ấy mang lại sự duyên dáng và kích thích người đọc. Một anh chàng mời người đẹp vào tiệm ăn, cô ta tranh thủ gọi lia lịa, gần lúc thanh toán thì chàng… đi toilet. Lúc đó có thám tử vào tìm, cô mới tá hỏa biết đó là một tên trộm lừa đảo. Hắn chuyên lừa để ăn tiệc với gái xinh sang chảnh mà… không mất tiền (Phiêu lưu trên thực đơn).
Giễu sự chậm chân của cảnh sát, tác giả cho cô gái có xung đột với người yêu, gọi mãi không thấy cảnh sát. Khi họ tới té ra bị quả lừa “Nếu tôi không bịa ra là tôi đã giết chết hắn thì các anh có đến nhanh như thế không ?” (Chuyện lúc nửa đêm).
Gã ăn mày trẻ ngồi trước nhà băng, bị cạnh tranh bởi mụ ăn mày già. Cuối cùng nhờ vào sự kiện hắn bị đánh, nhờ vào cái bớt trên tay mà mụ ăn mày đối thủ bỗng nhận ra hắn chính là đứa con lưu lạc và hắn tìm được mẹ mình. (Khiếu ăn mày).
Ngoài mảng chuyện có “âm hưởng vụ án” ra, tác giả có loạt truyện khác xen kẽ nhiều chất nhân văn như viên cảnh sát Mỹ bắt được bà ăn trộm trứng trong siêu thị vì con đang đói. Kết thúc là viên cảnh sát mua thêm cho bà và sau đó “không biết ai” đã gửi đến cả một chuyến xe thức ăn tới, khiến lũ trẻ đói tin rằng đó là món quà muộn của ông già Noel… (Điều ước đêm Giáng sinh).
Một cặp vợ chồng hiếm muộn do bệnh của chồng. Khi anh biết vợ đã mang thai với người khác, với lòng nhân ái trước sự tha thiết làm mẹ của người phụ nữ, anh đã giấu chịu đau khổ một mình để cho vợ được sống cuộc đời lựa chọn trong hạnh phúc… (Vợ ơi, dậy lấy chồng).
Võ Chí Nhất đưa câu chuyện có thật nhưng “bàng bạc” “hư thực” cho người đọc cứ phải mò đoán theo miên man rồi mỉm cười và cảm động. Những tên trộm, những bà già, anh cảnh sát, có người ở một huyện nhỏ, người lại là bà Johnson ở Mỹ vào trộm ở siêu thị Dollar General sợ anh cảnh sát Stacey…
Chính cách đó đem lại cho người đọc cảm giác thấy rõ tác giả là một tâm hồn trong trẻo, nhân ái và ngây thơ nghịch ngợm. Ta có thêm cách nhìn, cách yêu mới mẻ về cuộc đời và người cảnh sát.
Nhà văn NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI