…“Kafka dùng chữ "văn học nhỏ" (kleine Literatur). Deleuze và Guattari dịch là "litérature mineure". Nhưng, "mineure" ("nhỏ hơn") ở đây không hề có nghĩa là nhỏ bé hơn, thấp kém hơn, hay thậm chí, ấu trĩ. Trái lại, "nhỏ" biểu thị một thế đứng nhất định, một vị trí phát ngôn để từ đó sáng tác văn chương. Deleuze xác định vị trí của "cái nhỏ" như là thế đứng để tạo ra một "thiểu số" trong diễn ngôn có mối quan hệ trực tiếp với quyền lực chính trị như sẽ thấy rõ hơn ở sau. Ngôn ngữ nào cũng áp đặt những quan hệ quyền lực thông qua các quy tắc ngữ pháp và cú pháp, các mã từ vựng và từ nghĩa, tuy nhiên, những quan hệ này lại không ổn định. Sử dụng ngôn ngữ theo kiểu "đa số" luôn có xu hướng hạn chế, tổ chức, kiểm soát và điều tiết chất liệu ngôn ngữ phục vụ cho trật tự xã hội thống trị, trong khi đó, sử dụng ngôn ngữ theo kiểu "thiểu số" sẽ du nhập sự mất cân bằng giữa các thành tố, tận dụng được tiềm năng đa dạng và dị biệt hóa vốn có mặt bên trong ngôn ngữ. Mọi ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ thống trị hoặc bị gạt sang bên lề, đều đón nhận cả hai cách sử dụng, và, do đó, văn học thiểu số được hiểu như là cách xử lý những biến số của ngôn ngữ theo cách "thiểu số". Thật thế, cái đa số là cái thuần nhất, đồng dạng (homogene). Nó cần có quy phạm để duy trì quyền lực, để tự kiểm soát và tự khẳng định. Ngược lại, cái thiểu số có thể đề ra những biện pháp để thoát khỏi sự cưỡng bức phải đồng dạng hóa ấy. Nó dự phóng những "đường thoát", tạo ra những không gian "ở giữa", và có thể trở thành-khác. Đặc điểm của thiểu số là tính không thuần nhất, không đồng dạng (hetérogene). Nó không bị kiềm tỏa trong vòng quy phạm thống trị của đa số; nó có thể "thêm vào", nghĩa là không thể đo đếm được, và không chịu "xếp hàng"….
(trích "VĂN HỌC THIỂU SỔ" và một cách đọc khác về Kafka Bùi Văn Nam Sơn, Kafka – Vì một nền văn học thiểu số, Gilles Deleuze và Félix Guattari, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri thức, 2013).