Giới thiệu sách
Học viện Viễn Đông Bác Cổ (Bìa Cứng)
Trong sự hình thành Học viện Viễn Đông Bác cổ có 3 mốc quan trọng: ngày 15/12/1898, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương (Mission archéologique permanente en Indochine); ngày 20/1/1900 Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định về việc đổi tên Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương thành Học viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, gọi tắt là EFEO); ngày 26/2/1901 Tổng thống Pháp ký Sắc lệnh chính thức công nhận việc thành lập Học viện Viễn Đông Bác cổ. Chỉ riêng 3 văn bản này đã đánh dấu sự phát triển về vai trò và vị trí của EFEO trong phạm vi khoa học: từ một phái đoàn khảo cổ Đông Dương thành một học viện Viễn Đông.
Trong khoảng 60 năm đặt trụ sở tại Việt Nam, EFEO đã là cơ quan đầu tiên nghiên cứu văn hóa và khoa học nhân văn trên thực địa vùng Viễn Đông, trong đó có ba nước Đông Dương. Các công trình nghiên cứu này, đặc biệt là nội dung và phương pháp nghiên cứu, cho tới nay “vẫn còn nguyên giá trị, được sử dụng trong công tác nghiên cứu và giảng dạy ở bậc đại học và trên đại học hiện nay. Khối tư liệu và các công trình đồ sộ này mở ra rất nhiều hướng cho việc tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam”. (Nguyễn Duy Quý, Một nguồn tri thức quan trọng để bước vào thế kỷ XXI. Những đóng góp của giới khoa học Pháp vào việc nghiên cứu Việt Nam. Viện Viến Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội 1900 – 2000. Nhìn lại một thế kỷ nghiên cứu khoa học. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr. 12. )
Trong bài “Sự phát triển của Việt Nam học trên thế giới”, đăng trên tạp chí Xưa và Nay, số 322, tháng 12 năm 2008, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã viết: “Pháp là nước có nền Việt học sớm nhất và học giả nước này cũng có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này. Kế tục sự nghiệp của Viện Viễn Đông Bác cổ trước đây, các chuyên gia của EFEO ngày nay tập trung nghiên cứu dịch thuật và công bố nhiều tài liệu quý và các công trình biên khảo đã từng được công bố trước đây. Mặt khác, theo sáng kiến của EFEO các chuyên gia Pháp đã từng xây dựng một chương trình hợp tác đồ sộ với các nhà khoa học Việt Nam trong chương trình nghiên cứu đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, Pháp vẫn được coi là quốc gia có nền Việt học phát triển mạnh”.
Ngoài ra, trong thời kỳ ở Việt Nam, EFEO đã xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học như Thư viện của EFEO, Bảo tàng Louis Finot, Bảo tàng Henri Parmentier, Bảo tàng Blanchard de la Brosse mà cho tới nay các đơn vị tiếp quản chúng là Thư viện Khoa học Xã hội tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Điêu khắc Chàm tại Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phát huy và phát triển.
Dựa trên những tư liệu hiện có tại Thư viện Khoa học Xã hội và một số nguồn khác, chúng tôi biên soạn cuốn sách nhỏ này nhằm phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của Học viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội, các đóng góp quan trọng của Học viện (trong đó có Thư viện) trong sự phát triển khoa học, giáo dục và văn hóa tại Việt Nam trong giai đoạn EFEO có trụ sở chính tại Việt Nam (1898-1957). Chúng tôi cũng đặc biệt nêu lên vai trò và đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam đối với EFEO trong suốt quá trình cơ quan này tồn tại và phát triển tại Việt Nam.
Cuốn sách này gồm 7 phần chính:
Phần 1. Vài nét về việc thành lập EFEO
Phần 2. Bộ máy tổ chức của EFEO
Phần 3. Một số đóng góp của EFEO trong việc nghiên cứu văn hóa và khoa học nhân văn phương Đông và Việt Nam
Phần 4. Các nhà khoa học Việt Nam làm việc tại EFEO
Phần 5. Các hoạt động về xuất bản, bảo tàng và đào tạo của EFEO
Phần 6. Thư viện của EFEO
Phần 7. Đông phương Bác cổ Học viện thời kỳ Chính phủ Hồ Chí Minh
Phần 8. EFEO tại Hà Nội trong giai đoạn từ 1946-1957
Ngoài ra còn có phần Phụ lục gồm một số văn bản liên quan đến EFEO và một vài nét về các công trình nghiên cứu hiện nay của EFEO về Việt Nam; thư mục các sách và các bài trên tạp chí EFEO về Việt Nam cùng một số tư liệu ảnh trong thời gian EFEO tại Hà Nội.
Các phần 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8 do ông Ngô Thế Long, cán bộ Viện Thông tin KHXH biên soạn; phần 3 do ông Trần Thái Bình, nhà nghiên cứu lịch sử (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) biên soạn.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn GS. TS Hồ Sĩ Quý, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, các cán bộ Phòng Bảo quản và Phòng Công tác bạn đọc của Thư viện Khoa học Xã hội và Thư viện thuộc Văn phòng đại diện của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cùng nhiều bạn bè khác đã giúp chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.
Vài lời cho lần tái bản : Cuốn sách Học viện Viễn Đông Bác cổ (Giai đoạn 1898-1957) do Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản lần đầu vào năm 2009, với số lượng in rất hạn chế. Từ đó đến nay, mối quan hệ và hợp tác khoa học giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường đại học của Việt Nam với EFEO ngày càng phát triển. Đặc biệt tháng 12/2014, tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Khoa học : “Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) và các ngành Khoa học xã hội Nhân văn Việt Nam” đã quy tụ nhiều nhà khoa học trên thể giói và Việt Nam. Cuốn sách song ngữ Pháp-Việt “Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu - Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam” xuất bản trong dịp này có bài viết của Ông Yves Goudineau, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã đánh giá cao “việc xuất bản vào năm 2009 cuốn sách hoàn toàn viết về lịch sử EFEO tại Việt Nam, đó là cuốn Học viện Viễn Đông Bác cổ (giai đoạn 1898-1957)”.
Trong lần tái bản này, chúng tôi đã bổ sung thêm một số chi tiết mới, đặc biệt là thêm một phần riêng về “Các nhà khoa học Việt Nam làm việc tại EFEO.”
Xin cám ơn Nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã tái bản cuốn sách này.
Phần 1
VÀI NÉT VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỌC VIỆN VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ
Thế kỷ của Louis XIV, chúng ta là nhà Hy Lạp học, còn bây giờ chúng ta là nhà Đông phương học
(Victor Hugo, Les Orientales, 1829) (1)
Cuối thế kỷ XIX, việc tìm hiểu, nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu trên thực địa về văn hóa phương Đông đã trở thành một nhu cầu bức thiết đối với các nhà khoa học phương Tây. Lúc đó, một số viện sĩ, nhà nghiên cứu văn khắc và ngôn ngữ thuộc Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương của Pháp (2) (Académie des Inscriptions et Belles Lettres) thuộc Học viện Pháp quốc (3) (Institut de France ) là Auguste Barth (1834-1916), Émile Sernat (1847-1928) và Michel Bréal (1832-1915) có ý tưởng thành lập một học viện nghiên cứu về phương Đông đặt tại châu Á, tương tự như các học viện tại Rôme (École française de Rome (EFR), thành lập năm 1875), Athènes (École française d'Athènes (EFA), thành lập năm 1846) và Cairo (École française du Caire, thành lập năm 1880 và đổi tên thành ’Institut français d'archéologie orientale (IFAO) năm 1898).. Lúc này, ba nước Đông Dương đã thành thuộc địa của Pháp, ý tưởng trên của các viện sĩ lại phù hợp với ý tưởng của chính quyền thực dân tại Đông Dương là cần có một “cơ quan phù trợ cho hệ thống thuộc địa” (4) , nên “người ta đã chọn Đông Dương - một vị trí có nhiều hứa hẹn về mặt văn hóa, làm trụ sở cơ quan” (5). Mặt khác, vào lúc này tại Đông Dương đã có những tổ chức, cá nhân có những công trình nghiên cứu về Đông Dương, tuy còn phân tán và nhỏ lẻ. Chẳng hạn như các nhà khoa học thuộc Trường Tập sự Hành chính (Collège des Administrateurs stagiaires) được thành lập vào năm 1873 đã xuất bản tạp chí Điều tra và Khảo sát (Excursions et Reconnaissances) (6) , công bố nhiều bài viết và công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khảo cứu đầu tiên về văn khắc Chàm và Khơme của Étienne Aymonier; như Phái đoàn truyền giáo Pavie đã tiến hành các cuộc điều tra về vật lý và dân tộc học; như Ủy ban Canh nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ (Comité Agricole et Industrie de la Cochinchine) thành lập năm 1865 và ngày 23/2/1883 đổi tên thành Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoise), đã xuất bản tập san của Hội, trong đó công bố nhiều công trình khoa học, đặc biệt là công trình nghiên cứu và sưu tầm cổ vật. Ngoài ra, Đông Dương còn là nơi chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh trong khu vực: Trung Hoa và Ấn Độ.
Trong những điều kiện như vậy, ngày 15/12/1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857-1932) đã ký Nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương (Mission archéologique permanente en Indochine). Phái đoàn này được đặt dưới quyền của Toàn quyền Đông Dương và dưới sự kiểm soát về mặt khoa học của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương (7) với các mục đích sau:
Tiến hành nghiên cứu khảo cổ học và ngữ văn học của bán đảo Đông Dương, bằng mọi cách, tạo điều kiện thuận lợi để hiểu biết lịch sử, những công trình nghệ thuật và những thổ ngữ của Đông Dương.
Góp phần vào việc nghiên cứu học thuật về những vùng và những nền văn minh lân cận: Ấn Độ, Trung Quốc, Mã Lai.
Ngày 20/1/1900 Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký Nghị định về việc đổi tên Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương thành Học viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient, gọi tắt là EFEO).
Sau đó, ngày 26/2/1901 Tổng thống Pháp Émile Loubet (1838-1929) đã ký sắc lệnh chính thức công nhận việc thành lập École française d'Extrême-Orient, trong đó mục đích của cơ quan không thay đổi, nhưng có bổ sung thêm Nhật Bản vào danh sách các nước có nền văn minh cần đưa vào chương trình nghiên cứu và EFEO trở thành một thiết chế của nhà nước Pháp (8).
Ngày 3/4/1920 Tổng thống Pháp Paul Deschanel (1855-1922) đã ký sắc lệnh bổ sung thêm một mục đích của EFEO là: Bảo đảm việc bảo tồn và gìn giữ các công trình lịch sử ở Đông Dương. Cũng theo sắc lệnh này, kể từ ngày 1/1/1921, EFEO có tư cách pháp nhân dân sự và tự chủ về tài chính và là cơ quan nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, địa vật lý và địa lý nhân văn về Bán đảo Đông Dương và các nước phương Đông . (9)
Theo Sắc lệnh trên, Giám đốc của EFEO được bổ nhiệm bằng Sắc lệnh của Tổng thống theo đề nghị của Toàn quyền Đông Dương và theo sự giới thiệu của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương, có nhiệm kỳ là 6 năm và có thể được kéo dài. Ông Louis Finot (1864-1935), nguyên Phó Giám đốc Trường Cao học thực hành (École pratique des Hautes Études, viết tắt là EPHE), nhà khảo cổ học, chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á, là Giám đốc đầu tiên của EFEO.
Như vậy, về nguyên tắc, EFEO được quyền độc lập thực sự về khoa học, không bị đặt dưới quyền quản lý của chính quyền thuộc địa về trình diện nghiên cứu, cũng như các Học viện đã có trước ở Athènes và Rôma, quyền đó thuộc về Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương, cơ quan kiểm soát về mặt khoa học của EFEO. Tuy nhiên trong thực tế, không phải không có khó khăn khi thực thi. Trước hết các nhiệm vụ, chức năng của EFEO không chỉ hoàn toàn là khoa học, EFEO còn đảm nhiệm việc bảo tồn và trùng tu các công trình lịch sử, do đó phải chấp hành các nghị định của chính quyền thuộc địa. Mặt khác, ranh giới giữa các lợi ích khoa học thực sự và những phản ứng công dân trong bối cảnh thời sự trước mắt thật là mỏng manh và EFEO thường bị chính quyền thuộc địa phàn nàn, nhất là khi những phản ứng ấy bất lợi cho chính quyền. Ví dụ như Edouard Huber (1879-1914), một thành viên của EFEO, đã bị chính quyền phản ứng mạnh mẽ khi dịch ra tiếng Pháp bài đả kích của nhà nho dân tộc chủ nghĩa Phan Chu Trinh gửi các nhà cầm quyền Pháp, đăng trên mục Thời sự (Chronique) của Bulletin de l’EFEO (Tập san EFEO) tập 7 năm 1907 (10) . Trong một bức thư của Claude-Eugène Maitre (1876–1925), Giám đốc EFEO viết cho Louis Finot tại Pháp vào năm 1908 có đoạn: “Tôi đã có một cuộc tranh luận với ngài Bonhoure (quyền Toàn quyền Đông Dương - Người dẫn) khi từ Phnôm Pênh trở về. Con người thông minh và thiện cảm này là người hâm mộ những thuyết chính trị của Ottomane. Ông muốn làm cho Đông Dương thêm ngu muội. Thật là không nói gì, biết gì nữa! Ông ta đòi kiểm duyệt các mục Thời sự và Thư mục (trên Tập san của EFEO - Người dẫn)... Ngài hãy tìm kiếm (với chính quyền thuộc địa ở Paris - Người dẫn) một dự án cho Học viện chỉ phụ thuộc vào Viện Hàn lâm... Giải pháp này cần phải được thực hiện”. Và những đề nghị này đã được chính quyền ở chính quốc thực hiện dần dần. Cho tới Sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 27/9/1939, các công việc của EFEO hầu như do chính quốc kiểm soát. Chính quyền thuộc địa ở Đông Dương chỉ còn mỗi nhiệm vụ “bổ nhiệm nhân sự hành chính và kỹ thuật”. Có thể nói rằng trong giai đoạn này, ở châu Á, khi thế lực thực dân của người châu Âu đua tranh trong tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế cũng như khoa học, thì việc thành lập EFEO, theo Claude-Eugène Maitre, đã cứu chữa tình thế được phán xét là “mất thể diện” cho nước Pháp (11). Trong bức thư gửi Giám đốc EFEO George Cœdès đề ngày 6/8/1930 của Paul Doumer - cựu Toàn quyền Đông Dương, người đã ra các văn bản đầu tiên về thành lập EFEO và lúc này là Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp – đã viết : “Lợi ích mà chúng ta đã tạo ra được bằng khoa học có những gốc rễ sâu hơn so với những lợi ích từ mọi nguồn khác” (12).
Cũng xin nói thêm về tên gọi của EFEO. Cũng như các Học viện nghiên cứu của Pháp ở Rôme, Athènes và Caire, EFEO đều có chữ đầu là École française, tức là Học viện của Pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tên của EFEO được dùng bằng chữ Hán là 遠東 博古 學 院, và chữ quốc ngữ là Viễn Đông Bác cổ Học viện (được ghi trên biển cơ quan tại trụ sở của EFEO, 26 Đại lộ Carreau), thậm chí trên tập san Dân Việt Nam (Le Peuple vietnammien) bằng tiếng Việt của EFEO có lúc chỉ ghi là Viện Bác cổ. Chữ Bác cổ ở đây là do người Việt đưa thêm vào dựa theo chức năng nghiên cứu của EFEO (từ thuật ngữ "thông kim, bác cổ). Hiện nay mới thấy tên gọi này xuất hiện sớm nhất trên Nam Phong Tạp chí số 11, tháng 5/1918 khi Vua Khải định đến thăm EFEO. Trong các tài liệu khác bằng tiếng Việt, có người dùng chữ “Viện” theo chức năng của EFEO là nghiên cứu, có người dùng đúng chữ “Trường” dịch từ “École”, thậm chí có người gọi là “Trường phái”. Trong cuốn sách này, khi nêu các dẫn chứng, chúng tôi giữ nguyên tên gọi của cơ quan này theo tác giả các luận văn được trích dẫn. Hiện nay, trung tâm của EFEO tại Hà Nội được ghi là Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, và người ta dùng tên EFEO bằng tiếng Trung Quốc hiện nay là 法國遠東學院, có nghĩa là Học viện nghiên cứu về Viễn Đông của Pháp (13). Để tiện lợi trong các phần dưới đây chúng tôi dùng chữ viết tắt là EFEO.
Chú thích
1. Câu nguyên văn trong tác phẩm Les Orientales của Victor Hugo: «Au siècle de Louis XIV on était helléniste, maintenant on est orientaliste»
2. Trong một số tư liệu thời Pháp thuộc, Académie des Inscriptions et Belles Lettres được dịch là Viện Hàn lâm Bi ký và Văn chương.
3. Institut de France là cơ quan Viện Hàn lâm của Pháp, thành lập ngày 25/10/1795. Institut de France tập trung năm viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Pháp (Académie française) thành lập năm 1635, Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương (Académie des inscriptions et belles-lettres) - năm 1663, Viện Hàn lâm Khoa học (Académie des sciences) - năm 1666, Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị (Académie des sciences morales et politiques) -1795 và Viện Hàn lâm Mỹ thuật (Académie des Beaux-Arts) - năm 1816 .
4. Philippe Le Failler, L’École française d'Extrême-Orient: 1900-2000. Regards croisés sur un siècle de curiosité scientifique - Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội 1900 – 2000. Nhìn lại một thế kỷ nghiên cứu khoa học. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
5. Bài phát biểu của Léon Vandermeersch, Giám đốc EFEO từ 1989 đến 1993. 90 năm nghiên cứu về văn hóa lịch sử Việt Nam. KHXH – EFEO, Hà Nội, 1995, tr 25-30. Ký hiệu kho: Vv 1793 (các ký hiệu kho nêu trong cuốn sách này đều là ký hiệu của kho sách Thư viện Khoa học Xã hội).
6. Tạp chí này có từ năm 1879, đến năm 1990 đổi tên thành Tạp chí Đông Dương (Revue Indochinoise)
7. Từ năm 1963, theo Sắc lệnh 14, ngày 23/12/1963, EFEO thuộc Bộ Giáo dục Quốc gia Pháp và hiện nay thuộc Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Pháp.
8. Décret et Arrêtés concernant l’École Française d’Extreme Orient (Sắc lệnh và các nghị định liên quan đến Học viện Viễn Đông Bác cổ). F.H. Schneider, Hanoi, 1902.
9. Les civilisations de l’Indochine et l’École française d'Extrême-Orient (Văn minh Đông Dương và Học viện Viễn Đông Bác cổ). EFEO, Hanoi, 1941, 32 tr.
10. Bulletin de l’EFEO, T.7, số 1-2, Janvier-Juin 1907, tr. 166-175.
11. Catherine Clémentin-Ojha, Pierre-Yves Manguin. Un siècle pour l’Asie: L’ École française d'Extrême-Orient, 1898-2000 (Một thế kỷ về châu Á: Học viện Viễn Đông Bác cổ, 1898-1900). Les Editions du Pacifique, École française d'Extrême-Orient, Paris, 2001. tr.19, 34-35.
12. Amaury Lorin. Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902). Bàn đạp thuộc địa. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2020, tr. 116.
13. Chữ Bác cổ nay gần như thành một địa danh của Hà Nội, là khu vực của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (trước đó là Bảo tàng Louis Finot của EFEO) ở đầu phố Tràng Tiền.
Sách Học viện Viễn Đông Bác Cổ (Bìa Cứng) của tác giả Ngô Thế Long; Trần Thái Bình, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark