Hát
Trần Nhã Thụy không phải là cái tên xa lạ với nhiều bạn đọc qua hàng loạt tác phẩm đã xuất bản. Với Hát, cuốn tiểu thuyết mới nhất, tác giả mượn cái nền âm nhạc, những câu hát của mọi thể loại, phản ánh hầu như mọi khía cạnh trong mối quan hệ giữa người và người. Trong đó, những tình bạn trân trọng, những tình yêu tiếc nuối, những yêu quý vô tư, những lợi dụng nực cười… xoay quanh cuộc sống của Kỷ, nhân vật chính, cũng là người kể chuyện.
Kỷ là một người đàn ông ngoài bốn mươi, nghỉ công việc của một kĩ sư tại cơ quan nghiên cứu sau khi đã dành tiền gửi ngân hàng đủ sống qua ngày. Dịp tình cờ anh nghe được mẹ con nghệ nhân ca trù là bà Huệ và Xuân Nương hát trên phố. Anh thích, nảy ra ý định học hát ca trù. Câu chuyện mở đầu như thế. Và độc giả theo Kỷ, không phải học ca trù, không phải khám phá và học hỏi những giá trị nghệ thuật của bộ môn này, mà quan sát lại chính xã hội chúng ta đang sống.
Hát còn nhiều những nhân vật kệch cỡm, có thể chỉ hư cấu, những cái tên khác đi. Nhưng nếu là người tinh ý, độc giả sẽ nhận ra những điều quen quen. Tác giả đã đưa vào tiểu thuyết những sự kiện từng nóng một thời trong xã hội như chữa bệnh cho cụ rùa, MV Anh không đòi quà, những nhà ngoại cảm… Anh cũng đưa vào rất nhiều những câu hát, những lời nhạc từ mọi thể loại để làm nền và đưa lối cảm xúc, hoặc để phê phán.
Truyện mở đầu bằng một bài ca trù, cũng kết thúc bằng những lời ca trù.
Kẻ ở lại người đi ngàn dặm cách
Để lòng ai nặng mối tình say
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy