Góc Nhìn Bát Quái - Tập 2
Có một thế giới âm dương hòa nhập trong vũ trụ, trong cuộc sống nhân loại, trong cơ thể con người, trong mọi vật trước mắt ta. Đôi đũa ta cầm một chiếc là âm, một chiếc là dương.
Thức ăn ta ăn có thứ là âm, có thứ là dương, âm dương hòa hợp, ấy là thức ăn ngon, có ích cho sức khỏe. Ta không nhìn thấy thế giới ấy nhưng ta cảm nhận được nó.
Có một thế giới tâm linh ẩn hiện xung quanh ta và trong ta. Ngọn đèn tâm linh vẫn soi sáng cho ta, bảo ban trong mỗi hành động, mỗi giờ phút, chỉ có điều ta biết nghe hay không nghe mà thôi.
Ta vẫn tưởng ta nghĩ bằng cái óc trong đầu, nhưng không phải, ta nghĩ bằng một cơ chế mà trung tâm của nó là ở bụng. Động từ “nghĩ bụng”, mệnh đề “bụng bảo dạ” là sự thật, cái đầu ta chẳng qua là bộ máy phản ánh những kết luận trong “nghĩ bụng” mà thôi. Nguồn sáng con người là một trung tâm trước ngực, có sợi dây vô hình xuyên qua đỉnh đầu, một đầu nối với trời, một đầu nối với đất. Con người là một vũ trụ thu nhỏ, một tiểu vũ trụ.
Con người có số phận, số phận ấy hình thành trong giờ phút ta lọt lòng mẹ. Số phận ấy đi với ta suốt đời, làm nên tính cách ta, tâm hồn ta, phong độ ta, từng thời của ta, nhiều hành động của ta có sự xui khiến của số phận. Văn chương của nhà văn là bản sao của hành trình số phận nhà văn.
Kinh Dịch là một học thuyết của phương Đông nghiên cứu về sự sinh thành và biến đổi của vũ trụ và xã hội loài người. Kinh là học thuyết. Dịch là biến đổi. Kinh Dịch bao trùm mọi sự vật trong vũ trụ và trong đời sống. Kinh Dịch chỉ dẫn cho ta mọi đường đi nước bước, làm theo Kinh Dịch thì tồn tại và thăng tiến. Kinh Dịch trình diễn bằng một thứ ngôn ngữ biểu tượng. Hàng nghìn bộ sách đã nghiên cứu Kinh Dịch nhưng chưa khám phá hết.
Kinh Dịch đến với người Việt ta từ bao giờ không ai biết, nhưng thể hiện một cách phong phú trong ca dao, tục ngữ của người Việt ta. Hóa ra người Việt đã lưu giữ một Dịch học bất thành văn trong kho tàng chuyện cổ, ca dao tục ngữ, trong lối sống, trong ứng xử minh triết hàng ngày.
Nguyễn Hoàng Phương đọc sách khám phá về Y học của Hải Thượng Lãn Ông, đi đâu trên đất nước mình cũng thấy bàng bạc một tinh thần Kinh Dịch.
Có rất nhiều “mật mã” Kinh Dịch trong những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống. Đã có thuyết nghiên cứu đáng tin cậy cho rằng người Việt chính là nguồn sáng tạo ra Kinh Dịch. Nếu Kinh Dịch được tóm tắt trong một chữ thì đó là chữ Thời. 64 quẻ Dịch là 64 thời trong Trời, Đất, Người. Trong Góc nhìn Bát quái có nhiều lần thấy chữ Thời trong lịch sử nước ta, thời họ Khúc, thời Lý Thái Tổ, thời Ngô Thời Nhiệm.
Đi với chữ Thời còn có chữ Dụng. Người Việt ta cũng rất giỏi về chữ Dụng. Dụng khi gặp thời Khốn, có người phụ nữ lấy ba đời chồng, đẻ ba con mang ba họ khác nhau, còn khốn nào bằng, nhưng nuôi ba con khôn lớn, khốn đấy mà hanh đấy. Dụng khi gặp thời Lữ, thời nhà Trần “nhổ cỏ nhổ cả rễ”, Lý Long Tường trốn khỏi kinh đô phiêu lưu trên đất người, trở thành anh hùng đánh giặc trên đất nước Triều Tiên.
Đối với tôi, mỗi bài viết là một sự ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên lớn nhất là thấy ra Dịch học thấm nhuần trong tâm trí Việt, hồn Việt. Dịch học có dấu ấn trên những thành công, thất bại trong lịch sử Việt Nam.