Giá Trị Bền Vững
Chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ gần đây, một loạt biến động hoặc có thể dự kiến (toàn cầu hóa, hiệp ước trao đổi thương mại song/đa phương, tiến bộ công nghệ, khan hiếm thực phẩm và nguyên liệu…) hoặc xảy ra bất ngờ (khủng hoảng tín dụng, kinh tế thoái trào, biến đổi khí hậu, khủng bố…) đã thay đổi sâu sắc cục diện doanh thương toàn cầu, khiến các doanh nghiệp đủ mọi loại hình và phạm vi hoạt đông trên thế giới phải thay đổi tư duy và mô hình phát triển doanh thương (business model) của mình.
Sự thay đổi căn bản có tính cách chiến lược này được xem là tất yếu (sine qua non) để các doanh nghiệp dù đã có truyền thống lâu dài (IBM, Shell, Coca-Cola, P&G, Unilever, BP…) hay các công ty nhỏ và mới thành lập, có thể sống còn, tăng trưởng và tồn tại trong bối cảnh tình hình cạnh tranh càng ngày càng tăng, từ nhiều nguồn và dưới nhiều hình thức.
Trong điều kiện khung pháp lý và thi hành luật pháp ở Việt Nam vẫn còn bất cập, việc sử dụng nhiều vật liệu có chất độc hại và xử lý chất thải trong qui trình sản xuất còn tùy tiện và bừa bãi, thì việc phổ biến nhận thức và thực hiện các nguyên tắc TNXHDN có thể xem là một nhu cầu cấp thiết giúp cho các doanh nghiệp có thể phục hồi và duy trì thế đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Mặt khác, trong hoàn cảnh thiếu vắng một tư duy và chiến lược phát triển kinh doanh hữu hiệu cho doanh nghiêp Việt Nam (không phân biệt ở cấp vĩ mô hay vi mô, hình thức quốc doanh hay tư nhân; qui mô lớn, vừa hay nhỏ), bản dịch cuốn Sustainable Value: How the World’s Leading Companies are Doing Well by Doing Good, của Chris Laszlo, do Ban tu thư, trường Đại học Hoa Sen xuất bản, đã ra đời thật đúng lúc.