"Từ trước tới nay, giới Phật tử Việt Nam chỉ học tác phẩm Nyayapravesa qua bản Hán dịch Nhân minh nhập chánh lí luận của ngài Huyền Trang. Vì dùng bản Hán Việt cho nên tất cả thuật ngữ về luận lí đều là từ Hán Việt. Việc am hiểu tường tận tất cả mấy chục thuật ngữ này để có thể hiểu được nội dung của Nyayapravesa cũng đã là một trở ngại không nhỏ cho lớp người Việt trẻ ngày nay. Ngoài ra, văn phong các bản dịch sử dụng các thuật ngữ này của các bậc tiền bối như Pháp sư Trí Độ, Hòa thượng Thiện Siêu, Giáo sư Minh Chi và các vị giảng sư Tăng, Ni hiện nay thì thiên về lối văn cổ, súc tích nên không dễ tiếp thu.
Từ đó, tôi nghĩ là nếu dịch trực tiếp bản Phạn văn Nyayapravesa ra Việt văn, cố tránh tối đa các thuật ngữ Hán-Việt khó hiểu, khó nhớ, khó phân biệt trong các bản dịch Hán Vệt của các bậc tiền bối; và dùng lối văn Việt thông thường, đơn giản thì có lẽ sẽ giúp cho lớp người Việt trẻ dễ am hiểu nội dung của Nyayapravesa hơn, và nói chung là dễ thâm nhập vào Nhận thức luận Phật giáo hơn."