Một ngày đẹp trời, bạn chợt chạnh lòng khi bắt gặp hình ảnh của một người bạn cũ trên Facebook, nay trông có vẻ thành đạt… hơn bạn?
Một nhân viên công sở khốn khổ khi thấy những đồng nghiệp đang tận hưởng chuyến du lịch trong mơ. Một phụ nữ có gia đình dấy lên nỗi bất an khi nhận ra bạn bè cô đang vui vẻ với cuộc sống độc thân. Tương tự, một ngày đẹp trời, bạn chợt chạnh lòng khi bắt gặp hình ảnh của một người bạn cũ trên Facebook, nay trông có vẻ thành đạt… hơn bạn?
Bạn cảm thấy rất nhiều người đang sống một cuộc sống thú vị, sôi nổi, thành công hơn mình? Mọi khía cạnh cuộc sống của bạn, từ cá nhân cho đến sự nghiệp, bỗng chốc trở nên thật thảm hại, đáng chán và… không thể nào sánh được với bao người khác?
Sách "Đừng Sợ Lỡ Cuộc Chơi" của tác giả Patrick J McGinnis
Nỗi sợ này hóa ra phổ biến hơn ta tưởng. Nỗi sợ bỏ lỡ, hay FOMO (Fear Of Missing Out), "cảm giác lo lắng không mong muốn vì nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị hơn bạn", lần đầu tiên được gọi tên bởi cậu sinh viên đại học Harvard Patrick J. McGinnis vào năm 2004.
FOMO được đưa vào từ điển Oxford năm 2013, và cho đến nay, nếu tìm kiếm bạn sẽ có hơn 10 triệu kết quả cho từ khóa này trên Google. Một nghiên cứu gần đây của J. Walter Thompson chỉ ra, FOMO tác động đến 70% người trưởng thành thuộc thế hệ Millennials. Tỷ lệ này cũng đáng báo động không kém với những thế hệ trước đó.
"Khi rơi vào nỗi sợ bỏ lỡ, bạn đang là một hành tinh xoay quanh hệ mặt trời của người khác thay vì là trung tâm của cuộc đời mình", Patrick J. McGinnis - "cha đẻ" của thuật ngữ FOMO - ví von trong "Đừng sợ lỡ cuộc chơi". FOMO đem lại mọi cảm giác khó chịu: Khao khát, hối hận, ghen tức, lo âu thấp thỏm, bất mãn vì cuộc sống của mình, khiến ta "mất đi sự tự tin, tiêu hao năng lượng và suy giảm phong độ". FOMO chính là một rào cản với hạnh phúc.
"Đừng sợ lỡ cuộc chơi" được viết bởi Patrick J. McGinnis, bàn về bản chất của FOMO và cách mỗi người có thể thoát khỏi nỗi sợ này để sống một cuộc đời thanh thản, tự do.
Người đọc có cơ hội hiểu nguyên do của nỗi sợ đang đeo bám ta hàng ngày, dưới con mắt tỉnh táo của xã hội học, sinh học và tâm lý học. Chẳng hạn, sự sai lệch trong thông tin trên mạng xã hội với thực tế (điều bạn ít có cơ hội nhìn thấy) là một thành tố chính gây ra nỗi bất an. Hoặc, cảm giác khó chịu khi khác biệt với đám đông, vốn xuất phát từ tâm lý "sợ bị cho ra rìa" đã có trong ADN của con người từ thuở xa xưa.
Tác giả cũng chỉ ra những nỗi sợ vô lý đó có thể gây nên hậu quả đáng sợ ra sao. FOMO làm giảm giá trị cá nhân, sự tự tin, và nguy hiểm hơn, khiến ta đưa ra những quyết định sai lầm, có thể dẫn cuộc sống đến những hướng đi không hề mong muốn. "Khi đồng nghiệp, môi trường xung quanh hoặc internet chi phối những động lực đằng sau các quyết định của bạn, thì nghĩa là bạn đang từ bỏ quyền kiểm soát và không còn khả năng làm chủ cuộc sống của mình", Patrick cảnh báo.
Làm sao để thoát khỏi FOMO, buông bỏ mọi điều tốt đẹp bạn đã-không-chọn để tận hưởng "cuộc chơi" của chính mình ở hiện tại?
Trong "Đừng sợ lỡ cuộc chơi", Patrick chỉ ra, giải pháp bao gồm sự thu thập thông tin chuẩn xác, khi "vẻ đẹp của sự thật" có thể dẹp đi kha khá những mối bất an vô lý. Patrick cũng phân loại rạch ròi các kiểu quyết định trong cuộc sống, có thể giúp những cá nhân thiếu quyết đoán nhất thở phào nhẹ nhõm.
Đối với những quyết định to tát trong cuộc đời, Patrick cho rằng, chìa khóa nằm ở sự thành thật với chính bản thân ta, tỉnh táo trước những gì đám đông đang thôi thúc và tránh những quyết định vội vàng chỉ đến từ mong muốn được hòa nhập.
"Liệu mình có thật sự muốn làm điều này không, hay là chỉ đang bắt chước người khác?" là câu hỏi mà tác giả "Đừng sợ lỡ cuộc chơi" dẫn ra. Câu hỏi này giữ ta đi đúng hướng, đảm bảo rằng ta không chạy theo ước mơ của người khác, đồng thời gắn kết ta với những giá trị cốt lõi của bản thân và những điều mình quan tâm nhất.
Khi trả lời được câu hỏi trên, việc bỏ lỡ những cuộc chơi của kẻ khác không đem đến nỗi sợ, mà ngược lại, là sự tự do và niềm tin vào bản thân. Nói như Patrick, "Bạn sẽ không bao giờ chìm đắm vào những điều mà bạn đã bỏ lỡ, trái lại, bạn sẽ hướng sự tập trung của mình vào những điều thật sự quan trọng trong đời". Và chỉ có chính bạn mới biết điều gì là thực sự cần thiết cho bạn và cuộc sống tinh thần của bạn. Không có bất kỳ một ai có thể thay đổi được bạn - Trừ khi chính bạn muốn làm điều đó mà thôi.
Đôi khi không phải một mình bạn nghĩ khác với đám đông là sai - Đám đông vẫn có thể sai và chỉ riêng bạn mới thấu hiểu điều gì là đúng theo trực giác lương tri của bạn. Hãy tự khám phá thế giới này theo cách của bạn. Bạn hãy là chính mình chứ đừng bao giờ biến mình thành cái bóng của người khác. Hạnh phúc thực sự đến từ sự tự khám phá, trải nghiệm và cảm nhận riêng của chính mình - không bao giờ đến từ sự tán dương ngợi ca của người khác.
Không chỉ giải thoát người đọc khỏi một nỗi sợ tâm lý, "Đừng sợ lỡ cuộc chơi" còn giúp bạn đưa ra những quyết định tuyệt vời, để sống trọn vẹn theo ý mình và tự do tận hưởng mọi lựa chọn. Cuốn sách dành cho bạn trẻ đang đứng trước những ngã rẽ sự nghiệp, người trưởng thành phải đối mặt với những lựa chọn quan trọng và "bất cứ ai muốn thực sự sống hết mình từng giờ từng khắc".
Nguồn dantri