Giới thiệu sách
Đôi Mắt
Trích trong các truyện ngắn:
Nửa đêm
Cái cơ nghiệp một con người giàu ở nhà quê có bao nhiêu! Một mình thằng con nuôi phá đã đi đứt ngay một nửa. Các bạn bè hắn phá một phần của cái nửa kia. Còn phần trót thì những kẻ thù của hắn phá nốt khi hắn chết. Bà quản Thích mới kịp nghĩ ra rằng: có một đứa con hung ác là một cái họa; nhưng mất một đứa con hung ác lại là một cái họa lớn hơn. Cũng may, khi mất hết của cải rồi thì bà được yên thân; ở chốn thôn quê đầy bất công và nhũng nhiễu, một người đàn bà góa chỉ yên thân khi đã thật già và thật nghèo.
Bà quản Thích rất cực lòng: con người nhân đức ấy đã oán đời. Có lúc bà tiếc rằng bố thằng bé vô tội ấy không còn sống để bắt những người khác phải nhận rằng thằng bé kia vô tội. Thì ra những người rất hiền lành cũng có thể là những người rất ác. Có điều họ không có cách để làm ác. Nếu ai cũng có thể thực hiện được những ước muốn của mình thì có lẽ nhân loại bị tiêu diệt từ lâu rồi.
Nó không hay khóc, mà có khóc thì cũng chỉ khóc vài tiếng lại thôi; hình như trẻ con khóc chỉ để cho người lớn phải xem đến nó; nó có khóc chán, cũng chẳng ai xem đến, khóc mà làm chi!
Bà nó thì đã già lắm rồi. Cái lưng còng xuống người còm cõi, trông như một con mèo đi bằng hai chân. Tiếng bà cũng khàn khàn ra như là tiếng mèo. Cái mặt thì nhăn dúm như cái đèn xếp của một cậu học trò vụng làm thủ công. Bà đi thất thểu tựa ma trơi. Tuy vậy, bà chưa chống gậy. Bà vẫn còn đi lại làm lụng được, cũng như còn ăn được. Cái dạ dày nhà nghèo thường hay rỗi việc nên giữ được bền. Tiêu hóa tốt thì tay cũng còn phải tốt. Nếu không thế, lấy gì mà tiêu hóa?
Bà giận thiên hạ lắm. Cái thiên hạ rỗi mồm, và cứ hay húc đầu vào những việc chẳng liên can tới họ. Bà nghĩ đến ngày con nuôi bà còn sống. Hàng xóm cứ là len lét, hơi hé mồm nói lôi thôi là gãy răng. Nó xấu xí như ma, xấu xí đủ mọi nết, thế mà hai lần lấy hai con vợ cứ gọi là như hoa. Chẳng đứa nào ngoác mồm ra mà chê đi. Bà muốn cháu bà cũng hung ác được như bố nó, rồi mà xem: dù đứa nào có đẹp đến như tiên, hỏi đến mà không lấy thì cứ là mượn cổ. Ở đời này, không tranh cướp thì nhiều khi đành tay không, giật lấy thì lắm người chịu đấy chứ sè tay xin mấy người thí cho?
Bà nghèo đi, trông trước trông sau không còn chỗ nào nương tựa, bà đành lại thắt lưng buộc bụng, để dành dăm bảy đồng mua một cái áo quan về đợi ngày chui vào. Bà nghĩ đến cái chết của bà: cô quạnh giữa một khu vườn hoang, không có lấy một người lại gần mà vuốt mắt. Có lẽ cũng chẳng ai biết để mời cha xứ về cho bà được ăn mày các phép trước khi từ giã chốn khách đày.Cái chết của bà sẽ là một cái chết cheo leo. Ai sẽ đọc cho bà dăm ba kinh để cầu nguyện cho linh hồn bà phải giam nơi huyện ngục? Buồn thay cho đời tàn...
Quái dị
Mùa ấy, ông cũng đi gặt ở mạn Đông, với mấy anh em nữa, toàn người làng cả. Họ gặt cho một nhà cũng khá giàu, mà có vẻ quí người. Trưa đến, quẩy lúa về, chủ nhà mời quan viên thợ gặt ngồi lên cái giường giữa trước bàn thờ để nghỉ ngơi cho nó mát rồi xơi cơm. Quan viên khấp khởi mừng thầm. Ngồi như vậy, thế nào ăn chẳng khá. Họ đã nghĩ đến riêu mè, thịt lợn kho, hay ít ra thì cũng được bát canh bí xào nấu với cua để húp cho mát ruột. Nhưng quan viên nhầm cả. Mâm cơm bưng lên toàn một thứ cà, cái thứ cà to bằng một bát con, thâm sịt và mặn như “cô” muối vào. Anh nào muốn sắt ruột lại thì cứ ăn! Ấy thế mà quan viên ăn rất nhiều. Chính cô dâu nhà chủ, có lẽ đã quen ăn mặn lắm, mà cũng phải chịu bọn thợ gặt này là ăn mặn. Một bữa ăn, cô phải lấy thêm cà năm, sáu lượt. Cứ vừa đem một đĩa lên, đã lại thấy họ gào đem đĩa nữa. Sau cùng, thấy đĩa thì không xuể, cô xúc luôn cho họ một bát tàu to thật đầy. Chỉ có bốn người ăn mà vại cà vơi đi...
Chiều hôm ấy, thấy cô con dâu ra đồng đội lúa, ông nhiêu Tiêm hỏi: “Cô ơi cô! Tôi hỏi thế này khí không phải. Cô đã lấy nước cho các cụ chưa?”. Người con dâu ngơ ngác. Cô không hiểu vì ý gì mà người ta hỏi thế. Hỏi họ thì họ chỉ cười khúc khích. Cô ngờ ngợ. Về nhà cô đem chuyện ấy khoe với chồng. Chồng cô không hiểu nốt. Y khoe với bố. Ông bố có học được ít chữ nho thì phải. Người có chữ nho thâm thúy. Ông nghĩ ngợi. Ông vào nhà, củ soát lại bàn thờ ông vải. Khi ông mở bốn cái đài, ông thấy đài nào cũng đầy lên những cà. Cho biết bọn thợ gặt này cũng thâm! Những kẻ đã vác cái đòn càn đi ăn cơm của người tứ xứ giở mặt nào cũng được, không chịu kém cạnh ai nước gì.
Cười
Hòa bình và hạnh phúc tỏa bóng mát trong cái nhà bé nhỏ của chúng. Giá tất cả trẻ con đều hiểu rằng: chúng sinh ra là để đi bộ, để mở những con mắt hau háu ra cười với người ta, để chim chim, đi chợ, làm cò bay hay những trò ngây ngô tương tự như thế chứ không phải để dụi mắt, để dỗi hờn, để khóc the thé đến làm bố điên lên được. Giá tất cả đàn bà đều hiểu rằng: người ta cưới họ về là để họ đem cho người ta những nụ cười, những cái vuốt ve, những lời nói nhẹ nhàng, khả dĩ khiến người ta quên mệt nhọc và chán nản chứ không phải chuốc lấy những lời cáu cẳn và một bộ mặt suốt ngày nhăn nhó như mặt nạ.
Nước mắt
Người không phải là thánh. Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình khổ trước. Không giữ được thì bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cau có làm chi?...
Ở hiền
Tại sao trên đời này lại có nhiều sự bất công đến thế? Tại sao ở hiền không phải bao giờ cũng gặp lành? Tại sao những kẻ hay nhịn, hay nhường thì thường lại chẳng được ai nhịn, nhường mình; còn những kẻ thành công thì hầu hết lại là những người rất tham lam, chẳng biết nhịn nhường ai, nhiều khi lại xảo trá, lọc lừa và tàn nhẫn, nhất là tàn nhẫn?...
Trẻ con không được ăn thịt chó
Rượu... thịt chó... rượu... thịt chó... Óc hắn cứ luẩn quẩn nghĩ đến hai thứ đấy. Sắc vàng bóng của một cái mông chó thui nhầy nhẫy mỡ với sắc xanh nhạt của một chai Văn-điển đầy ăm ắp cứ lần lượt hiện ra. Ờ! Mát trời thế này mà được uốngrượu thì tuyệt quá! Nhưng đào đâu ra tiền? Ấy thế là hắn lại chửi những quân hàng bưởi. Rồi nhân tiện, hắn chửi luôn vợ hắn: Cái “con mèo mù” đà đẫn mãi, bưởi chín đã gần muốn rụng mà vẫn chưa chịu rước người vào mua. Chửi chán, hắn tặc lưỡi một cái để bảo hắn rằng: không chửi nữa. Hắn quăng mạnh hai chân xuống đất để đứng lên và ra đi. Hắn đi cúi mặt, bước những bước mải mốt và cả quyết. Người ta tưởng hắn như đã định sẵn một nơi nào để đến. Nhưng không phải. Đến đầu ngõ, hắn tần ngần đứng lại. Bởi đến đầu ngõ, hắn gặp một con đường hai ngả. Biết đi ngả dưới hay ngả trên? Đi ngả dưới tức là đến nhà con mẹ Vụ để gạ bán non cho nó mươi gốc chuối. Nhưng con mẹ Vụ sẽ nhớ ra rằng: đã có lần hắn bán cho thị mười gốc chuối khác lấy hai đồng bạc đi xóc đĩa rồi lại bán lại lần nữa cho người khác lấy ngót hai đồng bạc. Giá mỗi cây chuối cố sinh ra lấy hai buồng, thì hắn không đến nỗi là con người lật lọng đâu. Nhưng cái giống chuối, từ cổ chí kim, mỗi cây chỉ sinh được một buồng. Vậy thì hắn đích thực là một con người hay lật lọng.
Dì Hảo
Dì Hảo ơi! Tôi hãy còn nhớ cái ngày dì bỏ tôi đi lấy chồng. Đó là một buổi chiều có sương bay. Người ta đã đến đón dì vào lúc tờ mờ tối. Cũng chẳng lấy gì làm đông lắm, bên nhà trai đâu lẻ tẻ mươi người. Về đằng nhà gái, bà tôi chỉ có dăm ba người chị em đưa đi, chính tôi cũng chẳng được đi. Mẹ tôi bảo: “Không có cỗ đâu: nhà người ta có trở, chỉ biện cơi trầu, bát nước”. Nhưng nào tôi có đòi đi để được ăn cỗ! Tôi chỉ theo dì Hảo của tôi: từ trước đến nay, có bao giờ dì đi đâu mà để tôi ở nhà? Người ta giữ tôi lại. Tôi tức, khóc òa lên, tôi tức bà tôi, tôi tức thầy mẹ tôi, tôi tức cả dì Hảo nữa! Tôi tự hỏi sao dì cứ phải đi lấy chồng? Và ngay bây giờ nữa, dì Hảo hỡi! Có lúc tôi vẫn ân hận vì dì đã đi lấy chồng. Nếu dì cứ ở nhà, nếu dì cứ là một người dì của tôi mãi mãi, thì có lẽ khỏi khổ, ít ra, dì cũng đỡ khổ hơn bây giờ.
Thông tin tác giả Nam Cao
Nhà văn Nam Cao (1915-1951), tên thật là Trần Hữu Tri, bút danh khác: Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt. Quê quán: Làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bút danh Nam Cao được ghép hai chữ đầu của tên tổng và huyện quê hương ông.
Ông là một nhà văn hiện thực phê phán (trước Cách mạng) và được xem là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của thế kỉ XX. Nam Cao còn là người có đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách viết truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ XX, có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết. Ông viết nhiều và có những tác phẩm đặc sắc: Chí Phèo, Dì Hảo, Lão Hạc, Lang Rận, Tư cách mõ, Mò sâm banh, Đôi mắt, Sống mòn... Với những cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà, năm 1996, Nam Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật.
Sách Đôi Mắt của tác giả Nam Cao, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark