Giới thiệu sách
Đôi Bàn Tay Mẹ
“Mở mắt và đứng lên - bắt đầu một ngày mới, tâm hồn thấy nhẹ đi đôi chút, khi đã quên bớt đi chuyện của ngày hôm qua. Tôi bước ra ban công đón ánh nắng ban mai, mới thấy lòng mình thanh thản lạ. Chuyện gì đến rồi sẽ đến, kết quả của ngày hôm nay là bài học của ngày mai, con đường này đóng lại sẽ có con đường mới mở ra.”
Trích đoạn Đôi bàn tay mẹ
Tình yêu là gì, hôn nhân là gì, hạnh phúc là gì, trách nhiệm và bổn phận làm mẹ, làm một người đàn bà khiến tinh thần chị luôn căng như sợi dây đàn. Chị không còn nhớ mình đã từng vui vẻ ra sao, ngày cuối cùng chị cười khi nào. Giây phút đón con chào đời lâng lâng bao cảm xúc, giờ đã tan biến.
Tối tăm bao quanh lấy chị. Chị nghe ai đó nói tự kết thúc sẽ quên hết tất cả. Mọi khổ đau sẽ qua đi. Chị hoàn toàn không có người chia sẻ. Những người bạn khiến chị thấy mặc cảm, với gia đình bên ngoại, chị không muốn mình là gánh nặng, gia đình bên chồng khiến chị thấy ngột ngạt. Chồng chị vẫn đi sớm về muộn mặc kệ cho chị loay hoay với mớ bòng bong. Chị nhức nhối trong từng thớ thịt. Cơn sốt bắt đầu tăng mạnh.
Hình như cơ thể chị bắt đầu phản kháng. Chị thấy lạnh run. Và có khi nghĩ đến kết thúc mọi việc. Chị ngã gục xuống cái bồn rửa mặt, nhìn lên chiếc gương, chị không còn nhìn ra mình và bắt đầu khóc như một đứa trẻ, thì lúc đó mẹ chồng chị vào:
- Tại sao không cho con bú sữa, mà bỏ con mình khóc vì đói, rồi đứng đó mà khóc lóc. Đàn bà gì mà hư hỏng, giờ này còn nhớ thương ai...
Chị không trả lời, chị vẫn không ngưng được hai hàng nước mắt. Chắc chị nhớ lại vài chuyện xưa, đại khái thời ấy chị luôn được quan tâm - yêu thương. Chứ không phải lấy chồng rồi, với chị luôn là nhiệm vụ, luôn là đạo lý, và các lý lẽ khác nhau trong việc làm dâu nhà chồng, chị luôn là người sai. Cho dù chị có biện minh hay cố gắng biểu lộ cho mình một vài tiếng nói trong gia đình lớn. Giọt nước tràn ly, chị chỉ muốn kết thúc bằng những viên thuốc ngủ. Phải chăng cái chết sẽ chôn vùi hết mọi bi thương, ấm ức của đời chị….
Trích đoạn Khi nhà vắng cha
Mẹ nó đâu có biết, nụ cười niềm vui của người lớn chính là hy vọng của trẻ con. Nó cần một gia đình êm ấm như bao bạn bè khác. Thời gian vắng một người cha trong mái nhà dài ra thêm, là khi nó biết trong chiều sâu ẩn trong đôi mắt anh em nó thèm khát bàn tay rắn chắc, giọng nói khàn đục ấm áp, mang âm trầm của đàn ông lớn hơn nó, ủi an khi bị mẹ rầy la, khi bị điểm kém ở trường biết bao, hay khi đạt điểm cao cần sự tự hào đầy ắp yêu thương, như câu chuyện của người bạn cùng lớp.
Một mùa hè nữa đến, như những mùa hè đã đi qua, hai anh em nó bị bắt buộc đi chơi xa, rời xa thế giới của công nghệ, bốn bức tường. Đó không phải là lần đầu tiên, ngồi một chuyến xe giường nằm hiện đại, nó và cả em nó có cơ hội nhìn cuộc đời qua ô kính cửa sổ, cùng nhịp với vòng xe liên tục lăn bánh, bỏ lại xa xa những hàng cây xanh, những con đèo, đồi núi rộng lớn bao la, những con người nhỏ bé đang chạy xe máy ở phía trước. Khi xe cứ tiếp tục cuộc hành trình của mình, những hành khách tranh thủ ngủ nghỉ, thì nó vẫn nhìn mãi qua ô cửa sổ. Thế giới này rộng lớn, những cánh rừng xanh xanh màu lá, xếp chồng lên nhau, trong suốt cuộc hành trình lên xứ sở ngàn hoa bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ, bức tranh màu diệp lục trùng trùng điệp điệp, ẩn hiện lúc gần lúc xa. Con đường xa lạ bỏ dần thành phố náo nhiệt ồn ào, mỗi lúc hiện rõ lên từng nét như một bức tranh miền sơn cước, cao nguyên lộng gió.
Thay lời Tựa
Duy nhất tuổi thanh xuân
Khi tôi bước vào tuổi bốn mươi, tôi nghĩ chắc là mình sẽ không thể thực hiện được ước mơ từ thuở nhỏ nữa, khát khao được viết, hình ảnh một nhà văn mới đẹp làm sao, luôn hiển hiện trong tâm hồn tôi, đi theo tôi suốt những hành trình, dù tôi đã bao lần ngủ quên. Người đàn bà qua hai lần sinh con đã thấu cảm được sự vất vả của việc nuôi và chăm sóc hai đứa con mình mang nặng đẻ đau như thế nào. Một mình đảm đương hai vai trò của một người mẹ, cũng như là một người bố của những đứa trẻ. Tự thấy số phận mình sao mà hẩm hiu. “Mười hai bến nước - biết bến nào trong - biết dòng nào đục”, nhưng biết đâu trong những trúc trắc ấy, sẽ là sức mạnh, là động lực cho tôi thực hiện những điều lớn lao hơn, giá trị hơn. Chẳng còn gì buồn hơn khi mất phương hướng giữa độ tuổi thanh xuân nhất. Tôi đã từng khóc sưng mắt cả đêm, nhưng sáng mai vẫn cố gắng đến trường công tác với mong ước có thể nuôi sống được chính mình, trách nhiệm với các con. Có thể, khi thật sự vượt lên chính mình, mới chính là sự trưởng thành. Người lớn vẫn có thể chưa thật sự trưởng thành, nếu chưa biết vượt qua những hanh hao, sợ hãi. Ngay khi đã lập gia đình, có công việc ổn định, nhưng vẫn chưa thực hiện được ước mơ từ thuở bé - tôi thấy mình chưa có một cuộc đời thật ý nghĩa . Và hôm nay, tôi ngồi gõ phím, viết lời tựa cho tập truyện ngắn “Đôi bàn tay mẹ”, gồm những truyện ngắn viết duy nhất một đề tài về phụ nữ, cảm xúc của những ngày tháng đã cũ, chợt quay về. Cung bậc xúc động - phấn khởi - đầy yêu thương cuộc sống tràn ngập trong lý trí - trái tim tôi.
Tôi nhớ lại, thời điểm lúc đó, tôi chỉ thấy những điều tiêu cực; một tương lai như những ngày thời tiết trong cơn áp thấp nhiệt đới. Ngày đi dạy - tối về chăm sóc con - tất bật với việc nhà - những suy tư mệt nhoài. Tôi thật sự rất dễ rơi nước mắt, khi tôi chẳng còn có ước mơ, chẳng thể làm được việc gì cho ra hồn. Hoàn thành công việc nuôi dạy trẻ mỗi ngày để có được đồng lương là xem như được rồi - ổn rồi. Chuỗi ngày ấy với tôi mọi thứ như là bi kịch, như là hành xác. Tôi ba mươi tuổi nhưng nhìn hom như bà già bốn mươi. Tôi mệt nhọc mỗi ngày, không buồn chụp một tấm ảnh với bạn bè mỗi khi lễ Tết.
Công việc luôn áp lực, tôi không có niềm vui. Chăm sóc con trong tâm trạng của một bà mẹ trầm cảm, tôi sẵn sàng đau đáu một mình, như một người đàn bà dở hơi. Không như ý mình mong muốn về một cuộc đời, không tìm được giá trị niềm vui trong cuộc sống, lại phải mang trên mình vô số sự buồn tủi. Không ai có quyền chọn nơi mình được sinh ra, nhưng phải biết chọn cách sống sao cho có giá trị. Tôi không bằng lòng, không thể để yên, buông xuôi tất cả. Tôi biết rằng tôi chỉ có duy nhất một đôi lần cho tuổi thanh xuân - tôi phải nỗ lực hết mình, để không bao giờ nói đến hai từ “Nuối tiếc”.
Những ngày ấy tôi thương mình lắm, tôi mồ côi cha từ rất sớm, được đi học - được làm cô giáo nuôi dạy trẻ với tôi đã là một kỳ tích. Bởi tôi có thể vì hoàn cảnh mà đã bỏ dở con đường học vấn từ rất sớm. Rồi làm cách nào, một người không qua một trường lớp đào tạo viết văn có thể viết truyện, viết báo, làm thơ song song với việc dạy học - chăm sóc con cái. Tôi cũng không thể lý giải, thời gian đâu để tôi có làm được những điều đó. Càng viết, càng tư duy, tôi lại tìm được niềm vui. Tôi không còn cảm giác muốn bỏ nghề. Tôi thấy yêu những công việc mình đang làm, ở vị trí nào tôi cũng nhủ mình phải làm việc thật tận tâm. Bởi tôi biết không có công việc nào mà không đòi hỏi sự nỗ lực hết mình và nghiêm túc cả. Và để làm được những điều đó, tôi liên tục đọc, đọc mọi lúc mọi nơi, khi có thời gian rảnh rỗi.
Những ngày tháng của tuổi đời đang rất đẹp mà người ta gọi là tuổi thanh xuân của tôi đối mặt với những lo toan, vụn vỡ, đi cùng nước mắt. Tôi chẳng dám nói tôi là người khổ đau nhất. Vì cái nhỏ nhoi của người này lại là cái lớn lao của người kia. Quan trọng nhất là cách người ta đối diện với nó. Tôi đã đứng lên - đi trên đôi chân của mình, sống với khát khao - ước mơ của một thời. Một ngày dù mặt trời không thể chiếu những tia nắng ấm áp khi có những cơn bão sẽ ghé ngang qua, thì tôi vẫn có thể đặt bàn tay lên nơi ngực trái của mình mà nhủ thầm rằng “Trái tim này - màu máu ấm nóng đầy cảm xúc, tràn nhiệt huyết, tôi sẽ làm được thật nhiều điều hơn nữa, để truyền nguồn năng lượng tích cực đến mọi người”. Cứ thế mỗi ngày của tôi trôi qua dù tất bật với việc trường, việc nhà, việc viết lách thì trên môi tôi vẫn luôn nở nụ cười.
Tôi dành thời gian của mình để yêu thương những đứa trẻ, tôi yêu từng con đường mà mỗi ngày tôi đang nỗ lực để đi đến đích, với những mục tiêu, những hoài bão về ngày mai tươi đẹp. Những ngày tháng của tôi trong vài năm gần đây luôn tràn đầy hy vọng - niềm tin. Có lần tôi tự ngạc nhiên cho sự thay đổi của chính mình, đó là khi tôi tìm ra chân lý để sống.
Tôi yêu từng khoảnh khắc của thời điểm này. Tôi gọi những giấc mơ về, thi vị, đầy xúc cảm, khao khát hạnh phúc trong từng phận người. Đặc biệt với những người phụ nữ, những cô gái trẻ, chúng ta biết khởi tạo cho mình những giấc mơ đẹp, thì phải biết bắt tay vào xây dựng nó, thì dù có khổ đau vẫn tin vào cuộc đời, tin vào ngày mai tươi sáng, thì nỗi buồn của hôm nay là nền tảng, sức mạnh cho sự kiến tạo tương lai, mai sau. Hãy tin điều đó!
Năm 2019
Tác giả Hồ Xuân Đà
Sách Đôi Bàn Tay Mẹ của tác giả Hồ Xuân Đà, có bán tại Nhà sách online NetaBooks với ưu đãi Bao sách miễn phí và Gian hàng NetaBooks tại Tiki với ưu đãi Bao sách miễn phí và tặng Bookmark